Ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu

Quốc Định - Đại Dương 30/09/2016 09:35

Dư địa thị trường ngành gỗ được đánh giá còn rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều, còn lơ là các quy định khắt khe từ những thị trường lớn nhưng khó tính. Việc nắm bắt các quy định toàn cầu với đồ gỗ xuất khẩu để phát triển kinh doanh là vấn đề sống còn với các doanh nghiệp hiện nay.

Quy định, tiêu chuẩn tại các thị trường nhập khẩu là trở ngại lớn cho các DN xuất khẩu gỗ hiện nay.

Nhu cầu của thị trường đồ gỗ trên thế giới hiện khoảng 467,7 tỷ USD/năm. Thế nhưng, nguồn cung các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới đáp ứng có 1,65% cho nhu cầu rất lớn này.

Trong buổi nhóm họp các DN xuất khẩu vừa được tổ chức tại TP HCM để bàn về việc tham gia chuỗi giá trị ngành gỗ toàn cầu, nhận định về những con số trên, TS Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đã bày tỏ sự tiếc nuối khi dư địa cho ngành này rất lớn nhưng các DN trong nước vẫn chưa biết tận dụng.

Theo ông Hạnh, xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm nội thất của Việt Nam đứng thứ 5 trong tốp các quốc gia dẫn đầu trên thế giới hiện nay và đứng thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) và đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn so với vị thế hàng đầu (hồi năm ngoái đạt kim ngạch 6,9 tỷ USD, trong khi năm 2016 dự kiến đạt 7,6 tỷ USD).

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, trong 8 tháng đầu 2016, xuất khẩu nhóm hàng đồ gỗ của Việt Nam đạt gần 4,41 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu của Việt Nam thì lớn nhất vẫn là Mỹ (đạt kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước). Xếp sau là Nhật Bản (đạt kim ngạch 644 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước) và Trung Quốc (đạt kim ngạch 637 triệu USD, tăng 11,3%)...

Điều đáng nói, một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 39 DN xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ thì chỉ có 1/3 DN là có tiêu chuẩn về kiểm soát xuất xứ nguyên liệu. Ngoài ra, có đến 11 DN xuất khẩu hoàn toàn không biết đến những quy định bắt buộc khi bước vào thị trường này.

TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết: Năng lực nắm bắt các quy định, tiêu chuẩn của DN xuất khẩu gỗ Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu lớn nhưng khó tính như Mỹ, EU, Úc là rất hạn chế, thậm chí có thể nói là quá lơ là.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo trước tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu tự nhiên như hiện nay, nếu không có lộ trình chuẩn bị thì trong tương lai DN Việt sẽ không đủ sức cạnh tranh tại thị trường thế giới.

Để đạt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 20 tỷ USD vào năm 2025, vị lãnh đạo HAWA lưu ý vấn đề cần làm bây giờ là các DN Việt phải sớm đổi mới công nghệ thì mới có hy vọng mở rộng thị trường.

Nhưng trước hết, các DN cần sớm đáp ứng tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, loại bỏ những rủi ro trong sản phẩm gỗ xuất khẩu. Bởi vì đầu vào (nguyên liệu gỗ, nguồn gốc gỗ hợp pháp) đòi hỏi các DN phải thể hiện được trách nhiệm xã hội và đảm bảo chất lượng sinh thái.

Trong khi đó, để cải tiến công nghệ thì nguồn vốn vẫn là vấn đề nan giải với các DN xuất khẩu đồ gỗ. Ngoài ra, điều mong mỏi của DN vẫn là nguồn nguyên vật liệu đầu vào ổn định, chi phí cạnh tranh, đáp ứng sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ tìm cơ hội xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO