Căng thẳng tuyển sinh lớp 10

Thúy Lan 07/01/2018 06:00

Được biết chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập năm học 2018-2019 hầu như không thay đổi đáng kể so với năm học trước, nhưng số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng đột biến khiến áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên cả nước căng thẳng hơn mọi năm. Điều này đang gây áp lực cho các trường cũng như phụ huynh, học sinh…

Căng thẳng tuyển sinh lớp 10

Tại thời điểm này, việc chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 cũng đã khiến học trò lo lắng Nguồn: Dansinh.

Tỷ lệ “chọi” cao
Tại Hà Nội, số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy có khoảng 100.000 học sinh đang học lớp 9 và đương nhiên sang năm số này sẽ phải cạnh tranh vào lớp 10 công lập. Số lượng này tăng so với kỳ tuyển sinh 2017 là 24.000 học sinh.

Thực tế, nhiều năm nay, năm nào Hà Nội cũng chỉ dành khoảng 60% chỉ tiêu vào trường công lập, gần 40% học sinh phải học hệ ngoài công lập hoặc giáo dục thường xuyên, học nghề... “Đáng nói là không chỉ cạnh tranh công lập khó mà cả suất vào những trường ngoài công lập chất lượng cũng sẽ khó bởi quá đông học sinh”, bà Mai Lan, phụ huynh học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, Đống Đa chia sẻ.

Trong khi đó, những năm gần đây, chỉ tiêu vào lớp 10, Hà Nội luôn có chủ trương giảm sĩ số học sinh trong lớp để tăng chất lượng. Do đó, nếu các trường THPT không được tăng chỉ tiêu để đảm bảo sĩ số như năm trước thì học sinh sẽ rất vất vả để đỗ được vào công lập. Hơn nữa, có một thực tế, lâu nay số trường THPT công lập ở Hà Nội vốn đã không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đơn cử quận Cầu Giấy, khối THPT chỉ có 3 trường công lập.

Hiện nay, mặc dù mới hết học kỳ I nhưng tại nhiều trường THCS, không khí chuẩn bị ôn luyện cho kỳ thi lên cấp của học sinh lớp 9 đã được đẩy mạnh bởi dự kiến sức cạnh tranh cao. Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nay khối lớp 9 có 326 học sinh, tăng 100 em so với năm trước. Tỉ lệ học sinh tăng cao, dẫn đến tỉ lệ chọi được xác định là cao hơn năm trước nên để cạnh tranh buộc trường phải nâng cao chất lượng học sinh.

Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng, bà Lê Thị Thúy Nga chia sẻ về áp lực “trò thi, cô lo” bởi khi tuyển đầu vào, trường công lập không được chọn đầu vào. Do đó, để nâng chất lượng học sinh, đỗ tỷ lệ cao vào các trường THPT công lập, giáo viên cực kỳ vất vả. Bởi thế, năm trước, điểm thi học sinh lớp 9 của trường chỉ đứng sau THCS Cầu Giấy, một trong những trường có chất lượng tại quận.

Trong lo ngại cũng đã xuất hiện tia hy vọng đó là thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm nay Hà Nội sẽ xây mới một số trường THPT công lập nên tăng cơ hội học công lập cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đang làm tờ trình báo cáo thành phố về việc đảm bảo tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu công lập tương đương năm trước để tạo điều kiện cho học sinh được học công lập. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 40% học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc lựa chọn học trường nào sẽ là bài toán khó đối với các bậc phụ huynh.

Siết đăng ký nguyện vọng
Ngày 3-1 vừa qua, Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn phần mềm xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. Thông tin về việc một số học sinh chọn nguyện vọng bất hợp lý trong những năm vừa qua khiến việc học THPT gặp trở ngại tồn tại trong nhiều năm, ông nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết năm nay sở sẽ siết chặt việc chọn nguyện vọng của thí sinh.

Theo ông Hiếu, kỳ tuyển sinh năm 2017, theo thống kê của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, có đến gần 500 học sinh chọn nguyện vọng vào các trường THPT tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Nhiều nguyện vọng trong số này là vô lý bởi khoảng cách địa lý quá xa, học sinh không thể đi học. Từ đó sau khi có danh sách trúng tuyển, phụ huynh đến xin chuyển trường dù trong quy định tuyển sinh đã ghi rõ thí sinh chỉ thay đổi nguyện vọng duy nhất vào thời điểm sở công bố thống kê nguyện vọng ban đầu.

Vì không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế nguyện vọng của thí sinh, nên nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc tư vấn là vô cùng quan trọng giúp học sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Đặc biệt, lãnh đạo Sở nhấn mạnh: Sở chưa khi nào gây áp lực nên các quận, huyện, các trường đừng vì một bản báo cáo 100% học sinh đậu công lập hay vì lý do gì khác mà tư vấn cho học sinh đăng ký những nguyện vọng khiến việc học trở nên khó khăn.

Cũng theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, năm học 2017-2018, số lượng học sinh lớp 9 là 104.905, tăng gần 21.000 học sinh so với năm học 2016-2017. Đề cập đến kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp chuẩn bị cho năm học 2018-2019, lãnh đạo Sở cho hay theo lộ trình phân luồng học sinh sau THCS, tỷ lệ học công lập sẽ giảm mỗi năm 3% sao cho năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 70% học sinh lớp 9 tiếp tục theo học các trường THPT công lập. Như vậy, có thể dự đoán tỷ lệ lớp 10 công lập dành cho học sinh lớp 9 năm nay là khoảng 75%. Tính ra, với số lượng 104.905 học sinh lớp 9, nếu cùng chọn nguyện vọng vào học lớp 10 thì chỉ có khoảng 78.750 học sinh trúng tuyển…

Trường nghề - một hướng lựa chọn

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Dương Đức Lân- nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chia sẻ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân.

Còn theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam - số 15, Quý III năm 2017 của Bộ LĐTBXH thì tỉ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học và trên đại học là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017. Thiết nghĩ các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi con em mình theo học các trường nghề. Theo ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: những phân tích cảnh báo của bản tin thị trường lao động và thực tế từ việc tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ góp phần vào thay đổi định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho thí sinh cũng như gia đình.

Ông Diệp cũng cho rằng những con số về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, những thí dụ thực tế của đời sống hằng ngày như công nhân phải “giấu” bằng đại học khi đi xin việc khiến các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ phải đưa lên bàn cân và tìm cách giải bài toán “việc làm hay bằng cấp”. Điều đó cho thấy, học nghề được coi là lựa chọn thực tế và thông minh trong bối cảnh ngày càng nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng tuyển sinh lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO