Làm thêm 300 giờ/năm: Nhiều hay ít?

Lan Hương 06/07/2015 14:16

Theo quy định của Bộ luật Lao động, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt cho Chính phủ quy định được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Không nên quá máy móc

Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội do Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây, vấn đề trên đã được các đại biểu thảo luận, trao đổi khá gay gắt. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên, quy định như trên là không hợp lý, đi ngược lại với các nước phát triển. Dẫn chứng cho quan điểm của mình ông Dương nói: “Ở Trung Quốc cho phép người lao động làm thêm 600 giờ/năm, Nhật Bản 360 giờ/năm. Việc làm thêm là giúp lao động có thêm thu nhập để nuôi sống vợ con, đó là nhu cầu thực tế, là quyền của người lao động, tại sao chúng ta lại hạn chế quyền lợi?

Theo VCCI, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất xuất khẩu thì việc vừa phải tuân thủ theo quy định của Luật Lao động về số giờ làm thêm giờ, vừa phải đảm bảo đúng số lượng sản phẩm mà đối tác nước ngoài đặt mua thực sự là một vấn đề khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, buộc nhiều DN vi phạm số giờ làm thêm do sức ép giao hàng đúng thời hạn. “Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam khắt khe hơn rất nhiều so với các nước khác như Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng...Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp chế tạo” – đại diện VCCI nói.

Đề xuất tăng thời gian làm thêm

Theo khoản 1, Điều 3 dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi quy định: DN được phép làm thêm đến 200 giờ/năm trong trường hợp xử lý sự cố sản xuất, giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn. Tuy nhiên theo VCCI, quy định như vậy là không hợp lý và đi ngược lại so với quy định tại điểm b, khoản 2 điều 106, Luật Lao động và điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ – CP ( không quy định về điều kiện làm thêm 200 giờ, chỉ quy định điều kiện làm thêm 200 đến 300 giờ trong năm).

“Nhật Bản có hơn 300 giờ làm thêm/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người Nhật Bản là hơn 40.000 USD/năm. Chúng ta chỉ có mức thu nhập 1.000 USD/người. Doanh nghiệp nào không cho phép làm thêm thì mức lương của người lao động chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, còn làm thêm thì bình quân 7 triệu đồng/tháng Chúng ta đã nghèo và đang đi làm thuê, muốn xuất khẩu thì phải cạnh tranh. Nhưng nếu cứ quy định quá khắt khe về giờ làm thêm thì không chỉ khó cho doanh nghiệp mà cuộc sống của NLĐ cũng bị ảnh hưởng” – ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Chu Văn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giãi bày: Thực tế DN cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải trả ít nhất 150% tiền công cho làm thêm giờ bình thường, 215% làm thêm giờ ban đêm, 300% làm thêm giờ ngày lễ và 200% làm thêm ngày Chủ nhật. Song nhiều khi tôm do nông dân trúng mùa đem đến nhà máy quá nhiều, DN không thể không nhận, mà nhận sản xuất thì vi phạm giờ làm việc...

Trước ý kiến của các doanh nghiệp, đứng trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng đồng tình khi cho rằng người lao động chỉ được phép làm thêm tối đa 300 giờ/năm là chưa hợp lý. Theo đó, hiện Bộ LĐTB&XH cũng đang nghiên cứu nhằm có quy định phù hợp về thời gian làm thêm giờ theo hướng thỏa thuận giữa DN và người lao động một cách linh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thêm 300 giờ/năm: Nhiều hay ít?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO