Nghèo vì đa cấp - Kỳ 1: Vỡ mộng đổi đời

Nguyễn Tuấn Anh (Còn nữa) 04/08/2016 09:28

Đã gần 4 năm trôi qua nhưng những gì mà cơn bão đa cấp MB24 (tên gọi tắt Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến có trang web nay đã bị khóa) để lại cho nhiều hộ dân nơi vùng quê nghèo huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn ám ảnh trong tâm trí như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua. Ước mơ sớm đổi đời theo lời mời gọi “trao tiện ích, nhận thành công”, kinh doanh “một vốn ngàn lời” đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn, tái nghèo.

Cảnh nghèo nàn hiển hiện trong nhà anh Nguyễn Văn Khánh.

Nghèo lại càng nghèo

Mỗi lần nghe ai giới thiệu tham gia đa cấp thì gia đình anh Nguyễn Văn Khánh người dân tộc Tày ở thôn 8 xã Cư Yang, huyện Ea Kar như bị xát thêm muối vào vết thương lòng.

Anh Khánh kể, mấy năm trước, gia đình anh đang là hộ nghèo, nhà chỉ có 1 sào lúa nước, vài sào cà phê, đất đai cằn cỗi nên cuộc sống rất khó khăn. Để lo cái ăn cho gia đình hàng ngày vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Đang trong lúc khó khăn, gia đình anh được vợ chồng Trần Văn Sự đến nhà tư vấn tham gia mua gian hàng điện tử trên mạng. Rằng chỉ cần bỏ 5,2 triệu đồng mua một gian hàng là có thể làm giàu mà không cần phải vất vả.

Vợ chồng Sự người cùng xã, vợ làm giáo viên nhưng cũng bỏ dạy học để đi theo nghề này. Sự khoe mới tham gia MB24 đóng cổ phần 20 triệu đồng nhưng trong vòng mấy tháng hoạt động đã thu được 1,6 tỷ đồng, chưa kể số tiền hưởng hoa hồng do giới thiệu nhiều người tham gia hệ thống. “Thấy nó ăn mặc bảnh bao, quần áo com lê cà vạt, đầu tóc mượt mà, giày đen bóng loáng thay đổi cuộc sóng nhanh chóng trong thời gian ngắn mà nể phục”.

Trước những lời giới thiệu “trao tiện ích, nhận thành công” sau 3 ngày tham gia khóa đào tạo, anh Khánh đã đi vay 5,2 triệu đồng của người trong thôn, với lãi suất 3% để mua một gian hàng trên mạng. Và rồi, tới nay, chị Lâm Thị Liên vợ anh Khánh nói: “Tưởng sẽ được đổi đời như lời họ giới thiệu. Nhưng từ khi biết bị lừa, gia đình đi đòi tiền mãi giờ chẳng có ai trả cho một ngàn”.

Cũng như vợ chồng anh Khánh, ông Hà Văn Hạc và con trai Hà Văn Dũng cùng thôn 8 đã mua 3 gian hàng trị giá 12 triệu 600 nghìn đồng với hi vọng giàu nhanh hơn người cùng xóm. Thế nhưng tiền đâu chẳng thấy, nợ thì ngày càng tăng nên khi biết bị lừa, xót tiền, cộng với túng quẫn vì hoàn cảnh khó khăn, anh Dũng đã phải bỏ nhà sang tỉnh Đắk Nông để trốn nợ. Con trai bỏ đi, ông Hạc cũng gọi người bán nhà cửa đất đai sang Đắk Nông tìm con và đến giờ không về lại.

Ông Hà Văn An- Trưởng thôn cho biết: Thôn có 172 hộ với 796 khẩu trong đó có 65 hộ nghèo. Họ nghèo chủ yếu là do mắc bẫy bán hàng đa cấp trên mạng.

Chị Vi Thị Viên ở thôn 9, xã Ea Ô kể, nghe những lời giới thiệu như mật ngọt rót vào tai của đội ngũ nhân viên tư vấn MB24, chị đã vay nóng 10 triệu đồng với lãi suất 4%/tháng để mua hai gian hàng trên mạng muaban24.vn. Tiền lãi ngày càng tăng trong khi 2 gian hàng của chị chẳng có gì mà mua bán, bởi chị không biết tắt mở máy vi tính cùng với đó chẳng biết tư vấn cho ai tham gia, lãi mẹ đẻ lãi con đến nay chị đang phải ôm nợ, hàng ngày lo làm thêm làm mướn vừa kiếm cái ăn cho gia đình vừa trả tiền lãi.

Chuyện những người như chị Viên thì có nhiều, nhiều người không trả được nợ phải bỏ cả quê hương phiêu bạt. Về lại xã Cư Yang, quê hương của những kẻ cầm đầu MB24 tại Đắk Lắk, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND xã Cư Yang thắc mắc: “Chúng tôi không biết cơ quan chức năng đã xử lý 2 đối tượng Trần Văn Sự, Ngô Văn Chiến hay chưa, bởi công an có lệnh bắt Sự và Chiến, nhưng hơn 2 tháng sau các đối tượng đã được thả về địa phương”.

Các đối tượng trong đường dây MB24 tại Đắk Lắk như Trần Văn Sự, Bùi Thị Chiên, Ngô Văn Chiến, Đặng Anh Tuấn đã bị bắt tạm giữ đến nay gần 4 năm nhưng những người bị lừa không biết số phận họ ra sao, còn số tiền mà các đối tượng này huy động người dân tham gia đa cấp thì mất tăm.

Sập bẫy

Chưa hết, tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa”, sau MB24, từ cuối năm 2015 đến nay hàng trăm hộ người dân tộc thiểu số ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại đang đứng trước nguy cơ tái nghèo phải bán nhà cửa, đất đai trả nợ tiền đi vay nóng khi nghe lời dụ dỗ góp vốn hưởng lãi cao cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 chi nhánh Đắk Lắk (tại địa chỉ số 02 Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột).

Với lời giới thiệu: Chỉ cần góp vốn một lần cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 (Công ty Phúc Gia Bảo) trụ sở chính tại Hà Nội để xây dựng chuỗi quán cà phê, chuỗi siêu thị mini tự chọn và online, chuỗi nhà hàng, cửa hàng vật tư nông nghiệp và xây dựng các tour du lịch thì những người hợp tác kinh doanh với Công ty sẽ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà chỉ Công ty Phúc Gia Bảo mới có.

Đó là: sau khi tham gia góp vốn sẽ được tặng 3 hộp cà phê và 1 thẻ uống cà phê VIP tương đương với 200 ly cà phê miễn phí được uống tại tất cả các điểm quán của Công ty trên các tỉnh thành cả nước; được dự các buổi họp do Công ty tổ chức; nếu như đầu tư: Gói 36,6 triệu đồng- tổng số tiền nhận được sau 6 tháng đầu tư là 126 triệu đồng; Gói 72,6 triệu đồng- tổng số tiền nhận được sau 10 tháng đầu tư là hơn 2 tỷ đồng.

Đồng thời khi giới thiệu được càng nhiều người tham gia đầu tư tài chính vào Công ty, khách hàng sẽ được hưởng hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, Công ty Phúc Gia Bảo còn “khuyến mãi” cho nhà đầu tư ký hợp đồng với số tiền lớn sẽ được hưởng những chuyến du lịch Mỹ…

Trước viễn cảnh làm giàu không khó và được du ngoạn ở vùng đất hứa, sau khi tham gia Công ty Phúc Gia Bảo, bà H’Xuân Mlô (trú tổ 6, phường Thành Nhất, TP.Buôn Ma Thuột) với thành tích giới thiệu được nhiều người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp vốn đã được Công ty Phúc Gia Bảo bổ nhiệm chức danh Giám đốc chi nhánh địa chỉ giao dịch là Câu lạc bộ cà phê nấm Linh chi đỏ, số 2 Mai Xuân Thưởng, TP.Buôn Ma Thuột, đây cũng là chi nhánh 3 tỉnh Tây Nguyên của Phúc Gia Bảo…

Giúp việc cho bà có các đối tượng nhiệt huyết là ông Y Lép Knul, bà H’Níp Bkrông… là những tổ trưởng tổ tư vấn có thành tích đáng nể trong việc lôi kéo nhiều người tham gia góp vốn. Là trợ thủ đắc lực, ông Y Lép Knul chỉ trong mấy tháng tham gia Phúc Gia Bảo chi nhánh Đắk Lắk đã được Công ty này thưởng hậu hĩnh.

Có trong tay hàng trăm triệu đồng, ông đã mua xe hơi, sắm sửa đồ đạc và luôn chỉn chu khi gặp bà con trong buôn làng. Trước vẻ hào nhoáng của Y Lép Knul nhiều hộ dân tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao. TP. Buôn Ma Thuột) đã ngửa mũ thán phục và bắt đầu nghe lời tryền đạt kinh nghiệm làm giàu.

Chắt góp bao nhiêu năm bán gà, vịt, mớ rau được hơn chục triệu đồng, ốm đau chẳng dám ăn, thế nhưng khi nghe Y Lép tư vấn góp vốn hưởng lãi cao chỉ nộp một lần mà có tiền lãi năm này qua năm khác không phải vất vả khổ sở, bà H’Cơi Knul 73 tuổi (ở buôn Tơng Ju, xã Ea Kao) đã vét sạch túi giao cho Y Lép đầu tư vào gói 12,6 triệu đồng với hi vọng hàng tháng lấy lãi 3 tháng đầu là mỗi tháng 9 triệu đồng từ Công ty để lo thuốc thang.

Thấy mẹ đầu tư, lại được Y Lép cổ xúy, cô con gái H’Ó Knul quanh năm suốt tháng quần quật chăm 2 sào cà phê già cỗi, lặn lội cắt cỏ nuôi bò thuê, làm mướn khắp nơi mới chỉ kiếm đủ cái ăn cho 7 đứa con nhỏ cũng làm liều bán con bò cái nuôi ré cho người ta được 15 triệu, cũng đầu tư góp vốn với mong muốn kiếm thêm đồng ra, đồng vào mua gạo, muối cho con.

Sau khi góp vốn từ ngày 27/12/2015 đến nay, bà H’Cơi và chị H’Ó chưa nhận được một đồng tiền lãi nào. Chị H’ Ó nói: “Tôi và mẹ đã lên Công ty hỏi thì họ bảo phải giới thiệu thêm người rồi mới trả, đến nhà ông Y Lép đòi thì ông nói là Công ty ký hợp đồng chứ ông không có liên quan”.

Bà H’Ren Bkrông, một nạn nhân khác còn cho biết, chính em gái ruột của bà khuyên bà đi vay tiền để góp vốn với lãi suất cao. Đổ bể, tới giờ chị em không nhìn mặt nhau nữa.

Ông Y Tri Bkrông- Phó Trưởng Công an xã Ea Kao cho biết, hiện toàn buôn Tơng Jú có gần 60 hộ bị lừa đầu tư góp vốn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều hộ ở buôn Cư Êbông, Cư M’Lim vẫn chưa báo số tiền góp vốn là bao nhiêu nên chưa thể thống kê cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghèo vì đa cấp - Kỳ 1: Vỡ mộng đổi đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO