Minh bạch khai thác khoáng sản: Chậm trễ

Nhật Minh 24/08/2016 09:05

Trên thực tế, minh bạch trong ngành khai khoáng (EITI) là cách để đưa việc khai thác khoáng sản vào khuôn khổ, thế nhưng đến giờ này Việt Nam vẫn chưa tham gia EITI. Giới chuyên gia nhìn nhận, việc chậm trễ tham gia EITI khiến Việt Nam mất nhiều lợi ích.

Minh bạch khai thác khoáng sản: Chậm trễ

Càng tham gia muộn vào EITI, rủi ro khai khoáng càng lớn.

ủi ro thất thu ngân sách

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193 ngàn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013. Giới chuyên gia nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, với quy mô khai thác như trên, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần”. Số liệu tính toán của Tổng hội địa chất đưa ra con số đáng quan ngại: Số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.

Được cho phép khai thác với quy mô lớn, tuy nhiên đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản lại rất hạn chế. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2013. Ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4 – 5 tỷ đồng dù số lượng giấy phép còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp khoáng sản lại đánh giá mức thuế suất hiện nay đối với khai thác khoáng sản là khá cao so với thế giới.

Khai khoáng là một trong những ngành có rủi ro thất thu ngân sách cao, chủ yếu do khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép và quản lý thuế không hiệu quả.

Hiện trạng các DN khai thác tài nguyên một cách ồ ạt tại nhiều địa phương đang trở thành mối lo lớn của chính địa phương đó. Bởi không chỉ khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên, những hậu quả để lại cho môi trường sinh thái ở đó là không hề nhỏ. Đáng lo ngại, tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô thực sự là mối quan ngại lớn.

Tại sao vẫn chưa tham gia?

Trước thực trạng của ngành khai khoáng hiện nay, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn: Tham gia sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng là giải pháp tốt để Việt Nam quản lý chặt chẽ hơn ngành này, song tại sao hơn 1 thập kỷ qua, Việt Nam vẫn lơ là chưa thực hiện?

Theo bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam tồn tại rất nhiều thách thức về vấn đề cấp phép, thu ngân sách, kiểm soát vấn đề khai thác và xuất khẩu trái phép, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thu ngân sách rất khó khăn, trong khi đó, theo bà Thủy, Việt Nam đã tiếp cận với EITI từ năm 2005, đáng lẽ phải tham gia EITI từ lâu rồi vì rất nhiều những lợi ích có thể mang lại cho ngành khai khoáng. Vậy nhưng đến thời điểm này, vẫn ở giai đoạn xem xét. “Tại sao tiến trình xem xét EITI ở Việt Nam đã mất đến 10 năm nay mà vẫn chưa có cam kết gì?” – bà Thủy đặt nghi vấn.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều tổ chức, chuyên gia khi nói đến thực trạng của ngành khai khoáng ở Việt Nam hiện nay. Và mới đây nhất, trong văn bản gửi Chính phủ về việc xem xét quyết định việc Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng (EITI), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị, thực thi EITI giúp cung cấp nhiều thông tin trung thực, đầy đủ về hoạt động khoáng sản của các quốc gia, từ đó mang lại nhiều ích lợi, đặc biệt với Việt Nam hiện nay, tài nguyên khoáng sản đang bị khai thác lãng phí, vẫn bị xuất khẩu lậu, ngân sách thì thất thu, pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại. Đặc biệt, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh: “EITI giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách…”.

Theo bà Thủy, hiện nay, có khoảng 50 quốc gia tham gia EITI gồm các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy... EITI đã thể hiện tính hiệu quả tại rất nhiều quốc gia, như Nigeria đã tránh thất thu được 1 tỷ USD ngân sách từ khai khoáng khi tham gia sáng kiến này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch khai thác khoáng sản: Chậm trễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO