Nhân lực để hội nhập

Hoàng Mai 21/12/2015 09:30

Nếu chiểu theo thống kê dân số của năm 2014 thì rõ ràng, chúng ta về đích sớm về tổng số lao động nhưng với tổng số lao động qua đào tạo thì vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Nhân lực để hội nhập

Nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi cần thiết khi hội nhập sâu.

Cuối tháng 11, trở về từ Cấp cao ASEAN 27 tại Malaysia, khi trả lời phỏng vấn Đại Đoàn Kết về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng chung vào ngày 31/12 tới (tức là chỉ còn 10 ngày nữa), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, mặt kinh tế, rõ ràng giờ đây sẽ là một cộng đồng có cơ sở kinh tế chung, cơ sở sản xuất chung. Nếu tận dụng được như vậy thì thị trường của chúng ta không chỉ là 90 triệu dân nữa mà ta sẽ có một thị trường 625 triệu dân của cả cộng đồng.

Nhưng, như thế, đòi hỏi, mỗi doanh nghiệp, người dân sẽ phải thay đổi cách sản xuất để nhắm vào một thị trường lớn hơn chứ không chỉ khuôn trong hơn 90 triệu người dân nữa. Và thêm nữa, người ta cũng nhìn thấy rõ “hướng di chuyển nguồn vốn hay di chuyển nhân lực chất lượng cao giữa các nước trong cộng đồng vì nó có tiêu chuẩn chung”.

Điều này rõ ràng là một thuận lợi cũng lại là một thách thức không hề nhỏ trước ngưỡng cửa hội nhập khu vực đang cận kề rất gần. Vậy, trước ngưỡng cửa hội nhập, nguồn nhân lực Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào. Nguồn nhân lực ấy được cấu thành từ nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ và nhân lực của các ngành, nghề. Trong đó, nguồn nhân lực nông dân có gần 63 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người (gần 10% dân số); nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp trung ương gần 1 triệu người…

Căn cứ vào tổng điều tra dân số và căn cứ vào những gì được thấy ở trên, rõ ràng, Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về lao động nhưng không phải là những lao động chất lượng cao, tay nghề cao. Đơn giản vì nông dân và công nhân đã chiếm tới 80% dân số; trong khi, nhân lực đạt trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm khoảng trên 2%.

Đương nhiên, nói như thế không phải là đánh giá thấp nguồn nhân lực xuất phát từ nông dân và công nhân; nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, phần đông, thu nhập từ bộ phận này sẽ không thể cao như bộ phận nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên; chỉ trừ số ít nông dân, công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập cho cá nhân.

Từ điều tra dân số ấy cũng có thể thấy, nguồn nhân lực Việt Nam đang đi theo 2 hướng rất rõ ràng: Nguồn nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Như thế, rõ ràng, cái thiếu của Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông mà chính là nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, với những lĩnh vực chúng ta đang cần nhân lực chất lượng cao như kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo... thì lại tỏ ra hiếm nhân lực. Đây là một thiệt thòi cho nền kinh tế đất nước và thiệt thòi cho chính người lao động trước ngưỡng cửa hội nhập.

Trở lại với cuộc trao đổi giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao với phóng viên Đại Đoàn Kết, Phó Thủ tướng đã đưa ra những viễn cảnh của đào tạo và nhân lực chất lượng cao khi nhấn mạnh: Với các trường đại học có liên kết trong khối thì trình độ của sinh viên Việt Nam tốt nghiệp một trường trong danh sách đó sẽ được công nhận chung trong cả cộng đồng. Trước đây có thể là tốt nghiệp một trường trong nước nhưng ra ngoài không được công nhận, giờ có sự công nhận chung thì thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân lực kỹ thuật cao, có năng lực, có tri thức.

Nhưng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng không quên nói thêm: “Đúng là dù có nhiều thuận lợi nhưng, thách thức cũng sẽ rất lớn. Người dân, các doanh nghiệp có thể thấy sự cạnh tranh khi đó không phải trong phạm vi đất nước 90 triệu dân nữa mà sự cạnh tranh ở trong trong thị trường 625 triệu dân; khi ấy sự di chuyển lao động cao chất lượng cao, nếu không chuẩn bị trước, sẽ bị cạnh tranh ngay chính trên đất của chúng ta”.

Thực tế thì sao, cũng cần phải nói thêm rằng, nhân lực chất lượng cao của Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước trong Cộng đồng có nhu cầu về lao động kỹ thuật cao, có lẽ là ở lĩnh vực IT nhưng với các ngành kỹ thuật cao khác hay những ngành đòi hỏi chuyên môn trình độ cao khác thì nhân lực của ta còn khá xa vời so với bạn bè.

Đó là câu chuyện của 1 tháng trước, còn thì 10 ngày hẳn nhiên không nhiều nhặn gì để thay đổi căn bản chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia; cũng không ai duy ý chí đến mức hy vọng vào một sự thay đổi căn bản, căn cơ đến thế về nguồn nhân lực vào thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta đã chuẩn bị cho ngày này ngay từ năm 2011, trong Báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; tức là Đảng, Nhà nước ta đã có một chiến lược dài hạn về vấn đề này với những mục tiêu cụ thể.

Theo Quyết định số 1216/QĐ, ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thì trong 10 năm tới cần tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế với cơ cấu hợp lý. Chiến lược cũng đặt mục tiêu tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 là khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55,0% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế đất nước) và năm 2020, có khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế).

Nếu chiểu theo thống kê dân số của năm 2014 thì rõ ràng, chúng ta về đích sớm về tổng số lao động nhưng với tổng số lao động qua đào tạo thì vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Đây là một “yếu huyệt” cần được khắc phục sớm khi hội nhập đang gõ cửa từng người dân, từng gia đình, từng DN nếu chúng ta thật sự không muốn trở thành người đi sau. Sự nỗ lực không phải chỉ từ phía Nhà nước mà còn cần sự vươn lên từ chính người dân; tất nhiên, nếu thật sự muốn mình không bị tụt lại phía sau từ chính sự lạc hậu của bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực để hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO