Mùa Thu cách mạng và trường ca 'nối vòng tay lớn'

Hoàng Mai 02/09/2016 08:24

Một cuộc cách mạng phải đổi bằng biết bao xương máu, mồ hôi của những người dân Việt Nam nhỏ bé. Một cuộc cách mạng thành công nhờ tinh thần muôn người như một, “nối vòng tay lớn”. Sau Tháng Tám mùa Thu 1945 dân tộc ta còn phải trải qua mấy cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập, thống nhất giang sơn. Làm được kỳ tích ấy chính là bởi chúng ta đã tập hợp, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của dân tộc để tạo nên một sức mạnh vô địch chống lại các thế lực đen tối, hòng biến chúng ta trở lại thân phận n

Lễ Duyệt binh trong ngày Quốc Khánh 2-9.

1. Năm 1945, ông hoàng của thơ tình Việt Nam Xuân Diệu đã khiến giới thi ca ngạc nhiên bởi trường ca 7 chương với 203 câu thơ viết về những ngày sục sôi cách mạng khi Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của Đông Nam Á ra đời- ngày của Cách mạng tháng Tám thành công. “Ngọn Quốc kỳ” của Xuân Diệu chính là tiếng lòng của những con người làm nên lịch sử. “Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!”. Và còn cả “Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây/Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ: Tất cả vải là một cười thắm đỏ!/ Tất cả cờ là một tiệc triêu dương”.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những nhà thơ nổi danh nhất của trường phái thơ mới viết lên những câu thơ với ăm ắp hình ảnh; ăm ắp những rộn ràng náo nức về một nước Việt Nam mới, từ nay- từ cái ngày Tháng Tám Mùa Thu ấy đã đi vào lịch sử. Ấy là bởi, nhà thơ cũng cảm nhận rất rõ sự tự do, tự tại nơi tâm hồn ông- tâm hồn của một nhà thơ lãng mạn, vốn đã phải tìm quên đau thương trong những ngôn từ.

Giống như Xuân Diệu, cái ngày Thu Cách mạng ấy đã để lại ký ức trong tâm trí của tất cả con dân đất Việt.

Nhưng để có một ngày Thu Cách mạng mà mọi trái tim được reo ca, cũng chính là nhờ nỗ lực của Đảng ta, của Bác Hồ kính yêu, nêu cao tinh thần đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân để giành độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi.

2. Tháng 6 năm 1941, vào thời điểm cách mạng vẫn còn gian khó, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã ra lời hiệu triệu: “Hỡi các bậc phú hào yêu nước, thương nòi! Hỡi các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương! Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy.Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đồng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.

Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mạng cũng không nề”.

Kể từ lời hiệu triệu ấy cũng phải 4 năm sau, những công, nông, binh, thanh niên Việt đủ mọi lứa tuổi đi theo cách mạng, đi theo lời kêu gọi của Cụ Hồ Chí Minh để đưa cách mạng đến bến bờ thành công. Đó cũng là bởi, tinh thần và chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám đã trở thành nguồn động viên với quần chúng nhân dân; nó như là: “Một luồng vui căng hết ngực thanh niên./Những men mới trộn vào lòng đất nước/Khít răng lại, đứng vào hàng cứu quốc/Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng” (Xuân Diệu).

Một cuộc cách mạng phải đổi bằng biết bao xương máu, mồ hôi của những người dân Việt Nam nhỏ bé. Một cuộc cách mạng thành công nhờ tinh thần muôn người như một, “nối vòng tay lớn”. Sau Tháng Tám mùa Thu 1945 dân tộc ta còn phải trải qua mấy cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập, thống nhất giang sơn. Làm được kỳ tích ấy chính là bởi chúng ta đã tập hợp, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của dân tộc để tạo nên một sức mạnh vô địch chống lại các thế lực đen tối, hòng biến chúng ta trở lại thân phận nô lệ.

Chỉ có niềm khát khao hòa bình, chỉ có sự quyết tâm vô bờ bến mới tạo nên sức mạnh đoàn kết vô bờ bến; trở thành sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại đưa chúng ta đến những bến bờ thắng lợi; để rồi reo ca lên một niềm tự hào về Tổ quốc anh hùng; về đất nước tươi đẹp “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”- như Nguyễn Đình Thi đã từng reo lên trong bài thơ Đất nước: “Gió thổi rừng tre phấp phới/Trời thu thay áo mới/Trong biếc nói cười thiết tha!/Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta/Những cánh đồng thơm mát/Những ngả đường bát ngát”.

3. 71 năm ngày lập quốc trong đó có tới 30 năm cho đấu tranh thống nhất đất nước và nếu kể cả những năm tháng đấu tranh bảo vệ nền độc lập ấy thì nước Việt Nam mới đã trải qua gần một nửa thời gian chiến đấu vì nền độc lập của chính mình. Một nước Việt Nam khát khao hòa bình nhưng luôn muốn xóa bỏ thù hận để đi tiếp trên con đường hội nhập rộng lớn thênh thang.

Trên con đường ấy, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc muốn làm bạn với tất cả các nước; muốn cùng nhau hướng tới tương lai khi nhớ về quãng quá khứ đau buồn của lịch sử; trong đó có cả lịch sử dân tộc và lịch sử quan hệ quốc tế.

Bởi, ta mong muốn tạo ra được nhiều bạn bè nhất tức là nhiều nước có chính sách thân hữu với chúng ta nhằm đảm bảo môi trường hòa bình của chúng ta. Chúng ta cũng có nhiều biện pháp nhằm làm sao tạo dựng được sự tin cậy về mặt chính trị dẫn đến tin cậy trong hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác. Điều đó là hết sức quan trọng trong một thế giới đầy biến động như hôm nay.

Trong một thế giới mà sự cạnh tranh giữa các nước lớn xuất phát từ lợi ích chiến lược nếu không khéo sẽ dễ dẫn đến đối đầu. Và, trong những cuộc đối diện đó, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam nếu xử lý không tốt sẽ dễ rơi vào vòng xoáy của cạnh tranh và đối đầu.

“Chúng ta đã rút ra được những bài học. Và chúng ta không để cho bất cứ ai lôi kéo mình vào cạnh tranh xung đột. Việt Nam chỉ thực hiện đúng đường lối độc lập và tự chủ thì mới đảm bảo được độc lập và tự chủ và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta có chủ trương không liên minh, liên kết để chống lại bất kỳ nước thứ 3 nào. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của chúng ta là để có độc lập tự chủ chúng ta phải phát triển quan hệ với các nước, đi từ chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù” đến chính sách “làm bạn” để chúng ta không bị rơi vào sự cạnh tranh nào của các nước và không bị lôi kéo vào lợi ích xung đột của các nước. Việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của chúng ta là do chính chúng ta và dựa trên cơ sở sự ủng hộ tối đa của các nước, không có nước nào giữ hộ độc lập chủ quyền cho chúng ta”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói như thế khi trao đổi với báo chí.

4. Nói như thế không có nghĩa chúng ta đã hoàn toàn yên tâm với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực tế tranh chấp ở Biển Đông đang là một trong những vấn đề tác động đến môi trường an ninh của Việt Nam. Chúng ta khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với Trường Sa đây là khu vực có tranh chấp giữa 5 nước 6 bên đối với các đảo đá ở Trường Sa.

Quan điểm của chúng ta là phải đảm bảo chủ quyền ở các đảo mà Việt Nam hiện nay đang quản lý, chủ quyền 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế. Một cuộc đấu tranh trong hòa bình không mấy dễ dàng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều này đã được Nghị quyết ĐH lần thứ XII của Đảng nêu rõ, chúng ta kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán. Những vấn đề gì liên quan tranh chấp giữa hai nước thì hai nước giải quyết, vấn đề liên quan nhiều bên thì nhiều bên cùng tham gia vào giải quyết.

Nhưng, khẳng định lại phương cách của Việt Nam trong cuộc đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, “chúng ta bảo vệ chủ quyền một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì đây là thế mạnh của các nước nhỏ và vừa, phải dựa trên luật pháp quốc tế mới bảo vệ được chính mình và yêu cầu các nước cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là chủ trương của chúng ta. Đương nhiên có vấn đề gì xâm phạm lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để chống lại, cũng bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền của chúng ta”- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

71 năm của nước Việt Nam mới, trong đó đan xen những năm tháng chiến tranh khốc liệt và quá trình dựng xây, chúng ta luôn kiên định mục tiêu và kiên trì về sách lược để đảm bảo hòa bình cho phát triển. Ngày càng thấy rõ tính đúng đắn của những chính sách, sách lược ấy. Và, hòa bình cho phát triển đất nước sẽ vẫn là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa Thu cách mạng và trường ca 'nối vòng tay lớn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO