Chậm trễ tự chủ ngân sách

H.Hương 27/10/2016 09:35

Chiều 26/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông tin về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp cho biết, vẫn còn nhiều đơn vị không muốn tự chủ về tài chính, mang tâm lý không sẵn sàng thay đổi, mà muốn dựa vào ngân sách nhà nước.

Ông Trường cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/ NĐ- CP (Nghị định 16) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 2/2015. Từ đây các Bộ quản lý ngành căn cứ vào nghị định khung xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực: y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Cụ thể đối với loại dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN, đơn vị sự nghiệp được tự xác định giá dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.

Đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN: Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá; đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân như sau: Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định)- Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị có điều kiện vươn lên nhanh hơn, Nghị định quy định, căn cứ vào tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện trước lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Song theo quan điểm của ông Trường, NĐ 16 đến nay đã ban hành một năm rưỡi song quá trình triển khai Nghị định chậm so với lộ trình. Đáng lẽ trong quý IV-2015, các Bộ ngành đã phải phải ban hành NĐ chuyên ngành nhưng tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 nghị định chuyên ngành được ban hành, vẫn còn 5 NĐ nữa chưa ban hành. Trong đó chỉ mới có 4 bộ, bao gồm Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch trình Chính Phủ dự thảo NĐ, vẫn còn một lĩnh vực chưa trình Chính Phủ dự thảo Nghị định.

“NĐ 16 thay đổi căn bản phương thức tự chủ đầu tư ngân sách với lĩnh vực dịch vụ công, mà việc mới bao giờ cũng gặp vướng, đây là lý do tại sao các Nghị định chuyên ngành chậm được ban hành”. “ Các Bộ ngành triển khai thận trọng trong văn bản hướng dẫn, và một số đơn vị có tâm lý chưa sẵn sàng, vẫn mong ngân sách hỗ trợ” – ông Phạm Văn Trường giải thích thêm về thực tế, các bộ ngành kéo lùi thời gian tự chủ về ngân sách.

Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định 16 quy định các đơn vị sự nghiệp chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị; NSNN không cấp bổ sung; đối với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chi tiền lương tăng thêm từ các nguồn theo quy định, bao gồm cả nguồn NSNN cấp bổ sung (nếu thiếu).

Đối với phần thu nhập tăng thêm, các đơn vị được chủ động sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện hiện phân chia cho người lao động trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác của người lao động.

Ông Trường cũng chia sẻ thêm, sẽ dành nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương trong đó cải cách tiền lương lĩnh vực y tế, tăng chi cho công tác dự phòng các chương trình mục tiêu y tế chẳng hạn như tiêm chủng, vacxin. Mà theo quan điểm của ông Trường, đây là những vấn đề bức xúc của dư luận trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm trễ tự chủ ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO