Hát xẩm tìm công chúng

Thư Hoàng 02/04/2017 08:00

Nếu so với phim ảnh, ca nhạc, nghe hát xẩm bây giờ không phải là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy vậy, những đêm xẩm được duy trì trong không gian phố đi bộ Hà Nội vào những buổi tối cuối tuần trong thời gian qua đã mang đến cho du khách và công chúng yêu xẩm những trải nghiệm văn hóa thú vị. Một vấn đề cũng được đặt ra là làm sao để thu hút được nhiều người hơn đến xem, nghe hát xẩm?

MV “Tứ vị Hà Thành”.

1. Một trong những nhóm xẩm có nhiều nỗ lực đưa xẩm đến gần hơn với công chúng đó là Xẩm Hà Thành, mà lòng cốt là các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Giáng Son…

Những buổi biểu diễn của Xẩm Hà Thành tại phố đi bộ Hà Nội (trong không gian đền thờ Vua Lê, đường Lê Thái Tổ) đã thu hút được công chúng và khách du lịch. Đến nay, địa điểm này trở nên thân quen với những người yêu hát xẩm Thủ đô. Thậm chí, có cả những người ở tỉnh thành khác cũng chờ đến cuối tuần để về xem xẩm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, khán giả trẻ đến xem xẩm chưa nhiều. Đạo diễn Vũ Lâm- người từng thực hiện nhiều MV xẩm cho rằng: “Xẩm không phải là một món ăn dễ, nhất là với thế hệ trẻ”. Vì thế, việc kéo khán giả trẻ đến với xẩm phải là một sự nỗ lực mạnh mẽ, thông qua nhiều hình thức.

Thời gian qua, nhóm Xẩm Hà Thành ý thức điều này nên những buổi biểu diễn cũng đã được làm mới, với những bài xẩm có “hơi thở” đương đại.

Như trong đêm Xẩm xuân 17 vừa diễn ra vào tối 24/3 vừa qua, bên cạnh những tiết mục tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu và GS.TS Phạm Minh Khang nhân ngày gỗ Tổ nghề Xẩm, nhóm Xẩm Hà Thành đã trình diễn những bài xẩm do nhóm mới sáng tác với mong muốn khơi tiếp mạch nguồn dòng chảy dân gian trong đời sống đương đại, như: “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Chồng say”…

Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long trình diễn bài xẩm “Thôi em cứ việc lấy chồng”. Đây là một trong số 6 bài xẩm được lồng điệu xẩm trên lời thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang mà nhóm Xẩm Hà Thành đã trình diễn trong đêm nghệ thuật “Còn điều chi em mải miết đi tìm” tại Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 6/3.

Bên cạnh đó, trong đêm Xẩm này còn có 2 tiết mục đặc biệt với sự tham gia của các em học sinh tiểu học tại Hà Nội đó là tiết mục: “Bốn mùa hoa Hà Nội” phiên bản Trường Tiểu học Trung Tự - Q. Đống Đa có một phần lời mới do ca sĩ Hoàng Tùng sáng tác phù hợp với lứa tuổi tiểu học; bài thứ hai mang tên: “Một quan là sáu trăm đồng” của hai em Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh (lớp 4H) và Nguyễn Minh Khanh (lớp 1A) Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - Q. Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là nỗ lực để kéo giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống.

2. Đại diện nhóm Xẩm Hà Thành cho biết, thông qua những buổi biểu diễn của nhóm trên phố đi bộ hồ Gươm có thể thấy, công chúng ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

“Nhưng phải bền bỉ và phải có kế hoạch thì mới có thể khơi thông một mạch ngầm văn hóa”, nhạc sĩ Quang Long nói. Bởi giờ đây giới trẻ có nhiều lựa chọn giải trí, cũng không có nhiều thời gian dỗi dãi.

Vì thế, các bài xẩm nói riêng, các chương trình xẩm nói chung cũng phải được thiết kế sao cho khán giả có thể thưởng thức trong khoảng 5-7 phút mà không cần phải theo dõi từ đầu đến cuối toàn bộ chương trình.

Chính vì điều này, gần đây một số MV xẩm ra mắt và được đưa lên mạng xã hội cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều giới. Ngay cả giới trẻ cũng tiếp cận với xẩm một cách dễ dàng hơn thông qua các thiết bị nghe nhìn cầm tay, đặc biệt là xem ngay trên điện thoại.

Theo nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, điều đó là rất quan trọng, như mưa dầm sẽ thấm lâu. “Những MV xẩm đưa lên mạng xã hội với nội dung phù hợp, có tính đương đại như “Tứ vị Hà Thành”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tương tư”… sẽ giúp giới trẻ hiểu và yêu thích xẩm một cách tự nhiên”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa nhấn mạnh.

Để tiếp tục “gây nhớ”, ngày 29/3, Xẩm Hà Thành tiếp tục tng MV “Tứ vị Hà Thành” về 4 món ngon Hà Nội gồ: phở, bún chả, bún đậu, bánh tôm. Đây là bài xẩm do nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết lời, và để có thể “lay động tâm can” giới trẻ, nhiều chi tiết của đời sống đương đại được nhắc đến. Trong đó, có cả chi tiết ông B. Obama ăn bún chả Hà Nội.

Theo nhạc sĩ Quang Long, không phải ngẫu nhiên nhóm Xẩm Hà Thành lại khai thác chi tiết này. “Đây là sự kế thừa, trước kia các nghệ nhân đã khai thác tiếng, tên và ngành nghề bằng tiếng tây vào bài xẩm, như trong xẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” có câu: Pu-lít có đến cũng thôi đi đời. Pu-lít là cảnh sát”, nhạc sĩ Quang Long dẫn chứng.

Còn nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Khi sáng tạo mỗi bài xẩm, chúng tôi luôn cố gắng tìm những yếu tố mới và cách thể hiện mới thế nên với “Tứ vị Hà Thành” cũng vậy, khán giả sẽ khá bất ngờ với những câu ngâm tưởng chừng rất nên thơ, lãng mạn tả phong cảnh hữu tình xong lại giật mình thú vị vì đó hóa ra lại là một ăn quen thuộc của người Hà Nội. Cái thú vị ở đây nằm cả trong ý thơ và trong cách lồng điệu xẩm”

Bài xẩm phong phú màu sắc âm nhạc, thể hiện trên điệu xẩm chính là Phồn huê, kết hợp với Tàu điện và Xẩm chợ. Dù với những lời ca lúc trữ tình, lúc dân dã nhưng “Tứ vị Hà Thành” không quên sự dí dỏm vốn có trong xẩm khi thi thoảng đưa vào những điểm nhấn làm tăng thêm sức hấp dẫn như: “Khi ăn chớ có nghẹn ngào/ Ăn rồi hãy nhớ hôm nào lại qua” (phở) hay “Biết rồi liệu có quên không/ Món gây thương nhớ sâu nông vơi đầy” (Bún đậu), “Ghé môi cắn miếng rùng mình/ Giòn thơm bùi ngọt tính tình đôi ta” (bánh tôm).

3. Trở lại với việc làm mới xẩm để thu hút công chúng, được biết, sắp tới nhóm Xẩm Hà Thành cũng sẽ ra mắt những MV xẩm Giao thông gồm 5 tác phẩm là những câu chuyện giao thông hoàn toàn khác nhau như “Đội mũ bảo hiểm”, “Chớ uống rượu bia”, “Văn hóa giao thông”… Đây cũng là cách thể hiện cách tân, vừa hiện đại vừa dân tộc của nhóm Xẩm Hà Thành để đưa sân khấu xẩm đến gần hơn với đại chúng.

“Không ngoài cuộc”, đó là cam kết của nhóm Xẩm Hà Thành trước những vấn đề của thời cuộc, nhằm khuyến khích những điều tốt, phê phán hành vi xấu. Đây cũng chính là sự nối dài mạch chảy của nghệ thuật hát xẩm do cha ông ta sáng tạo ra để phản ánh những vấn đề xã hội quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hát xẩm tìm công chúng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO