Dẹp 'rèm che, bệ đỡ' trong bổ nhiệm cán bộ

Nguyên Khánh 12/01/2017 09:35

"Bộ Nội vụ cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý biên chế, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt không để tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng thực chất cán bộ không xứng đáng”- Đó là nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao cho ngành Nội vụ cần gấp rút thực hiện trong thời gian tới.

Sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, bổ nhiệm người nhà

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngành Nội vụ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch, quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục.

Trong lĩnh vực tuyển chọn công chức, viên chức, cần công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, minh bạch để ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Đồng thời rà soát sửa đổi ngay các thủ tục, quy trình bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà; không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm theo quy trình nhưng lại là người không xứng đáng. Thực tế đó là những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm đạo đức, có sai phạm hoặc vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm.

Ngành Nội vụ cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý biên chế, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tinh giản biên chế đồng bộ với các giải pháp khác. Cần chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó nghiên cứu, kịp thời tham mưu các giải pháp để khắc phục hạn chế, bất cập trong việc thực hiện cơ chế tiền lương, phụ cấp; xây dựng và hoàn thiện Đề án tiền lương phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước.

Dẹp chuyện “ngồi chơi xơi lương”

Đồng tình cần phải tính lại quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhiều chuyên gia cho rằng, dứt khoát phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý biên chế để bịt những lỗ hổng trong quản lý biên chế thời gian qua; nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Quốc Cường cho rằng: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân và trong chính đội ngũ cán bộ công chức. Bởi những người lao động, cống hiến thực sự phải “gánh vác” phần nhiệm vụ của những kẻ “ngồi chơi xơi lương”.

Trong khi làm việc, lao động gấp đôi, gấp ba lần người khác nhưng thu nhập, tiền lương lại cào bằng. Những bất cập này kéo theo hàng loạt hệ lụy về tiền lương, hiệu quả công việc… trong hệ thống các cơ quan nhà nước hiện nay. Điều đáng nói là khi có vụ việc xảy ra đều nói là đúng quy trình, vậy phải xem lại quy trình. Không thể nói quy trình đúng nhưng cán bộ được bổ nhiệm là sai, vậy ai có lỗi?

Ông Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Quy trình dù hoàn hảo tới mức nào thì cũng phải có những lỗ hổng nhất định. Điều quan trọng vẫn là đạo đức của con người, của chính người tham gia vào bình chọn cán bộ để bổ nhiệm và chính người được bổ nhiệm.

Đối tượng tha hóa luồn lách vào vị trí cơ quan nhà nước sẽ lợi dụng những lỗ hổng, kẽ hở để làm những việc sai trái, đó mới là những điều đáng nói. Trong quá trình bổ nhiệm, công tác nhân sự ta thấy hoàn toàn dựa theo hiệu ứng Domino, tức là một khi một người đi lên bằng phương thức nào thì họ sẽ tuyển những người dưới quyền, nhân viên bằng cơ chế đó, kèm theo những lợi ích nhóm.

Điều cần làm là phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý biên chế, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần nâng cao tính liêm chính của cán bộ. Liêm chính, minh bạch sẽ là tấm lưới lọc, sẽ đưa được người có phẩm chất, năng lực vào vị trí lãnh đạo cáng đáng sự nghiệp của đất nước mà nhân dân giao phó.

Ông Nguyễn Quốc Cường đề nghị, quan trọng là công tác giám sát và truy trách nhiệm cả người chịu trách nhiệm bổ nhiệm cũng như người được bổ nhiệm. Cần tăng cường giám sát cán bộ qua nhiều kênh, nhất là dựa vào tai mắt của nhân dân. Khi cán bộ có dấu hiệu sai trái phải thanh kiểm tra, khi rõ sai phạm phải nhanh chóng xử lý, không để “chìm xuồng” gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp 'rèm che, bệ đỡ' trong bổ nhiệm cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO