Cử nhân sư phạm: Cơ hội việc làm rộng mở

Nguyễn Hoài 16/11/2022 14:11

Cơ hội việc làm rộng mở với giáo viên các môn nghệ thuật khi năm nay Âm Nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tín hiệu vui với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THPT với lớp 10.

Đây cũng là năm đầu tiên hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai dạy học ở bậc học này. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của giáo viên các môn nghệ thuật sẽ rộng mở hơn.

Tốt nghiệp đại học năm nay, em Phạm Thị Yến Nhi, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết, cơ hội việc làm của em rất lớn.

Sinh viên Khoa Sư phạm Âm nhạc - Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

Theo Yến Nhi, không chỉ khối tiểu học, mà nay khối trường THPT cũng đang rất cần giáo viên các môn nghệ thuật. Đó cũng là cơ hội cho giáo viên nghệ thuật cũng như học sinh cấp 3 định hướng được nghề của mình, đỡ bỏ lỡ cơ hội năng khiếu.

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, theo ghi nhận của phóng viên, các trường sư phạm đang tăng tốc đào tạo.

Thay vì 400 chỉ tiêu cho cả 2 ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc như những năm trước, năm nay Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu lên hơn gấp đôi là 900.

PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết: “Gần như 100% trường học hiện không có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Trong khi khối lượng sinh viên của trường ra trường chỉ đáp ứng được phần nào so với nhu cầu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc. Đào tạo giáo viên không thể “ồ ạt” được ngay, cần căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường”.

Cùng với nghệ thuật, thiếu giáo viên dạy môn học tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường THCS hiện nay.

Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý.

Thế nhưng cũng phải 2 năm nữa nhà trường có có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, bên cạnh việc đào tạo đội ngũ giáo viên mới, trường vừa phải tham gia bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có để có thể dạy tích hợp.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục cho biết, hiện trường đã hợp tác bồi dưỡng giáo viên dạy môn học tích hợp cho các trường bậc THPT của tỉnh Hưng Yên.

Bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, hiện cả nước thiếu tới hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù đã có sự chuẩn bị nhưng các trường cũng chỉ đào tạo có hạn mức.

Vì thế, trong lúc chờ các cử nhân sư phạm đầu tiên đào tạo theo chương trình mới tốt nghiệp, giải pháp tạm thời được đưa ra là sử dụng giáo viên cấp học dưới lên hay giảng viên từ cấp trên xuống.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cho biết, dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong một sớm, một chiều.

Thực tế, hầu hết các trường đều chưa đưa Âm nhạc và Mỹ thuật vào để học sinh lựa chọn để an toàn trong năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT.

Tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề nóng của ngành giáo dục từ nhiều năm qua. Trong nhiều kỳ họp Quốc hội của nhiệm kỳ trước, các đại biểu cũng từng lên tiếng về vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cũng đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Về phía Bộ GDĐT, ông Đức thông tin, Bộ hết sức quan tâm và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Đồng thời, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn; tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.

Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên và đã được Bộ Chính trị đồng ý bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026. Trong đó, năm học 2022 - 2023 bổ sung 28.750 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử nhân sư phạm: Cơ hội việc làm rộng mở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO