Nam Á bất an vì Covid

Hà Anh 14/05/2021 09:38

Tình trạng bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ và các nước Nam Á đang khiến thế giới một lần nữa trở nên bất an hơn bao giờ hết bởi đây là thời điểm nhiều nước đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ.

Hạn chế nhập cảnh từ khu vực Nam Á và tìm cách “chiến đấu” với biến thể mới là các biện pháp mà nhiều nước đang nghĩ tới.

Hạn chế nhập cảnh

Trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ vượt con số 250.000 tính đến ngày 12/5, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại nước này đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia trên thế giới, ngày 12/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phối hợp trong việc hạn chế người đến từ Ấn Độ để giảm thiểu nguy cơ lây lan chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại châu lục này.

Theo EC, biện pháp trên là tạm thời sau thông báo mới đây của (WTO) về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, được phân loại ở “mức đáng quan ngại” cấp toàn cầu.

Thông báo của EC cho biết thêm, điều quan trọng là phải hạn chế đến mức tối thiểu các danh mục du khách có thể tới châu Âu từ Ấn Độ với các lý do cần thiết. Những người tới từ Ấn Độ cũng phải trải qua các bước cách ly nghiêm ngặt hơn.

Trong tuần trước, EC đã đề xuất 27 nước thành viên EU nới lỏng các hạn chế đi lại từ tháng Sáu, cho phép du khách nước ngoài từ nhiều nước hơn có thể nhập cảnh, bên cạnh đó sẽ nhanh chóng thực hiện lệnh cấm đối với những nước mà tình hình dịch diễn biến xấu.

Các nước thành viên vẫn chưa thông qua đề xuất trên nhưng có thể đơn lẻ áp dụng việc cấm nhập cảnh từ Ấn Độ với những mục đích không cần thiết.

Cùng đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định từ chối nhập cảnh đối với người nước ngoài từng cư trú tại Ấn Độ, Pakistan và Nepal trong vòng 14 ngày, tất cả các trường hợp đặc biệt đều phải được xem xét và quyết định tùy theo hoàn cảnh. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 0h00 ngày 14/5 và chỉ áp dụng đối với người nước ngoài.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng tại Ấn Độ, Chính phủ Nhật Bản kêu gọi các công dân nước mình đang ở Ấn Độ xem xét việc tạm trở về nước. Theo đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp lập điểm xét nghiệm Covid-19 tạm thời do một công ty Nhật Bản ở sở tại đứng ra thực hiện để xét nghiệm miễn phí cho tất cả công dân Nhật Bản đang cư trú trên khắp đất nước Ấn Độ (nếu có nhu cầu) và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập cảnh vào Nhật Bản.

Hiện tại, công dân Nhật Bản và cư dân nước ngoài đến từ khoảng 35 quốc gia và khu vực, bao gồm Ấn Độ, Nepal và Pakistan đều phải cung cấp chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính được thực hiện trước và sau khi nhập cảnh.

Trước đó hôm 10/5, Chính phủ Nhật Bản thực hiện việc yêu cầu cách ly trong 6 ngày tại các cơ sở được chỉ định đối với những người đến từ 3 quốc gia trên, trong khi những người đến từ các quốc gia và khu vực còn lại được yêu cách ly trong 3 ngày.

Binh lính Pakistan được huy dộng chống dịch Covid-19.

Tìm kiếm vaccine chế ngự biến thể mới

Trước sự hoành hành của biến thể virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tin rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn tại châu Âu có thể chống lại sự nguy hiểm của biến thể này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri thông báo những dữ liệu được phân tích cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả phòng bệnh, “ít nhất là ở mức độ đảm bảo đủ bảo vệ cơ thể người trước biến thể mới từ Ấn Độ”.

EMA cũng hy vọng hai loại vaccine khác đã được phê duyệt ở EU là Oxford/AstraZeneca và Johnson & Johnson có hiệu quả với biến thể này.

Hiện EMA đang thu thập thêm bằng chứng từ Ấn Độ - quốc gia đang sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng.

4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại EU hiện nay là của Pfizer/BioNTech và Moderna - vốn sử dụng công nghệ mRNA, cũng như vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, sử dụng công nghệ “vector virus.”

Hơn thế nữa, nột trong những hãng sản xuất vaccine Covid-19 của Trung Quốc - Sinovac vừa cho biết, loại vaccine cập nhật phù hợp với việc đối phó các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể được sản xuất nhanh nhất trong khoảng 10 tuần sau khi nuôi cấy thành công chủng virus biến thế.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng đồng ý với tuyên bố trên của Sinovac, bởi theo họ, sau khi có được biến thể của virus, các nhà sản xuất chỉ cần thay loại “virus hạt giống” vào máy lên men mà không cần thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào trong các quy trình khác là có thể sản xuất vaccine.

Các chuyên gia còn cho rằng, chưa có đủ bằng chứng cho thấy biến thể B.1617 được tìm thấy ở Ấn Độ và WHO cho là “biến thể đáng lo ngại” có thể khiến các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn.

Theo WHO, biến thể B.1.617, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, đã được phát hiện tại 44 quốc gia và vừa được WHO xếp vào danh sách biến thể “đáng lo ngại” cấp toàn cầu khi virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng kháng cự với kháng thể và vaccine.

Ba biến thể khác phát hiện lần đầu ở Anh (B.1.1.7), Brazil (P.1) và Nam Phi (B.1.351) được coi là nguy hiểm hơn phiên bản gốc của SARS-CoV-2 vì chúng dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng một số loại vaccine nhất định.

Trước tình hình trên, ngày 12/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tăng gấp đôi sản lượng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới cũng như tái phân bổ vaccine một cách công bằng hơn ở các nước đang phát triển. Theo ông Guterres, nhiều nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine, đặc biệt là Ấn Độ, nước đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai khiến các bệnh viện và nhà xác quá tải, trong khi đó, Liên minh châu Âu đã dự trữ thừa vaccine.

Ông Guterres nhấn mạnh, thật khó chấp nhận khi các nước phát triển có thể tiêm phòng cho hầu hết người dân trong nước trong khi nhiều nước đang phát triển thậm chí không thể tiếp cận 1 liều vaccine.

Ngày 13/5, Ấn Độ đã ghi nhận 4.120 ca tử vong vì bệnh Covid-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp con số tử vong cao hơn 4.000. Số ca nhiễm mới trong ngày được ghi nhận dưới 400.000 ca trong ngày thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan rất nhanh tại các khu vực nông thôn, nơi rất khó ghi nhận đầy đủ vì thiếu thiết bị xét nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Á bất an vì Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO