Rủi ro khi thiếu thông tin thị trường

Minh Phương 13/09/2017 08:55

Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tham gia thị trường Trung Quốc vẫn là rất thiếu thông tin về thị trường này.


Nhãn, mặt hàng xuất khẩu được phía Trung Quốc tiêu thụ mạnh.

Số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 7/2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 47,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD, nhập khẩu 31,6 tỷ USD, nhập siêu 15,97 tỷ USD, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc lâu nay vẫn luôn là thị trường tiêu thụ lớn nhiều loại hàng hớn của Việt Nam. Theo nhận định của ông Đào Việt Anh, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện xúc tiến thương mại (XTTM) Việt Nam tại TP Trùng Khánh, các loại nông sản như gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, giày dép các loại, hoa quả nhiệt đới, thuỷ sản… là những mặt hàng thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn, đồng thời cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Hiện nay hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do Trung Quốc – Asean (CAFTA). Tuy nhiên, theo ông Việt Anh, khó khăn với DN xuất khẩu Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề thuế quan. Chúng ta có lợi thế là theo quy định CAFTA thuế đang giảm dần và ở diện sản phẩm rất rộng nhưng Trung Quốc vẫn duy trì mức thuế VAT rất cao từ 13-17%.

Điều này vô hình chung làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường này. Bên cạnh đó, Trung Quốc ban hành Luật an toàn thực phẩm khá nghiêm ngặt nhằm siết chặt hơn với sản phẩm nông thuỷ sản. Biện pháp quản lý về chứng thư đi kèm thực phẩm nhập khẩu đang được Trung Quốc lấy ý kiến rộng rãi thông qua WTO và dự kiến sẽ được áp dụng từ 1/10/2017. “Chính với quy định này mà 3 năm nay, sản phẩm sữa của Việt Nam, đặc biệt là sữa chua của Vinamilk chưa vào nổi Trung Quốc”, ông Việt Anh nói.

Nói về thị trường Trung Quốc hiện nay, ông Phan Thế Anh, lãnh đạo Công ty Công nghệ Thực phẩm Châu Á hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất nhập khẩu thực phẩm cho hay, dung lượng thị trường Trung Quốc rất lớn, thuận lợi cho khai thác của DN. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm của DN Việt hiện nay là thiếu thông tin thị trường, đối tác Trung Quốc. Các đối tác DN đang có chủ yếu tìm qua kênh thương mại điện tử. DN chưa có điều kiện sang tìm hiểu thực địa nên tiềm ẩn rủi ro về sự tin cậy từ các đối tác.

Cũng thừa nhận những rủi ro khi DN Việt không nắm rõ thông tin từ phía DN nước bạn, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương) đưa ra khuyến nghị, trước khi làm ăn với DN Trung Quốc, các DN Việt cần xác minh thực lực và uy tín của đối tác nhất là các DN được tìm kiếm qua hình thức internet. Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế, với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rủi ro khi thiếu thông tin thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO