Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu

Minh Thụy (thực hiện) 22/03/2017 10:05

“Từ kinh nghiệm của một “Quốc gia khởi nghiệp”, chúng tôi thấy rằng việc phát triển các viện nghiên cứu là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là các công ty tư nhân cũng phải thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển và dần đẩy mạnh công tác này”. Đó là chia sẻ của bà Meirav Eilon Shahar – Đại sứ Israel tại Việt Nam, người giới thiệu cuốn sách bổ ích “Quốc gia khởi nghiệp” tới hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam.

Đại sứ Meirav Eilon Shaha.

PV: Thưa bà Đại sứ, sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel, theo bà thì điểm nổi bật nhất mà hai quốc gia đạt được là gì?

Đại sứ Meirav Eilon Shahar: Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn không chỉ trong một mà nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghệ thông tin tới khoa học, giáo dục và quốc phòng. Không những vậy, Việt Nam -Israel trong những năm gần đây còn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực ngoại giao đánh dấu bằng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Israel đặc biệt coi trọng khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước, đồng thời coi đây là thế mạnh của mình trong hợp tác với các quốc gia khác. Vậy bà có nhận xét gì về nền khoa học và công nghệ Việt Nam hiện nay?

- Nền khoa học và công nghệ Việt Nam đang phát triển rất nhanh với việc đầu tư vào các viện nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu của nhà nước. Từ kinh nghiệm của một “Quốc gia khởi nghiệp”, chúng tôi thấy rằng việc phát triển các viện nghiên cứu là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là các công ty tư nhân cũng phải thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển và dần đẩy mạnh công tác này. Các công ty muốn phát triển thì cần đầu tư nguồn lực mạnh mẽ vào công tác nghiên cứu. Tất nhiên chính phủ cũng cần có những chính sách để hỗ trợ các công ty trong lĩnh vực này.

“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”, ông Nelson Mandela, người đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993 nói. Để có được nền khoa học công nghệ tiên tiến, theo bà một quốc gia cần phải có một nền giáo dục như thế nào? “Đổ đầy” hay “gợi mở sáng tạo”?

- Để có được một nền khoa học công nghệ tiên tiến, ngành giáo dục cũng cần hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên phát triển tư duy độc lập. Đồng thời hỗ trợ họ bằng cách cung cấp những công cụ phù hợp để thúc đẩy sự phát triển.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình bằng cách học tập từ hệ sinh thái khời nghiệp độc đáo của Israel - mô hình độc đáo giữa Chính phủ, tư nhân và viện trường. Việt Nam đã thay đổi mô hình này sao cho đáp ứng một cách phù hợp nhất với điều kiện ngoại cảnh. Về phía Israel, để hỗ trợ Việt Nam chúng tôi đã mời và hỗ trợ rất nhiều đoàn nghiên cứu sang Israel hoặc đưa các chuyên gia từ Israel sang Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp này.

Theo Đại sứ, các nhà đầu tư Israel nhìn nhận thế nào về cơ hội đầu tư ở Việt Nam, nhất là lĩnh vực khoa học và công nghệ?

- Việt Nam là một địa điểm đầu tư vô cùng hứa hẹn nói chung chứ không riêng gì lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống luật rõ ràng hơn.

Đọc Quốc gia khởi nghiệp, người đọc nhận thấy ngay, người Israel ở nước ngoài đổ về nước để khởi nghiệp tạo ra một làn sóng phát triển mạnh mẽ cho đất nước. Theo bà để đạt được như vậy, Israel đã có những chính sách gì? Và ở Việt Nam để thu hút Kiều bào ở nước ngoài chung tay khởi nghiệp xây dựng kinh tế, vai trò của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với khởi nghiệp sẽ như thế nào, thưa bà!

- Israel có những chính sách rất cụ thể và thiết thực để khuyến khích người Israel ở nước ngoài quay trở về hoặc đầu tư vào Israel, bởi những người Israel ở nước ngoài được ràng buộc với Israel bởi 2 yếu tố: Sự kết nối với gia đình, họ hàng và ý thức đầu tư và xây dựng quê hương đất nước.

Trong số những chính sách, có thể kể đến chương trình Birthright Israel - tài trợ hoàn toàn miễn phí 1 chuyến “hành trình di sản” 10 ngày về lại Israel cho người Do Thái đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trong độ tuổi 18-26. Chuyến đi, với tên gọi “Taglit “ theo tiếng Hebrew nghĩa là “Khám phá”, sẽ giúp cho những người con Do Thái hiểu hơn về nguồn cội của mình và thêm gắn bó với lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Qua chương trình này, rất nhiều doanh nhân trẻ, thành đạt đã nắm lấy những cơ hội thuận lợi để hợp tác, đầu tư về Israel, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Tôi nhận thấy chính phủ Việt Nam, MTTQ và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đang rất nỗ lực và có những chính sách, chương trình hiệu quả để khuyến khích, hỗ trợ Việt kiều trở về xây dựng quê hương, đất nước, nhằm hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư.

Với vai trò Đại sứ, bà sẽ làm gì để mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới?

- Với vai trò là Đại sứ như trong suốt thời gian qua, tôi đã luôn cố gằng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ, khối kinh doanh và người dân hai nước thông qua các hoạt động ngoại giao, văn hóa nghệ thuật. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục các hoạt động này. Tôi tin rằng, càng có nhiều sự trao đổi và hợp tác thì hai nước sẽ càng hiểu nhau và càng gắn bó.

Trân trọng cảm ơn bà Đại sứ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO