Biến chủng mới hoành hành, vaccine có ‘giậm chân tại chỗ’?

Hà Anh 04/06/2021 07:45

Một trong những nguyên nhân khiến các ca mắc mới không ngừng tăng ở châu Á thời gian gần đây chính là do sự xuất hiện của các biến chủng mới, đặc biệt là biến chủng Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ.

Trong khi vaccine Covid-19 thế hệ đầu dường như không chứng minh được hiệu quả cao đối với các biến chủng này, các nhà khoa học đang tính đến một bước đi lâu dài và bền vững hơn đó là nhanh chóng nghiên cứu những phiên bản vaccine cập nhật.

Biến chủng mới “đốt nóng” một phần thế giới

Ngày 3/6, đề cập biến chủng Delta lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ từ tháng 10/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay: “Chúng tôi tiếp tục quan sát thấy khả năng lây lan tăng lên đáng kể và ngày càng nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan biến chủng này”, dù số ca nhiễm toàn cầu giảm 15% tuần trước. WHO cũng lưu ý rằng việc nghiên cứu thêm về biến chủng này là ưu tiên hàng đầu.

Theo WHO, biến chủng Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ đã lan sang ít nhất 62 nước, với các điểm nóng bùng nổ khắp châu Á và châu Phi. Trong khi đó, biến chủng P.1, hiện được đặt tên là Gamma, lần đầu được phát hiện ở Nhật Bản từ những người đến từ Brazil, đã lây lan sang 64 quốc gia.

WHO cho hay, châu Phi và Tây Thái Bình Dương là hai khu vực đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng tại các điểm nóng mới. Ngay các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang chứng kiến ca nhiễm gia tăng một hoặc hai tuần trước.

Tại Bahrain, nơi có khoảng 55% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine nhưng số ca nhiễm Covid-19 cũng đã bắt đầu tăng vọt từ đầu tháng 5 và đạt mức ca nhiễm mới cao nhất từ đầu dịch.

Khu vực Tây Thái Bình Dương đang báo cáo ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất từ đầu dịch. Khu vực này ghi nhận hơn 139.000 ca nhiễm mới trong tuần qua, tăng 6% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm mới cao nhất trong khu vực được báo cáo ở Myanmar, với 53.419 ca trong tuần qua. Số người chết cao nhất được ghi nhận ở Philippines, với 776 trường hợp.

Trong khi đó, khu vực châu Phi báo cáo hơn 52.000 ca nhiễm mới và hơn 1.100 ca tử vong trong tuần qua, tăng lần lượt 22% và 11% so với tuần trước đó.

Bên cạnh đó, ngay cả tại Anh- một quốc gia rất thành công trong chiến dịch miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine- Thủ tướng Boris Johnson đã phải tiếp tục kêu gọi người dân thận trọng, đồng thời thừa nhận nguy cơ về biến chủng virus đang gia tăng có thể khiến nước Anh lùi thời hạn gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế, dự kiến vào ngày 21/6.

Bất chấp những kết quả tích cực trong hơn 2 tháng qua, giới khoa học và chuyên gia y tế tại Anh đang ngày càng tỏ ra lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta và kêu gọi chính phủ Anh lùi kế hoạch gỡ toàn bộ các hạn chế vào ngày 21/6.

Tại nhiều vùng của nước Anh, biến thể này đang chiếm ưu thế và các xét nghiệm gần đây cho thấy, số ca nhiễm loại biến thể đã chiếm trên 60% số ca tại Anh vài tuần qua, nhiều hơn cả loại biến thể Alpha (Kent) phát hiện tại Anh cuối năm 2020.

Dù số ca nhiễm hàng ngày tại Anh vẫn ở mức thấp nhưng đà lây nhiễm cũng bắt đầu tăng trở lại. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày nước Anh ghi nhận trên 3 ngàn ca nhiễm mới, tăng 34,7% so với 1 tuần trước đó. Số ca nhập viện cũng tăng 17,1%.

Ngoài Anh, một số nước khác tại châu Âu cũng đang cảnh giác trước việc dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại. Tại Pháp, Chính phủ Pháp cho biết một số vùng ở Tây Nam nước này như Occitanie, Aquitaine hay Pyrénées-Atlantique đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng rất cao trong vài ngày qua, thậm chí một số khu vực nhỏ như ở thành phố Bordeaux đã xuất hiện các biến thể virus rất hiếm.

Tìm cách cập nhật vaccine

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về việc liệu các chủng biến thể mới có làm giảm hiệu quả các vaccine Covid-19 thế hệ đầu hay không. Tuy nhiên, một số nhà phát triển vaccine vẫn quyết định cập nhật các mũi tiêm để chống lại các chủng biến thể mới hiệu quả hơn.

Công ty công nghệ sinh học Novavax đã công bố dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine thế hệ đầu của họ có hiệu quả khoảng 85% đối với chủng biến thể Alpha ở Vương quốc Anh - nhưng chỉ có hiệu quả dưới 50% đối với chủng biến thể ở Nam Phi, có tên 501Y.V2. Thử nghiệm này cho thấy, rất có thể 501Y.V2 và các biến thể tương tự có thể làm giảm đáng kể hiệu quả vaccine.

Theo ông Paul Bieniasz, nhà virus học ở Đại học Rockefeller, New York, vaccine sẽ cần được cập nhật. Câu hỏi là tần suất và thời gian cập nhật như thế nào?

Các nhà khoa học, quan chức y tế và nhà sản xuất vaccine đang bắt đầu xử lý vấn đề này. Nhưng “việc cập nhật chắc chắn không phải ngay bây giờ”, ông Bieniasz nói, các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu tìm hiểu cách các đột biến khác nhau làm thay đổi phản ứng của vaccine.

Các vaccine Covid-19 hiện có được thử nghiệm giai đoạn III với hàng chục nghìn người tham gia trước khi được cấp phép sử dụng chính thức. Nhưng việc thử nghiệm vaccine cập nhật theo quy trình tương tự sẽ rất chậm và khó khăn, nhất là khi vaccine thế hệ đầu đã đang được triển khai trên khắp thế giới, nhà miễn dịch học Drew Weissman ở Đại học Pennsylvania, Philadelphia, cho biết.

Không rõ cần bao nhiêu dữ liệu lâm sàng để phê duyệt một bản vaccine Covid-19 cập nhật. Vaccine cúm theo mùa mới thường không cần thử nghiệm mới từ đầu, nhưng các cơ quan quản lý và các nhà khoa học không có nhiều kinh nghiệm và dữ liệu lâm sàng với một loại vaccine mới như vaccine Covid-19.

Quy mô và thời gian của các thử nghiệm với vaccine bản cập nhật có thể phụ thuộc vào việc liệu các nhà nghiên cứu có tìm thấy mối tương quan giữa vaccine mới với vaccine thế hệ đầu hay không. Nếu vaccine mới tạo ra các phản ứng tương tự, chẳng hạn như mức kháng thể, thì có thể coi đó như dấu hiệu cho thấy vaccine mới có khả năng chống lại Covid-19. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu chỉ cần phân tích phản ứng sau khi tiêm mà không cần đợi đến lúc người tham gia thử nghiệm bị nhiễm Covid-19 để nhận biết tác dụng của vaccine. Tuy vậy, thời gian dự kiến để sản xuất, thử nghiệm và xin chấp thuận vaccine phiên bản cập nhật cũng phải mất vài tháng.

Hơn thế nữa, một ý tưởng táo bạo và đang được đặt nhiều kỳ vọng là việc tạo ra một thứ “vaccine toàn năng”, có thể chống được mọi chủng virus độc hại cùng các biến thể của chúng, cụ thể là tìm ra và tập trung tấn công vào các “vùng bảo tồn” của mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 thì xem như có thể bào chế được loại vaccine toàn năng dập được dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến chủng mới hoành hành, vaccine có ‘giậm chân tại chỗ’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO