Nghệ sĩ 'khóc' vì hài nhảm

Vũ Trần 09/08/2017 08:35

Không khó nhận ra những năm gần đây, khi các chương trình về ca hát, thời trang... giảm dần sức hút bởi tài năng không kịp “nảy mầm” cũng như sự xuất hiện dày đặc của các chương trình hài. Tuy nhiên sự quá tải, đặc biệt là các tiết mục hài “nhảm” dẫn tới đời sống sân khấu rơi vào cảnh chợ chiều, từ đó đời sống của không ít nghệ sĩ lâm vào cảnh chật vật.

Quá nhiều tiết mục hài “nhảm” làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chính nghệ sĩ. (Ảnh minh họa).

Không nhiều sự lựa chọn

“Tồn tại hay không tồn tại… Sống, hay không nên sống. Đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại những sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn”- câu nói nổi tiếng trong vở kịch “Hamlet” của Shakespeare có lẽ có phần nào khập khiễng khi đặt để vào hoàn cảnh hiện nay của các nghệ sĩ chân chính khi hài nhảm lên ngôi. Tuy nhiên, trên thực tế nó không hẳn không đúng. Tồn tại để nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật và hiếm hoi mới có cơ hội để thể hiện hết mình trên sân khấu hay chấp nhận dấn thân vào môi trường có thể mang lại cho họ nhiều tiền đang là bài toán chưa có đáp số hoàn chỉnh.

Có một thực tế hiển nhiên, khi thời kỳ hoàng kim của sân khấu qua đi và mỗi ngày thêm cảnh chợ chiều hiu hắt, lại đặt để vào môi trường showbiz hóa như hiện nay sẽ chẳng có phương án nào vẹn cả đôi đường. Nghệ sĩ Lê Bình ở cái tuổi ngoài 60 từng chia sẻ, thấy đồng nghiệp đi xe sang ông cũng ghen tị, tủi thân lắm nhưng nhìn lại cần thấy mình nên bỏ bớt những thứ đua đòi, đơn giản hóa cuộc sống để nhẹ bớt. Chính bởi luôn coi làm nghệ thuật là phải vui dù cả cuộc đời ông chỉ đảm nhận vai phụ trên màn ảnh rộng ông vẫn cứ miệt mài. Và có được căn nhà đủ che nắng che mưa là tốt rồi.

Xét cho cùng, nghệ sĩ cũng là con người. Ứng xử của họ với nghệ thuật như thế nào cũng bộc lộ quan điểm, lối sống của chính cá nhân. Khi chấp nhận thỏa hiệp đồng nghĩa với nhà lầu, xe hơi tiền bạc rủng rỉnh và cả những gạch đá từ dư luận. Còn, khi chọn làm nghề chân chính, niềm vui được thăng hoa, được sống là chính mình sẽ bù đắp sự thiếu thốn nhất định về vật chất. Xem ra, hãy chỉ có hai lựa chọn đó còn nếu “con tám cũng ừ, con tư cũng gật” nhiều khi hối cũng không kịp.

Thỏa hiệp hay không?

NSƯT Hữu Châu trong một lần giao lưu với khán giả đã phải cảm thán: “Khi xem các game show về diễn xuất nhưng tôi thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình. Học trò của tôi mỗi lần đi phụ diễn ở game show, nhiều em xin phép nghỉ học hoặc trốn đi tham gia. Đó là cách các em kiếm sống nhưng tôi ghét lắm”.

Có lẽ cũng bởi lý do đó cho nên tính đến thời điểm này Hữu Châu là tên tuổi thuộc hàng “cây đa cây đề” hiếm hoi của làng kịch TP HCM không tham gia vai trò giám khảo bất cứ game show hay chương trình truyền hình thực tế nào. Bạn bè đồng trang lứa với anh, kể cả cùng sân khấu Idecaf như: NSƯT Thành Lộc hay NSND Hồng Vân, NSƯT Hoài Linh, Thanh Thủy, Việt Hương, Chí Tài... đều đã hơn một lần ngồi vị trí này.

Anh từng lập luận rằng: “Nếu làm giám khảo, tôi phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa. Vì vậy tôi không nhận lời làm giám khảo game show”. Câu chuyện của anh từng gây ra những luồng quan điểm trái chiều nhưng, có một câu hỏi vẫn còn vẹn nguyên giá trị: có nên thỏa hiệp với thực tế?

Mới đây nhất, câu chuyện về nghệ sĩ Trung Dân bị thế hệ hậu bối Hương Giang Idol buông những lời lẽ bỡn cợt trong một chương trình truyền hình thực tế, khiến người xem chán nản. Có lẽ, nghệ sĩ Trung Dân thuộc tuýp những người đứng ở ngã ba đường khi vẫn còn băn khoăn liệu mình sẽ đi theo con đường chính thống hay chấp nhận thương mại hóa. Thực chất, anh mới chỉ bước một chân vào con đường này nhưng ngay lập tức đã vấp phải trái đắng.

Nhiều người tự hỏi vậy nguyên nhân thực sự để những tên tuổi thuộc hàng lão làng như Trung Dân chấp nhận dấn thân vào truyền hình thực tế là gì? Sẽ có nhiều người nói vì tiền. Điều này có vẻ không sai vì ai cũng cần sống và tồn tại. Và cũng có thể lập luận, ông muốn thử mình ở một môi trường mới và rõ ràng, đó không phải là nơi để ông có đất dụng võ. Dù là bất kỳ lý do gì đi nữa mới thấy vấn đề thực sự nhức nhối khi các nghệ sĩ chân chính ngày càng chật vật để có thể trụ vững trong thời buổi hiện nay khi khắp nơi hài nhảm bao phủ.

Là nghệ sĩ, nếu không đứng trên sân khấu để cống hiến cho khán giả, họ như chết nửa người. Còn nhớ, khi xem bộ phim “Ngọc Viễn đông”, hình ảnh nghệ sĩ Kiều Chinh tự hóa trang, tự lên sân khấu để một lần được sống với quá khứ để rồi bẽ bàng, tức tưởi nhận ra thực tế đã làm ám ảnh biết bao khán giả. Đó, có lẽ là tâm trạng trung của biết bao nhiêu nghệ sĩ tận tâm với nghề. Vẫn còn đó những nghệ sĩ như Thành Hội, Ái Như, Hồng Ánh, Lê Bình... quyết sống chết với sân khấu, nói không với hài nhảm dù họ biết con đường ấy, gian nan bội phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ 'khóc' vì hài nhảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO