Giữ gìn vẻ đẹp hồ Gươm

Hương Lê 12/09/2016 09:35

Không riêng gì PGS Hà Đình Đức, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ tỏ băn khoăn khi hay tin Hà Nội xây dựng ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm.

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP các nội dung thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Hay nói cách khác, thành phố đã thống nhất xây ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm.

Một dự án đã được rục rịch từ cách đây gần 10 năm, đến nay được khởi động trở lại. Điều này đang khiến nhiều chuyên gia và những nhà nghiên cứu văn hóa thấy băn khoăn, lo lắng về việc bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm nói riêng, cũng như các di tích văn hóa lịch sử vùng phụ cận.

Khởi động lại Dự án

Theo như thông báo số số 312/TB-UBND của UBND TP. Hà Nội về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đối với các nội dung thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: UBND TP cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).

UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để thống nhất giải pháp kết hợp việc triển khai dự án ga ngầm C9 với việc thực hiện quy hoạch tại khu vực trụ sở các Tổng Công ty nêu trên, đảm bảo tính kết nối, sự đồng bộ, hài hòa và nâng cao hiệu quả của các dự án.

Theo tinh thần đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất báo cáo trước ngày 10-9-2016 để UBND thành phố mời Bộ VHTT&DL, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai. Được biết, trước đó Bộ VHTT&DL đã đề nghị xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động tới các yếu tố chứa đựng giá trị của di tích tại hồ Hoàn Kiếm.

Khi biết thông tin này, PGS Hà Đình Đức ngỡ ngàng, vì sau nhiều năm nằm yên bất động đến nay dự án này bỗng... thức dậy.

Ông chia sẻ: Tôi tiếp cận dự án này từ tháng 6/2006. Khi đó, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội mời tôi kiểm kê các di tích văn hóa lịch sử mà tuyến tàu điện ngầm đi qua. Tôi đã thống kê được tất cả 61 di tích nằm trên tuyến đường mà tàu điện ngầm dự kiến đi qua.

PGS Hà Đình Đức cũng cho rằng, thành phố đã quyết có nghĩa là dự án trước sau cũng sẽ được khởi công. Nhưng đóng góp ý kiến tham vấn phản biện với thành phố, ông vẫn bảo lưu quan điểm như 8 năm trước khi nghe tin về dự án này. Rằng khi xây dựng ở khu vực trung tâm nên tránh xa Hồ Gươm, bởi đây là nơi rất linh thiêng. Hơn thế cũng cần phải bảo tồn cho được các di tích lịch sử văn hóa Thủ đô.

Cùng quan điểm với PGS Hà Đình Đức khi ấy, KTS Nguyễn Quang Huy- phòng tư vấn kiến trúc xây dựng Hà Nội cũng cho rằng: Công nghệ ép đất là công nghệ hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ này, chắc chắn không thể không có ảnh hưởng dây chuyền đến lòng đất, đặc biệt là khu vực hồ Gươm.

Còn KTS Lê Hồng Kế cho rằng việc đưa một công trình hiện đại vào một mảnh đất cổ kính có thể làm mất đi cảnh quan khu vực hồ Gươm. Do đó theo ý kiến của ông, hồ Gươm là mảnh đất thiêng đã được thừa nhận từ ngàn đời nay. Chúng ta không thể bảo toàn nguyên vẹn hồ Gươm nếu cho đường tàu điện ngầm đi qua khu vực này.

Quá nhiều dự án cạnh hồ Gươm

Hà Nội vừa mở ra không gian đi bộ quanh hồ Gươm, sau 2 tuần hoạt động thử nghiệm- dù vẫn cần nhiều thời gian để hoạt động này đi vào nề nếp, nhưng đã góp phần làm đẹp không gian sống ở khu vực trung tâm thành phố. Cũng theo qui hoạch mới nhất của Thủ đô, khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ vẫn là trung tâm văn hóa của Hà Nội.

Vậy là dù muốn hay không, sẽ luôn có những luồng di chuyển lớn lượng người đổ về đây mỗi ngày. Điều này đặt ra cho nhà quản lý bài toán làm sao vừa tổ chức được các luồng phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, vừa phải giữ vững và bảo tồn được không gian văn hóa xung quanh hồ.

Không riêng gì PGS Hà Đình Đức, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ tỏ băn khoăn khi hay tin Hà Nội xây dựng ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm. Góp ý cho dự án này, từ nhiều năm trước KTS Nguyễn Lân đã cho rằng: Việc mở ga quá gần hồ Gươm như công bố được duyệt mới đây của tuyến đường sắt đô thị số 2 là hoàn toàn không nên.

Theo ông điều này sẽ phá vỡ cảnh quan, không gian cần cho hoạt động xung quanh hồ. Xưa nay chúng ta đã giữ quan điểm hạn chế tối đa các công trình có thể phá vỡ cảnh quan mặt nước, ven hồ… để không biến hồ Hoàn Kiếm thành “ao” Hoàn Kiếm rồi, vậy thì bây giờ lý gì lại chấp thuận cho việc mở ga tàu điện ngầm quá sát hồ như vậy? Vì vậy cửa lên xuống cho ga C9 nên lùi ra cách hồ chừng 2 hoặc 3 con phố nữa là vừa. Ngoài ra, việc công bố công khai thiết kế ga C9 càng sớm càng tốt cũng thực sự cần thiết.

Cách đây chưa đầy 2 tháng, dự án xây dựng công trình khách sạn ven hồ Gươm đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Những lo lắng ấy hoàn toàn có cơ sở bởi hồ Gươm vốn là một không gian kiến trúc văn hóa lịch sử nhạy cảm, là một di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra, tại sao trong ưu tiên bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang được Hà Nội đề xuất, người ta không ưu tiên “cứu” không gian văn hóa hồ Gươm đang ngày một bị thu hẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn vẻ đẹp hồ Gươm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO