20 năm ươm mầm con chữ cho trẻ em nghèo

Lê Quốc Khánh – Toha Kim 14/05/2017 09:00

Lớp học tình thương nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ trong khóm Nguyễn Du giữa lòng thành phố Long Xuyên, lấy chốt dân phòng là địa điểm mở lớp học.

Ông Thời – Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Mỹ Bình.

Nghe tin ở khóm Nguyễn Du thuộc phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có một lớp học tình thương hình thành từ hơn 20 năm qua, ươm mầm con chữ cho khoảng 400 trẻ em nghèo có những cảnh đời hết sức éo le như: cha mẹ đều đi làm mướn, chạy xe ôm, đưa đò, mua gánh, bán bưng,… do đó trẻ không có khai sinh; không biết họ chính xác; không hộ khẩu; nhà không số; chòi không ra chòi, nhà không ra nhà; trẻ không được đi học,…. chúng tôi tìm đến để xem thực hư lớp học này ra sao.

Lớp học tình thương nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ trong khóm Nguyễn Du giữa lòng thành phố Long Xuyên, lấy chốt dân phòng là địa điểm mở lớp học tình thương.

Ông Nguyễn Hữu Thời, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Mỹ Bình cho biết: Năm 1994, tình hình ở khóm Nguyễn Du hết sức phức tạp. Trẻ em lêu lỏng nảy sinh nạn ăn cắp vặt. Cứ lơi lỏng, mất cảnh giác một tí là mất trộm vặt như: áo mưa, dép, nón, hoặc bất cứ vật gì treo bên xe máy. Đến mức đồ cúng ở bàn thiêng cũng bị ăn cắp.…

Những đứa trẻ này là con em của các gia đình về đây mướn nhà trọ ở hoặc sống trên ghe để đi làm thuê. Do đặc điểm gần sông, gần thành phố nên có nhiều nhà trọ, lại là xóm lao động nghèo nên các gia đình tìm về khóm Nguyễn Du tá túc rồi hàng ngày đi mưu sinh ở các nơi trong thành phố Long Xuyên.

Lo lắng lũ trẻ nhỏ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn dẫn đến vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương chủ trương hình thành câu lạc bộ (CLB) “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo”.

Ban đầu CLB có 11 ông bà và 4 cháu. Sau 2 năm đã tăng lên 40 cháu. Trong số đó trên 50% là các em thuộc gia đình “bốn không”: không hộ khẩu, không nhà cửa, không giấy khai sinh, không biết họ tên cha mẹ. Sau khi tập hợp được các trẻ em vào câu lạc bộ, đến năm 1996, xã mở 2 lớp học tình thương huy động được 40 cháu đến lớp để xóa mù chữ. Các trẻ đến lớp được dạy các môn: tiếng Việt, lịch sử, toán, kỹ năng sống, đạo đức, biết tôn trọng người lớn và không tham gia trộm cắp.

Những thầy cô giáo đến lớp là những người lớn tuổi có uy tín ở địa phương, nhiệt tình, tình nguyện dạy không lương, những năm gần đây vào dịp hè có cả sinh viên tham gia dạy.

Ông Thời là người khởi xướng xây dựng lớp học và bao năm qua dành hết khoản lương hưu của ông mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng để góp vào quỹ từ thiện, giúp các em nhỏ có tập sách, dụng cụ học tập đến lớp. Nhờ vậy đã góp phần đưa khóm Nguyễn Du từ khóm tệ nhất trở thành khóm văn hóa. Lớp học xóa dốt cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt từ buổi đầu đến giờ vẫn chỉ có một tấm bảng sờn, vài viên phấn trắng cùng những bộ bàn ghế đã cũ trong một không gian hơn chục mét vuông của trụ sở dân phòng khóm.

Lớp học đặc biệt tồn tại hơn 20 năm tại khóm Nguyễn Du.

Tuy là lớp học tình thương nhưng các em đi học cũng giống như lớp học chính khóa. Các em học từ thứ hai đến thứ sáu. Giờ học bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 10h. Dụng cụ học tập được tài trợ từ nguồn hỗ trợ của UBND phường Mỹ Bình và mạnh thường quân. Học sinh có trình độ khác nhau nên việc dạy học của các em cũng có phần đặc biệt vì phải phân thời gian để dạy.

Cô Phan Thu Thủy (53 tuổi), giáo viên của lớp cho biết đã dạy ở lớp học tình thương được 4 năm, dạy từ lớp 1 cho đến lớp 4. Cứ tốp này đọc thì tốp kia làm bài viết để việc học diễn ra trơn tru. Những ngày cuối tuần, cô Thủy còn mua bánh trái liên hoan để khích lệ tinh thần của học sinh đến lớp. Dù thiếu thốn nhưng tụi nhỏ chăm học lắm, hết giờ rồi mà vẫn chưa muốn về. Việc học ở đây diễn ra liên tục và không có nghỉ hè.

Bạn Phan Ngọc Giàu (25 tuổi, ngụ phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) chia sẻ: “Trước đây, em học ngành Giáo dục tiểu học tại Đại học An Giang, ra trường đã 2 năm nay. Em tham gia lớp trong đợt tình nguyện ngày 1-6 năm 2016. Kể từ đó, cứ rảnh rỗi, em lại tranh thủ thời gian ến lớp cùng cô Thủy dạy các em nhỏ. Học sinh ở đây ngoan, chăm học hơn so với những những đứa trẻ được em dạy thêm tại nhà. Dạy học ở đây em rất thích vì vừa giúp các em còn bản thân rèn luyện được kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi công chức sắp tới”.

Hơn 20 năm qua, theo thời gian, lớp học tình thương đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Cứ mỗi lần mưa là dột nhiều nơi khiến giáo viên và học sinh vất vả lo đối phó. Tấm bảng ngày nào cũng sờn viết khó ăn phấn.

Ngồi viết từng nét chữ, trò Tuyết Sương bộc bạch nỗi buồn: “Hồi đó con không biết chữ. Vô lớp được các cô chú dạy con biết chữ, biết viết tên, con mừng lắm nhưng còn họ thì không biết. Thấy các bạn ai cũng có đầy đủ họ, tên, con về hỏi Ba nhưng khi hỏi Ba giận lên nên không dám hỏi nữa. Còn giấy tờ tùy thân thì trò Tuyết Sương cho biết không có bất cứ giấy gì. Gia đình thì ở trong căn chòi không có số nhà, không có hộ khẩu.

Em Nguyễn Văn Tý, 7 tuổi cho biết: Gia đình em Tý về khóm Nguyễn Du “định cư” hơn 1 năm nay. Nơi ở của cả gia đình 6 miệng ăn là chiếc ghe bầu chật hẹp. Hàng ngày, cha em đi bán dưa ngoài chợ, còn mẹ làm công ty may. Sau giờ học ở trường, em phải ra chợ phụ bán dưa tiếp cha.

Trước tình trạng lớp xuống cấp, ông Nguyễn Hữu Thời có kiến nghị xã cho sửa sang lại mái tôn nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa nên cứ vào mùa mưa thì việc học của các em vất vả.

Gần đây, UBND xã có quan tâm lập danh sách các em để làm giấy khai sinh cho học sinh thuộc diện “bốn không”. Đây là tín hiệu đáng mừng để các em có giấy tờ tùy thân sau này xin việc ở các công ty, xí nghiệp. Tuy vậy, xã còn nỗi trăn trở là các em chỉ mới học đến hết lớp 5, được xóa dốt ở lớp học tình thương nhưng không thể theo học tiếp nữa vì còn phải lo toan mưu sinh kiếm sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 năm ươm mầm con chữ cho trẻ em nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO