Người thầy, không chỉ cần chuyên môn

Lan Ngọc 07/03/2017 10:15

Thời gian gần đây, vấn đề chấn chỉnh đạo đức nhà giáo được ngành GD-ĐT nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ thị ban hành.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 của ngành giáo dục 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ tổ chức đầu tháng 3 vừa qua đã nhấn mạnh, ngành giáo dục ở các địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ xét trình độ chuyên môn đầu vào, mà còn cả đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.

Không phải đến bây giờ vấn đề đạo đức nhà giáo mới được đặt ra. Bộ GD-ĐT đã có hẳn Quy định về Đạo đức nhà giáo ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-4-2008) trong đó nêu rõ: Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định, không gây khó khăn phiền hà đối với người học và nhân dân; Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục... Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ,...

Soi vào hàng loạt sự việc rùm beng của ngành giáo dục diễn ra trong thời gian vừa qua, có thể thấy không phải lúc nào quy định về đạo đức nhà giáo cũng được thực thi một cách đầy đủ, đúng đắn. Bài học đầu tiên với bất cứ sinh viên ngành sư phạm nào trước khi bắt đầu học về chuyên môn có lẽ nên bắt đầu với quy định về đạo đức nhà giáo mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra.

Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn của nhà trường, vấn đề này cũng cần được quán triệt sâu sắc và phải được làm gương từ chính những người đứng đầu để sau đó thực hiện giám sát cấp dưới, giám sát lẫn nhau để tất cả mọi thầy cô đều nghiêm túc chấp hành, nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nặng hơn là bị kỷ luật...

Trong một cuộc trò chuyện với bà Đường Thị Lệ- Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, người trước đây từng là giáo viên trường Sư phạm Mầm non của tỉnh Hà Tây cũ, cho biết, trước đây, tuyển đầu vào các trường sư phạm rất khắt khe, giáo viên được đào tạo toàn diện cả về kỹ năng lẫn đạo đức nhân cách người làm thầy.

Còn hiện nay, đào tạo ngành sư phạm tràn lan, nhiều trường trung cấp tổng hợp cũng mở đào tạo ngành sư phạm, đào tạo ngắn hạn, thậm chí đào tạo từ xa. Bên cạnh đó, không thiếu sinh viên vào ngành sư phạm không phải vì yêu bục giảng và trẻ nhỏ, mà chỉ cốt kiếm tấm bằng và chứng chỉ để đi xin việc. Hệ quả là hàng loạt những vụ bạo hành trẻ, những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua mà báo chí đã lên tiếng.

Nói như Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vụ việc Trường tiểu học Nam Trung Yên là vụ việc cá biệt, nói là nhỏ nhưng cũng không hề nhỏ, vì động chạm đến đạo đức của người thầy. Việc này thu hút sự quan tâm rất lớn của các gia đình, các cháu học sinh, dư luận, ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, lòng tin với người thầy. Qua vụ việc này thấy rằng, trong đào tạo giáo viên, ngoài vấn đề chuyên môn, rất cần quan tâm đến đạo đức, phẩm chất nhà giáo. Cần tạo ra hình ảnh tốt đẹp nhất của người giáo viên, được kiểm soát tất cả tại các cơ quan trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thầy, không chỉ cần chuyên môn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO