Đổ vỡ từ đa cấp

Ngọc Anh 21/09/2016 11:05

Bản chất của bán hàng đa cấp lúc thoạt đầu khi được nhân loại “phát minh” ra, chắc chắn không hề xấu. Nó giản dị dễ hiểu chỉ là một cách bán hàng trực tiếp khác với các mô hình kinh doanh thông thường mà trong đó người bán sẽ dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng. Nghĩa là nó tiết kiệm đến tối đa các chi phí trong phân phối sản phẩm so với cách phân phối thông thường.

Và cho đến nay, khi ở Việt Nam năm 2015 đã lên tới con số 1,2 triệu người tham gia vào “trò chơi” mang tên đa cấp, thì nó gần như đã đồng nghĩa với lừa đảo. Trong thực tế con số này có thể lớn hơn và cực kỳ đau đớn khi trong nhiều năm qua, với cái tên bán hàng đa cấp, xã hội tồn tại một sự thật là người này lừa người kia để sống.

Các đại lý của bán hàng đa cấp đã kéo theo không ít những người thân trong gia đình, làng xã, đồng nghiệp.

Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa được công bố tại buổi sơ kết 6 tháng triển khai Chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp cho biết tính đến tháng 9/2016, chỉ còn hơn nửa triệu người VN tham gia bán hàng đa cấp, đem về doanh thu 4.000 tỉ đồng cho 50 đơn vị bán hàng đa cấp.

Nói “chỉ còn hơn nửa triệu người” là bởi so với con số 1,2 triệu người của năm 2015. Sự đổ vỡ của bán hàng đa cấp cùng với sự tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng đã khiến hơn 600.000 người rời khỏi hệ thống bán hàng đa cấp trong vòng 1 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, nhiều người trong số này vẫn chưa đòi lại được hết tiền đã đưa vào kinh doanh đa cấp.

Cái vòi bạch tuộc của đa cấp “ghê gớm” tới mức Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thốt lên tại buổi sơ kết: “Bộ trưởng, thứ trưởng, phó cục trưởng đều nhận được điện thoại mua chuộc, thậm chí đe dọa khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị kiểm tra”.

Cơn bão đa cấp những năm qua càn quét từ làng quê đến thành phố. Có thể kể ra những “khủng hoảng” nghiêm trọng nhất mà người Việt đã nhận được từ đa cấp trong thời gian qua.

Đó là năm 2011, Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel của Mỹ tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn thành viên trắng tay với số tiền thiệt hại nhiều tỷ đồng.

4 năm sau, năm 2015, đa cấp càng trở lên nhức nhối với cú lừa đảo của Liên Kết Việt, 60.000 người đã “sập bẫy” trước khi bộ mặt thật của Liên Kết Việt bị phơi bày…

Cũng tại buổi sơ kết theo công bố của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bán hàng đa cấp hiện nay vẫn đang rất phức tạp, bên cạnh những chiêu thức truyền thống như thuyết phục, lôi kéo người tham gia bằng các sản phẩm có giá rất cao nhưng chất lượng thấp, còn nhiều hình thức biến tướng khác.

Các nhà phân phối bán hàng đa cấp đến tận nhà người dân ở vùng sâu vùng xa để lôi kéo. Ngoài các hình thức như giao dịch tiền ảo, họ còn đội lốt từ thiện để huy động tài chính. Bên cạnh đó là hô hào góp vốn dự án “bánh vẽ”, góp vốn vào bất động sản, đầu tư nhà hàng, khách sạn...

Nói chung, dù các nhà quản lý có cho là nó đang diễn biến phức tạp hay xuất hiện thêm nhiều chiêu thức mới thì nói cho gọn lại, đa cấp chỉ thực hiện một chiêu bài duy nhất là thò ra một loại sản phẩm (hoặc cụ thể như thực phẩm chức năng, hoặc mơ hồ như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bất động sản…) để huy động tài chính, rồi lấy tiền của người sau trả cho người trước.

Điều gì khiến đa cấp dù đã có những đổ vỡ nhìn thấy vẫn tiếp tục tồn tại chỉ với một chiêu thức… lừa?

Tất nhiên, phải bắt đầu từ tâm lý hám lợi mà không cần lao động của không ít người dân. Giống hệt như tín dụng đen, các chiêu trò lừa đảo trong việc huy động tài chính lâu nay vẫn thành công nhờ đưa ra mức lãi rất lớn. Dùng tiền của người sau trả cho người trước, đồng tiền kiếm được quá dễ dàng đã khiến không ít người mờ mắt, càng tích cực tham gia vào việc đi rủ rê, lôi kéo người khác tham gia.

Đau lòng là trong quá trình tạo ra hệ thống chân rết, các đại lý của bán hàng đa cấp đã kéo theo không ít những người thân trong gia đình, làng xã, đồng nghiệp. Sự đổ vỡ sau đó càng trở thành một hệ lụy không gượng dậy nổi vì có những gia đình cả vợ chồng, con cái, anh em đều mất tiền khi một hệ thống bán hàng đa cấp sụp đổ.

Nhưng mặt khác, đứng ở góc độ xã hội cũng phải thấy số lượng người tham gia vào bán hàng đa cấp quá lớn cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cũng ở mức cao. Chẳng có việc gì làm thì rủ nhau đi bán hàng đa cấp. Hơn nữa, có sự “tiếp tay” cho đa cấp từ không ít cá nhân có vị trí chức trách trong xã hội, có sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong cấp phép kinh doanh, trong xử phạt vi phạm.

Chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đánh giá báo cáo của các cơ quan chức năng về sai phạm và mức độ xử lý các công ty đa cấp vẫn... chưa phản ánh đầy đủ thực tế. Cho đến nay những tác động và hệ lụy của bán hàng đa cấp đến xã hội vẫn chưa đánh giá đầy đủ. “Đang có những hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp để kinh doanh trái phép. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất, lừa đảo xã hội” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo.

Trong số những ý kiến về lỗ hổng hiện hành đang tạo kẽ hở cho hoạt động bán hàng đa cấp lộng hành, đáng chú ý là ý kiến của ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế: “Mặc dù chỉ đạo rất mạnh là tăng cường kiểm tra nhưng tăng cường đối tượng nào, văn bản không có. Có những người thiệt hại hàng tỉ đồng nhưng cũng không dám tố cáo vì sợ mất tài sản, nên phải chấp nhận tiếp tục tham gia...”.

Thêm nữa, cũng chính Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định các mức xử phạt vi phạm khi kinh doanh đa cấp quy định tại Nghị định 42/2012 chưa đủ sức răn đe…

Trên giấy tờ báo cáo của các cơ quan chức năng, còn hơn nửa triệu người tham gia bán hàng đa cấp. Con số ấy trên thực tế sẽ lớn hơn, cũng như số người mất tiền mà không dám tố cáo cũng lớn hơn vì vẫn nuôi hy vọng còn có thể lấy lại được.

Để quản lý, ngăn chặn hệ lụy phát sinh từ kinh doanh đa cấp chúng tôi đồng tình với những ý kiến vừa phát biểu của ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, rằng nếu những văn bản chỉ đạo hiện nay chủ yếu là “tăng cường, đẩy mạnh”... thì rất khó để thay đổi tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổ vỡ từ đa cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO