Nỗ lực bứt phá vì mục tiêu tăng trưởng

Minh Phương - Thúy Hằng (thực hiện) 01/09/2017 09:05

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chúng ta phải đạt được mức tăng trưởng trên 7%, đây là một điều kiện hết sức khó khăn, tuy nhiên, không phải không thể làm được. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu xung quanh nội dung này.

Tăng cường nội lực- con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Quyết tâm lớn

PV: Nhiều dự báo cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 của Quốc hội dường như rất khó đạt được. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, động thái thể hiện quyết tâm đạt được mục tiêu này, ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Chính phủ?

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Mục tiêu 6,7% không đơn giản, năm 2016 tăng trưởng thấp hơn 2015, do đó năm nay muốn tăng cao hơn năm 2016 là điều không dễ thực hiện.

Trong nửa đầu năm, tăng trưởng thấp hơn mức kỳ vọng rất nhiều và từ nay đến cuối năm còn 4 tháng nữa, mỗi tháng chúng ta phải đạt mức tăng tưởng trên 7% thì may ra mới đạt được con số 6,7%, và đây là mức rất cao. Chính vì thế Chính phủ đã yêu cầu hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tín dụng hơn, từ 21-22%.

Tôi cho rằng, về số học, chúng ta có thể đạt được, nhưng nếu cố gắng đẩy tín dụng ra cũng như cố gắng để tăng trưởng ở mức mình muốn có thể có một số hậu quả không tốt.

Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ: Có thể thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc đạt được con số tăng trưởng 6,7% là rất lớn, và chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nếu không được mức tăng trưởng này, sẽ rất khó khăn cho vấn đề ngân sách tài chính quốc gia và an sinh xã hội. Thế nhưng, có thể đạt được hay không còn tùy thuộc vào hành động của chúng ta và các chủ thể của nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng nếu quyết tâm để đạt bằng được mục tiêu đó thì cũng có nhiều động thái cần phải làm như TS Hiếu nói, đó là đẩy nhanh tín dụng hay khai thác thêm dầu và tăng cường sản xuất… nhưng phải làm sao thận trọng để không gây hệ lụy cho những năm sau. Tôi thì nghĩ rằng mức 6,3-6,5% là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, những nỗ lực hiện nay của Chính phủ cũng đặt ra kỳ vọng khả năng 6,7% vẫn có thể thực hiện được, tất nhiên là sẽ phải hết sức cố gắng.

PV:Các ông vừa nhắc đến những hệ lụy nếu cố gắng tăng trưởng ở mức như kỳ vọng, vậy cụ thể đó là những hệ lụy gì?

Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ: Tôi lấy ví dụ khai thác dầu chúng ta cần phải tính đến vấn đề dự trữ cho những năm sau, vì khai thác tài nguyên là một trong những vấn đề chúng ta không hướng tới nữa, hay tăng vốn đầu tư có thể lên đến 35% của GDP, đó là mức rất cao, điều này buộc chúng ta phải chú ý đến cân đối vĩ mô, chú ý đến vấn đề lạm phát và đặc biệt là đã định tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang có hiệu quả hơn thì việc sử dụng vốn phải rất thận trọng. Thế nhưng sử dụng mà cẩn thận quá lại không giải ngân được… Đó cũng là một vấn đề. Do đó, tất cả đều phải được tính toán và cân nhắc kỹ.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Tôi cho rằng, với việc đẩy mạnh tín dụng như mức mà Chính phủ đang đưa ra, có nghĩa, nền kinh tế sẽ phải dựa nhiều vào tín dụng, và muốn đạt được sẽ phải cho vay ra nhiều. Lượng tiền đẩy ra nhiều trong một thời gian ngắn có thể đẩy lạm phát lên, và nếu như chất lượng tín dụng không đảm bảo sẽ tiềm ẩn nợ xấu cho năm sau. Như vậy, rõ ràng, nếu muốn cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% chúng ta cũng cần phải thận trọng với một số bất ổn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Chính phủ mới đây đã giao cho 11 tư lệnh ngành để đạt mục tiêu tăng trưởng, các ông đánh giá thế nào động thái này?

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Tôi nghĩ rằng, đây là động thái cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ. Và điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Tuy nhiên, cố gắng là một chuyện thực tế có đẩy nhanh hay không là chuyện khác. Việc tăng tốc cho các dự án đầu tư phải có nhiều điều kiện, phải có vốn đối ứng, trong bất cứ dự án đầu tư nào nhất là những dự án có vốn nước ngoài phải đều phải có vốn đối ứng, nếu không khó mà giải ngân được. Thứ hai, giải ngân cũng đòi hỏi nhiều về nhân lực, nguồn lực, cơ sở hạ tầng. Thành ra vấn đề giải ngân nhanh là điều tốt nhưng thực hiện điều đó không đơn giản.

Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ: Việc giao cho từng bộ ngành thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ là rất lớn. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo ý kiến của cá nhân tôi, chưa thực sự thuyết phục lắm khi chúng ta đang hướng tới Chính phủ kiến tạo. Và vấn đề ở đây là nếu có đạt được hay không đạt được, liệu có quy được trách nhiệm cụ thể cho ai không, vì đây là cả nền kinh tế, có rất nhiều lĩnh vực nên không thể quy ra cho một bộ ngành nào nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Tôi hiểu rằng Thủ tướng rất quyết liệt và đã giao việc rất cụ thể từng phần việc cho từng bộ, ngành, nhưng tất nhiên một nền kinh tế thị trường thì khó có thể áp đặt được việc là “nếu không được thì làm sao” mà phải hướng tới nên ra kế sách gì để giải quyết.

Kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng

PV: Gần đây, chúng ta chứng kiến sự tập trung đầu tư của Chính phủ vào khu vực kinh tế tư nhân, điều này được thể hiện đặc biệt ở Nghị quyết Trung ương 5. Ông đánh giá như thế nào về các động thái, cũng như chính sách mà Chính phủ dành cho khu vực kinh tế này?

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân là cột trụ của nền kinh tế. Nếu như trước đây DNNN đóng vai trò chủ đạo thì hiện nay càng ngày nền kinh tế càng theo xu hướng kinh tế thị trường, do đó hướng đến kinh tế tư nhân là một lẽ tất yếu. Ở các nước khác rất coi trọng khu vực kinh tế tư nhân và đã từ lâu coi khu vực này là động lực của cả nền kinh tế. Với Việt Nam, định hướng này là hoàn toàn chính xác nhưng chúng ta cần một thời gian rất dài để xây dựng được một nền kinh tế tư nhân hoàn thiện. Trước hết, những quy định pháp luật của mình phải được thông thoáng hơn, tạo điều kiện để các DN hoạt động công bằng với DNNN, mà điều này dường như chưa hiện rõ.

TS PHAN ĐỨC HIẾU: Chính phủ đã nhận diện ngày một rõ ràng hơn về khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đã và đang tạo không gian để khu vực kinh tế này phát triển, đó là việc đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, kéo giảm chi phí cho DN. Tuy nhiên, trên thực tế, các giải pháp đó chưa đạt được như kết quả mong muốn. Mặc dù chính sách, chủ trương chung đã có, nhưng trong thực tế còn rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta đã thực hiện trong 4 năm qua nhưng qua cảm nhận của tôi thì tác động Nghị quyết chưa nhiều, cũng như kỳ vọng DN liên quan chưa nhiều. Vẫn còn tồn tại những điều kiện kinh doanh cần phải loại bỏ để nhẹ gánh hơn cho DN.

PV: Tuy nhiên, nhiều DN vẫn kêu chi phí không chính thức vẫn rất lớn, ý kiến của ông về điều này?

TS PHAN ĐỨC HIẾU: Chi phí không chính thức không có số liệu chính thức nhưng có một con số đáng tin cậy từ điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, khi họ hỏi DN thì 60% DN được hỏi đều trả lời là có chi chi phí không chính thức. Đây là con số lớn.

TS. Phan Đức Hiếu.

Chi phí chính thức hiện nay xã hội nhìn con số trực quan từ thuế và lệ phí. Đó là những con số hiện hữu. Nhưng có những con số khổng lồ hơn. Một chi phí không chính thức khó hình dung là chi phí thời gian, cơ hội. Nó lớn hơn rất nhiều chi phí chính thức. Như thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày, một DN phải mất 1 người thực hiện chi phí đó.

Lương trung bình của của khu vực DN tư nhân hiện nay là 5,7 triệu đồng/tháng như vậy chia trung bình ra 1 ngày người lao động được trả 200.000 đồng. Nhân với thủ tục hành chính 10 ngày là 2 triệu đồng, rồi nhân với con số 500.000 DN đang hoạt động thì chi phí mà cộng đồng DN bỏ ra là 2 tỷ đồng. Đây đơn giản chỉ là 1 thủ tục hành chính, trong khi đó DN còn phải thực hiện bao nhiêu thủ tục khác nữa tức là mất hàng trăm tỷ đồng

Bên cạnh đó còn có các điều kiện kinh doanh khác nữa đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của DN, khiến nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí; và tác động không cân đối đến DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó còn khá nhiều rào cản như: hệ thống kiểm soát chất lượng quy định quả và thường xuyên.v.v…

PV:Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra đề xuất nên loại bỏ hơn 1.930 điều kiện kinh doanh đang làm khó DN hiện nay, ông đánh giá thế nào về đề xuất này, liệu với những động thái của cơ quan quản lý trong việc tạo thông thoáng hơn cho môi trường kinh doanh, DN Việt có thể nâng được sức cạnh tranh?

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Tất nhiên, điều này sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, khuôn khổ hành chính đã được rỡ bỏ chắc chắn sẽ tạo sự thông thoáng hơn. Song, tôi muốn nhấn mạnh đến một trong những vấn đề của DN tư nhân hiện tại đó là, Chính phủ đang tạo điều kiện để môi trường kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn, nhưng bản thân DN tư nhân vẫn còn gặp những vấn đề gì ở đây? Đó chính là vốn của DN tư nhân quá mỏng, vốn mỏng mà mình lại không có một thị trường vốn phát triển thành ra hầu hết DNNVV đều phải dựa nhiều vào vốn của ngân hàng.

Trong khi đó, ngân hàng lại chỉ cho vay với DN có nguồn tài chính tốt, có tài sản bảo đảm. DN nào không có thì vẫn rất khó tiếp cận được vốn. Đó chính là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay mà hầu hết DNNVV đang đối diện. Thứ hai, quy mô DN còn rất nhỏ. Khi quy mô quá nhỏ thì khó có thể tập hợp được nguồn lực về tài chính, nhân lực, lợi thế cạnh tranh, thành ra khó có thể phát triển.

Kế đến là vấn đề nhân sự. Với lao động của VN có ưu điểm là lao động trẻ, nhưng chủ yếu là lao động chân tay- lao động “cổ xanh”. Còn lực lượng lao động “cổ trắng”- lao động văn phòng có trình độ cao lại không nhiều đó là nguyên nhân khiến năng suất lao động của ta chưa cao. Chính phủ có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ phát triển vấn đề quyết định sức khỏe nằm ở nội lực DN.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ.

Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ: Nhà nước đã có nhiều động thái để giảm bớt áp lực về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng cho DN hoạt động. Phía Nhà nước, nhà quản lý chúng ta đã thấy đã rất cố gắng, rất nỗ lực. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến DN phải tự vươn lên như thế nào, sức bật của cộng đồng DN ra sao, làm thế nào để tận dụng được môi trường kinh doanh mới mà Chính phủ đang cố gắng tạo dựng… Đó là ở nội lực của mỗi DN. Cần phải thừa nhận, phần lớn DN của chúng ta hiện nay là quy mô nhỏ, vốn yếu, nên để nâng được sức cạnh tranh, nhiều DN cũng ở tình trạng “lực bất tòng tâm”. Do đó, tôi cho rằng, các DN cần biết liên kết lại, liên kết giữa các DN nhỏ với nhau thành DN lớn, liên kết giữa DN trong nước và ngoài nước, từ đó vươn lên thành sức mạnh mà tự mình thì không thể làm được.

Thận trọng

PV:Quay trở lại với mục tiêu tăng trưởng, có thể thấy để đạt được con số 6,7% không phải điều đơn giản, song nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có thể nhìn thấy “cánh cửa” để chúng ta đạt được mục tiêu đó, vậy theo ông, đó là những điểm sáng nào?

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU: Rào cản tài chính và những điều kiện kinh doanh đang được tháo gỡ càng ngày càng nhiều sẽ tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, từ đó tạo động lực cho cả nền kinh tế phát huy sức mạnh của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề làm chậm phát triển, có tác hại cho nền kinh tế là thực trạng tham nhũng thì Chính phủ đã có những cố gắng đặc biệt để tiêu trừ tham nhũng.

Một điểm sáng nữa nữa, là Chính phủ đang nỗ lực trở thành Chính phủ kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển, nó được thể hiện rất nhiều ở các động thái, chính sách, các chương trình đầu tư cho khởi nghiệp… đã và đang thắp lửa, tạo đà cho DN khởi nghiệp cũng như đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới. Con số DN thành lập mới ngày càng nhiều lên thể hiện rất rõ điều đó.

Có thể thấy, trong 2 năm qua, Chính phủ mới đã rất nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên thành DN cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy đó.Và đây chính là những điểm sáng cho thấy sẽ trở thành điều kiện thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Chuyên gia kinh tế LƯU BÍCH HỒ: Rất đồng tình với quan điểm của TS Hiếu, Chính phủ đang mở ra một môi trường kinh doanh thông thoáng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng là bản thân các DN phải biết tận dụng những cơ hội, biết chớp thời cơ để biến thành hành động. Tôi tin rằng, với những nỗ lực từ cả hai phía Chính phủ và DN, nền kinh tế sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn.

Trân trọng cảm ơn quý vị đã tham gia bàn tròn này!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực bứt phá vì mục tiêu tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO