Doanh nghiệp 'chây ỳ' lên sàn

Hồ Hương 23/12/2016 09:33

Vẫn còn gần 400 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa đưa cổ phiếu lên hệ thống giao dịch UPCoM. Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp cổ phần hóa trốn tránh niêm yết là do cơ quan chủ quản chưa quyết liệt.

Doanh nghiệp không chịu lên sàn có nguy cơ kéo lùi cổ phần hóa.

Điểm danh 400 cổ phiếu nằm chờ

2 cổ phiếu “nóng” của ngành bia, bao gồm cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã chính thức lên sàn chứng khoán. Cụ thể cổ phiếu Sabeco (mã SAB) giao dịch tại sàn Hose vào ngày 6/12 vừa qua.

Trước đó, vào tháng 10 thì cổ phiếu của Habeco (mã BHN) chính thức giao dịch tại sàn HNX. Và cả hai trường hợp Sabeco và Habeco đều là dẫn chứng cho thực tế doanh nghiệp cổ phần hóa không chịu lên sàn, với thực tế chậm niêm yết đến 9 năm so với quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Hải-Phó chủ tịch Hiệp hội các tổ chức tài chính VAFI từng khẳng định, việc chậm trễ này khiến cho nhiều nhà đầu tư ngoại ngại đổ vốn vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển, chỉ có “lợi ích nhóm được hưởng”.

Đồng thời, ông Hải cũng đề nghị cách chức lãnh đạo DN khi DN cổ phần hóa chậm trễ niêm yết. Chính phủ cần kỷ luật nếu lãnh đạo Bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán. Nếu 100% DN cổ phần hóa niêm yết, thực hiện đúng quy định thì nhà nước có thể thu thêm được nhiều tỷ đô la từ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn.

Số liệu từ Phòng đổi mới sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có gần 400 DN đã CPH nhưng chưa lên sàn. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nếu việc bán cổ phần không minh bạch thì rất dễ xảy ra chuyện cộng tác với nhau để chia nhau lợi ích. Nhóm lợi ích có thể làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc làm việc với nhà đầu tư trong nước, sau đó họ mới chuyển hóa cho nhà đầu tư nước ngoài qua đấu giá.

Do đó, phải đẩy mạnh niêm yết chứng khoán, minh bạch thông tin, đưa giá lên theo đúng giá thị trường. Sau khi niêm yết, minh bạch thông tin, tổ chức đấu giá công khai cho các nhà đầu tư tham gia. Hạn chế việc rút bán thỏa thuận, Nhà nước dễ thất thu. Buộc các DN sau CPH phải niêm yết sẽ xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước.

Việc này được hình dung như sau, khi không đăng ký giao dịch trên thị trường tập trung khiến các phiên đấu giá cổ phần DNNN trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.

Vẫn chậm và yếu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cổ phần hóa 194 DN (chưa bao gồm các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC và DN 100% vốn cấp 2 của tập đoàn kinh tế đã có chủ trương cổ phần hóa công ty mẹ, DN 100% vốn cấp 2 của tổng công ty, công ty mẹ - con).

DN không chịu lên sàn đã đành kèm với việc khâu định giá doanh nghiệp vẫn còn chậm và yếu có nguy cơ kéo lùi CPH. Một chuyên gia cho hay, trường hợp Mobifone mua cổ phần của công ty An Viên (AVG) có những mức định giá doanh nghiệp chênh lệch tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ban đầu định giá với mức là 16.500 tỷ đồng, nhưng đấu giá cao nhất là 33.300 tỷ đồng. Cuối cùng thương vụ này buộc phải thanh tra toàn diện.

Không những thế, cũng có thực tế khác đang diễn ra, là, đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Tư tưởng một số Bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp lớn cũng đang là trở ngại đối với việc đẩy nhanh tiến độ CPH.

Điển hình như trường hợp của Tổng công ty lắp máy VN (Lilama), hiện nay nhà nước vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội CPH.

Chuyên gia kinh tế -TS Lưu Bích Hồ cho rằng, không ít đề án tái cơ cấu DNNN đã được đặt ra, Quốc hội phê duyệt nhưng kết quả của đề án thì vẫn chung chung, chứ không đi vào thực chất. “Việc tái cơ cấu vừa qua mới động đến các doanh nghiệp nhỏ. Còn khi chạm đến doanh nghiệp lớn, ngoài việc khó khăn khách quan là phải định giá phức tạp, chọn nhà đầu tư đủ tầm thì phải thẳng thắn là do Bộ, Ngành chủ quản tìm mọi cách trì hoãn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp 'chây ỳ' lên sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO