Dồn sức cho người dân vùng lũ

Nguyễn Chung 07/08/2019 07:00

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến các huyện miền núi của Thanh Hóa phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Người dân nơi đây bắt đầu gượng dậy sau những đau thương, mất mát.

Dồn sức cho người dân vùng lũ

Sa Ná ngổn ngang sau thảm họa thiên tai lịch sử.

Ngổn ngang sau lũ

Sau khi bị cơn lũ quét xóa sổ, sáng ngày 6/8, chúng tôi quay lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, vẩn lên trong không khí từ đầu bản là mùi rêu củi, mùi nhựa cây và cả mùi tanh lợm của xác động vật lẫn đâu đó trong các đống đổ nát. Có lẽ không thể dùng bất cứ thứ từ ngữ nào để lột tả hết được những đau thương, mất mát mà người dân Sa Ná đang phải trải qua.

Trong tận cùng nỗi đau Sa Ná, anh Hà Văn Vân là người thống khổ nhất. Vừa rời bản Sa Ná xuống tìm việc ở thành phố Thanh Hóa được 1 ngày đã phải trở về đối diện với thảm họa “không gia đình”. Có lẽ đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu điều gì đã và đang xảy ra và có thể, anh vẫn hi vọng đây chỉ là một cơn ác mộng.

Trong lúc bi quẫn ấy, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt đã nhận Vân làm em kết nghĩa, với hy vọng, Vân tìm được một chỗ dựa về tinh thần, vượt qua đau thương vô bờ bến này.

Ông Đạt nói: “Thương và đau lắm! Chỉ hy vọng Vân và bà con Sa Ná vượt qua cơn khủng hoảng. Để mọi việc nguôi ngoai, mình sẽ đưa cậu ấy về, tìm cho một công việc phù hợp và tính chuyện lâu dài!”.

Đến sáng ngày 6/8, nước trên sông Luồng đã rút, nhưng công tác đưa hàng cứu trợ về với bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì đường đi hiểm trở, xe cơ giới vẫn bị vô hiệu hóa. Với những nạn nhân còn mất tích, huyện Quan Sơn vẫn duy trì lực lượng và phương tiện chia thành 3 mũi tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên toàn tuyến sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn, Na Mèo.

Trong công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang thành lập các tổ công tác, bao gồm, công an, quân đội, biên phòng, y tế và người dân địa phương vượt sông Luồng mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh tiếp tế cho các bản bị chia cắt, cô lập.

Sở GTVT Thanh Hóa bố trí phương tiện, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với các địa phương khắc phục sạt lở trên các tuyến QL217, 15C, 16, các tuyến đường tỉnh để bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất.

Dồn sức cho người dân vùng lũ - 1

Lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích sau lũ.

Giúp nỗi đau nguôi ngoai

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết sáng ngày 6/8, ông Vũ Văn Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Để giúp người dân sớm lấy lại thăng bằng sau thảm họa, huyện Quan Sơn cũng huy động hơn 500 người thuộc các lực lượng quân sự, công an huyện, dân quân tự vệ và lực lượng thanh niên xung kích tại các xã, thị trấn tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Bộ Tư lệnh Quân khu IV hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1.000 kg lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo.

Huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để cứu trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại; chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp đến từng hộ gia đình, các bản cô lập, chia cắt thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho người dân, huy động các lực lượng tại chỗ giúp người dân bị mất nhà bố trí ở cùng các hộ gia đình khác trong bản, từng bước ổn định sau đợt mưa lũ.

Về công tác cảnh báo, di dời, sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét, sau khi rà soát toàn bộ địa bàn về các vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, tổ chức cắm các biển cảnh báo; đồng thời, cương quyết tổ chức tiếp tục di dân, sơ tán. Trong thời gian này đã di dời thêm 2 hộ tại bản Na Nghịu, xã Sơn Điện và bản Bo Hiềng, xã Na Mèo; sơ tán 7 hộ tại bản Sơn, xã Na Mèo.

Là một trong những huyện phải hứng chịu những thiệt hại to lớn do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra, toàn huyện Mường Lát có 2 người chết, 1 người mất tích, 31 nhà dân bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%), gần 100 nhà bị thiệt hại nặng; 100 nhà bị bùn đất vùi lấp, ngập nước. Huyện cũng đã di dời 49 hộ thuộc diện khẩn cấp, 137 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tới nơi an toàn.

Chiều ngày 5/8, UBND huyện Mường Lát đã tạm ứng, cấp gạo cho các hộ phải di dời nói trên, đồng thời có những sự hỗ trợ kịp thời để ổn định đời sống cho người dân. UBND huyện Mường Lát cũng đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương đến chia buồn, động viên gia đình có người chết do thiên tai; đồng thời, hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 5,4 triệu đồng theo quy định...

* Ảnh hưởng của cơn bão số ba đã khiến Thanh Hóa có 5 người bị thiệt mạng (huyện Mường Lát 2 người; huyện Quan Sơn 3 người); 10 người mất tích (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 9 người), 5 người ở bản Sa Ná bị thương. 76 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà nhà bị thiệt hại rất nặng (50-70%), phải di dời khẩn cấp 59 hộ. Số điểm trường bị ảnh hưởng 14 điểm, diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn là 136,1 ha, diện tích lúa bị ngập là 930,62 ha...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn sức cho người dân vùng lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO