Di sản Then: Kỳ vọng được vinh danh

Minh Quân 27/03/2017 08:20

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản về việc gửi Hồ sơ quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ trình vinh danh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ 2013.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Bộ VHTTDL sẽ gửi hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tới UNESCO trước ngày 31/3, để được dự xét trong năm 2018.

PGS.TS Nguyễn Bình Định - Viện trưởng Viện Âm nhạc - đơn vị đảm nhiệm lập hồ sơ di sản cho biết: Trong việc xây dựng hồ sơ, UNESCO yêu cầu phía tham gia phải là người dân, cộng đồng.

Vì thế, trong hồ sơ di sản Then có nhiều tỉnh tham gia thì điều cần thiết là tính liên kết cộng đồng. Nhưng từ trước đến nay, chưa có loại hình nghệ thuật nào của bà con các dân tộc vùng núi phía Bắc được công nhận danh hiệu di sản của UNESCO nên quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Bình Định, với kinh nghiệm trước đây từng làm hồ sơ cho ca trù, đờn ca tài tử, hát bài chòi… bên cạnh những thuận lợi là xây dựng hồ sơ cho Then là các thầy Then ở địa phương vẫn còn nhiều, các nghi lễ tín ngưỡng vẫn còn được thực hiện, và một phần không kém quan trọng, là hiện vật, sách Then bằng tiếng Tày – Hán vẫn còn được gìn giữ nhiều trong những gia đình có truyền thống làm thầy Then.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nghi lễ Then không được thực hiện vì lý do mê tín, đã rơi vào tình trạng trầm lắng, phải phục dựng lại.

Do vậy việc làm hồ sơ cho Then cũng gặp phải không ít khó khăn. Then tồn tại và phát triển ở địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc, cho nên việc đi lại của các chuyên gia cũng không dễ dàng.

Trong hành trình hoàn thiện Hồ sơ cho “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, việc dịch lời các bài Then cũng là một trở ngại lớn. Đơn cử như người biết tiếng Tày cũng chưa chắc dịch được các bài hát hát Then. Bởi nhiều bài là tiếng cổ, cộng với phải hiểu biết, có kiến thức về tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc thì mới dịch được.

“Vì thế, khi làm hồ sơ, chúng tôi đã yêu cầu mỗi tỉnh phải cung cấp một chuyên gia hiểu biết về Then dịch lời rồi mới chọn lọc đưa vào hồ sơ. Chúng tôi từng làm một lễ cấp sắc ở Bắc Cạn, phải dịch lời mất hai tháng mới xong” - PGS.TS Nguyễn Bình Định cho hay.

Ông Định cũng chia sẻ: Giờ đây việc bảo tồn không hề dễ dàng, bởi Then mang tính tâm linh, nghi lễ nhiều hơn là trình diễn. Như đờn ca tài tử, cũng có sức sống hiện tại tương tự như Then, ai cũng có thể hát được, vào karaoke cũng hát được, nhưng Then thì không thể, vì Then gắn với việc làm lễ của thầy Then.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhận định: “Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha”.

Đặc biệt, theo GS Tô Ngọc Thanh: Trong việc nhìn nhận giá trị của thực hành Then cần có sự phân biệt rạch ròi giữa Then cổ và Then mới, giữa Then nghi lễ và Then văn nghệ, nhất là không thể dựa vào Then mới, Then văn nghệ với các lời đã được cải biên để bảo tồn Then cổ, Then nghi lễ.

GS Tô Ngọc Thanh cho rằng nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những đắng cay của cuộc sống của ông cha.

“Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng”- GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Không những vậy, trong nhiều năm trở lại đây việc cải biên, phát triển các làn điệu Then rất được các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số hết sức quan tâm. Những sáng tác đưa Then từ không gian nghi lễ đến không gian sân khấu, đem lại nhiều hứng thú cho không ít khán, thính giả.

Đơn cử, như nhạc sĩ Nông Viết Toại dựa trên làn điệu Then Bắc Kạn đặt lời cho bài hát “Lập xuân” ca ngợi vẻ đẹp của con người, trời mây, sông nước… khi hoa đào “tô thắm quê hương” và cổ động việc trồng cây ngày Tết.

Hay dựa vào làn điệu Then ở miền Đông Cao Bằng, nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương viết nên tác phẩm “Trăng soi đường Bác” với nội dung ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Không chỉ được cải biên, gần đây một số bài hát dựa trên giai điệu của Then đã đánh giá cao như “Đi học” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (phổ thơ Minh Chính), “Suối Lênin” của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì cả hai tác phẩm đều có nền là giai điệu Then “Pây tàng” (Đi đường) vùng Ngân Sơn (Bắc Kạn)…

Cùng với giá trị trong dân gian, kết hợp các Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái được tổ chức thường xuyên, nhằm nỗ lực thực hành Then trong cộng đồng, di sản Then của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản Then: Kỳ vọng được vinh danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO