Mạnh tay gỡ nút thắt giải ngân

Nguyên Khánh 28/09/2019 07:00

“Phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã được giao”-  Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Thủ tướng đưa ra giải pháp mạnh với những vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư công như vậy là bởi chậm giải ngân vốn đầu tư công vốn trở thành căn bệnh trầm kha. Trước sự chậm trễ ấy, Thủ tướng đã ký Công điện 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Trước khi ký ban hành công điện này Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề này, nhưng tiến độ giải ngân vẫn rất chậm, thậm chí còn chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế. Cụ thể, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó 4 bộ, ngành và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%...

Nguyên nhân của sự chậm trễ này theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do lý do khách quan như, việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài...

Tuy nhiên, chưa đồng tình với những nguyên nhân làm dòng vốn đầu tư công bị tắc lại, ngay tại phiên họp Thủ tướng đã chỉ rõ: “Các đồng chí nói là mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, đạt tới 70-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10-15%. Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan được”. “Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút nàyvẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, vì đâu nên nỗi? Có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng rõ ràng hậu quả của sự chậm trễ đã gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có ít nhất 4 hậu quả lớn từ sự chậm trễ này. Thứ nhất, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Thứ hai, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, cho nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Hậu quả thứ ba là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư là doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Phải lên án sự chậm trễ, những sự nhũng nhiễu, tiêu cực làm chậm tốc độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này đồng thời Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chọn những dự án trọng tâm để ưu tiên, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân. Ngoài ra, cần làm rõ và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu vì khi lãnh đạo quyết tâm sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Thật vậy, không thể chỉ đạo chung chung, phải đẩy mạnh phân cấp, giao quyền và có giám sát sát chặt chẽ vấn đề này, đặc biệt là đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm mà dư luận đặc biệt quan tâm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị… Do đó phải yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân.

Rõ trách nhiệm, yêu cầu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng, kiên quyết không để tái diễn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, đổ lỗi cho nhau như vừa qua, vì lợi ích của bộ, ngành, địa phương mình mà không hợp tác, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Phải làm rõ cái gì Nhà nước làm, cái gì tư nhân làm, không để tình rạng “công không ra công, tư không ra tư” kéo dài như một số công trình vừa qua.

Và tất nhiên, nếu không thì Chính phủ sẽ quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, chứ không để tình trạng ì ạch, chậm giải ngân như hiện nay được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay gỡ nút thắt giải ngân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO