Giám sát, phản biện không thể dừng ở việc 'kính chuyển'

V. Hà (thực hiện) 10/04/2016 09:05

Theo tôi cần phải sớm có hành lang pháp lý cụ thể để đảm bảo cho quá trình thực hiện giám sát và phản biện đạt hiệu quả. Nếu không chúng ta sẽ chỉ vẫn dừng lại ở việc “tập hợp” và “kính chuyển” mà thôi, PGS.TS Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh.

Giám sát, phản biện không thể dừng ở việc  'kính chuyển'

PGS.TS Phạm Xuân Hằng.

Những ngày này, khi MTTQ các địa phương đang tất bật chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thì vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm của người dân. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc sống đang cần những tiếng nói phản biện của người Mặt trận.

Đem chia sẻ này, chúng tôi gặp PGS.TS Phạm Xuân Hằng- Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, người chủ trì nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội đầu tiên của MTTQ TP Hà Nội.

PV: Thưa ông, thực tế cuộc sống đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần vai trò giám sát của MTTQ, nhất là khi chúng ta có hệ thống chân rết ở hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước?

Ông Phạm Xuân Hằng: Đúng vậy. Cán bộ Mặt trận cơ sở phải luôn bám sát cơ sở nắm bắt những bất cập, những bức xúc từ người dân để kiến nghị với các cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết những yếu kém trong xây dựng và thực thi pháp luật, những sai sót trong quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền, gây phiền hà và thiệt hại cho dân. Chẳng hạn, một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm đó là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tôi cũng đã từng phát biểu ở hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam là không hiểu sao chính người Việt lại tự đầu độc người Việt bằng chất cấm, chất bảo quản độc hại có trong thực phẩm, rau quả - nguyên nhân gây ra những bệnh hiểm nghèo. Điều này ai cũng biết, cũng nghe, nhưng chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh để có thể xử lý triệt để.

Bởi thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong năm 2016 là giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, coi đó là một trong những tiêu chí nhằm góp phần xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: “Sử dụng thực phẩm không an toàn là chúng ta đang bị đầu độc. Người Việt không thể đầu độc người Việt. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hóa thì không được làm những việc trái với văn hóa là sản xuất không an toàn”.

Tuy nhiên theo tôi, bên cạnh vận động, tuyên truyền, giáo dục, cái cốt lõi vẫn phải là pháp luật và thực thi pháp luật nghiêm túc. Trong đó, giám sát của MTTQ và nhân dân ở cơ sở có vai trò quan trọng. Một mình Mặt trận không thể làm được mà cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

Mỗi một đoàn thể phải vận động đoàn viên, hội viên của mình nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất những thực phẩm không an toàn. Còn mỗi người dân khi thấy những người xung quanh mình sản xuất thực phẩm không an toàn cần báo cho chính quyền hoặc Mặt trận cơ sở.

Mặt khác, chính quyền sở tại phải có ý thức tiếp thu kết quả giám sát của nhân dân và MTTQ. Sau khi tiếp thu cần phải có ý kiến trả lời xem việc đó giải quyết thế nào để MTTQ giải thích cho người dân, tránh mọi kiến nghị của Mặt trận chỉ dừng ở việc “kính chuyển”.

Có phải vì thế mà tại các diễn đàn của MTTQ, ông luôn cho rằng vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể, rõ ràng hơn?

- Đúng vậy, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam được Hiến pháp 2013 tiếp tục xác định “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” và hiến định đầy đủ vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Tuy vậy, ngoài Luật MTTQ Việt Nam (2015), hiện chưa có những văn bản qui phạm pháp luật dưới luật nào qui định cụ thể về nội dung, nguyên tắc, hình thức, chế tài, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Đây cũng là một khó khăn làm giảm thiểu sức mạnh của hoạt động này trên thực tế.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định 217, 218 về giám sát và phản biện xã hội. Nhưng đây là văn bản của Đảng, không phải là văn bản qui phạm pháp luật. Theo tôi cần phải sớm có hành lang pháp lý cụ thể để đảm bảo cho quá trình thực hiện giám sát và phản biện đạt hiệu quả. Nếu không chúng ta sẽ chỉ vẫn dừng lại ở việc “tập hợp” và “kính chuyển” mà thôi.

Thế còn về cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang diễn ra, theo ông, MTTQ các cấp cần làm gì để thể hiện được hết vai trò giám sát, phản biện của mình?

- Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm trong việc tổ chức lấy ý kiến của người dân nơi ứng cử viên sinh sống về việc sinh hoạt tại nơi cư trú, quan hệ cộng đồng, tuân thủ pháp luật như thế nào của ứng viên. MTTQ phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức để ứng viên tiếp xúc với đại diện cử tri cơ sở để giới thiệu về mình, mong muốn của mình tham gia các cơ quan dân cử.

Quyền lựa chọn cuối cùng để bầu ra các đại biểu tham gia vào Quốc hội thuộc về cử tri, do đó bên cạnh việc tổ chức tốt bước giới thiệu người ứng cử thì còn phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các bước lấy ý kiến của cử tri; cung cấp thông tin về các ứng cử viên cho cử tri, đặc biệt là công tác tuyên truyền để cử tri nắm được các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử.

Đây là qui trình được qui định trong các văn bản pháp luật về bầu cử, đòi hỏi MTTQ các cấp tổ chức triển khai cho hiệu quả. MTTQ cần phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực HĐND cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát. Trách nhiệm của MTTQ các cấp phải làm hết sức mình để thực hiện tốt công tác hiệp thương bảo đảm dân chủ, đúng luật, khách quan lựa chọn, giới thiệu được những người ứng cử có đủ tiêu chuẩn chất lượng, đủ tài đức, xứng đáng là tiếng nói đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân ra ứng cử. Đó là trách nhiệm vô cùng nặng nề của MTTQ.

Tuy nhiên, trong công tác hiệp thương, có những việc MTTQ các cấp muốn giám sát nhưng lại khó thực hiện. Cụ thể, làm thế nào để nắm được phần kê khai tài sản của ứng viên là trung thực và đầy đủ; làm thế nào cập nhật thông tin về ứng viên cho tất cả cử tri trong khu vực bầu cử, trong khi chỉ có số ít đại diện cử tri khu vực ấy dự tiếp xúc với ứng viên có một lần; đánh giá sự gần dân của ứng viên ra sao cho khách quan, khi ứng viên ngày đi làm, tối muộn mới về, nhà ở luôn cửa đóng then cài, kín cổng, cao tường… T

heo tôi, việc này đòi hỏi hơn nữa sự sáng tạo, nhiệt tình và trách nhiệm của mỗi cán bộ MTTQ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát, phản biện không thể dừng ở việc 'kính chuyển'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO