Nỗ lực triệt phá các đường dây buôn bán hổ

Minh Nguyệt 29/07/2019 22:17

Ngày 29/7, thông tin từ Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho biết: Số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể vào năm 2016, còn số hổ nuôi nhốt, buôn bán trái phép lên đến hàng trăm con.

Nỗ lực triệt phá các đường dây buôn bán hổ

Nguyễn Hữu Huệ, Hồ Anh Tú và Phan Văn Vui bị bắt giữ ngày 25/7/2019 cùng tang vật bảy cá thể hổ đông lạnh.

Trong các năm 2017 và 2018 Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã khảo sát 17 cơ sở tư nhân nuôi nhốt hổ. Theo đó, có 296 cá thể bị nuôi nhốt tại Việt Nam, bao gồm 244 con bị nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân và 52 con thuộc vườn thú công và trung tâm cứu hộ. Số lượng hổ bị nuôi nhốt đã tăng mạnh, từ 54 con năm 2009 lên 201 cá thể năm 2017.

Tổ chức Điều tra Môi trường cho biết, trong 600 vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam khoảng 15 năm gần đây có da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến loài hổ bị đẩy đến bờ tuyệt chủng là do những đường dây buôn bán hổ đang âm thầm hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 các vi phạm liên quan đến hổ liên tiếp bị các cơ quan chức năng phát hiện. Mới đây nhất, ngày 25/7/2019, Công an TP Hà Nội bắt quả tang vụ vận chuyển trái phép bảy con hổ đông lạnh do Nguyễn Hữu Huệ (trú ở huyện Diễn Châu, Nghệ An) thực hiện. Đối tượng này được cho là “ông trùm” cầm đầu đường dây vận chuyển, buôn bán hổ xuyên quốc gia. Theo cơ quan chức năng, Nguyễn Hữu Huệ là đối tượng trực tiếp sang Lào mua hổ rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ dưới dạng đông lạnh. Mặc dù nhiều lần bị cơ quan chức năng truy đuổi nhưng Huệ vẫn lẩn trốn được nhờ những thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã tóm gọn “ông trùm” và triệt phá toàn bộ đường dây.

Tháng 5/2019, đối tượng Vũ Văn Lực (trú tại phường Tân Long, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bị bắt giữ vì tàng trữ một con hổ đông lạnh nặng 200kg và nhiều động vật hoang dã khác. Tháng 4/2019, công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ Nguyễn Gia Chinh (trú tại thôn Đại Vi, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) buôn bán trái phép 2 cá thể hổ con đông lạnh trên Facebook. Tại Nghệ An, cơ quan chức năng cũng tịch thu hai con hổ con vào tháng 3/2019 thông qua việc quảng cáo trên Facebook. Đầu năm 2019 tại khu vực bến xe Mỹ Đình Công an Hà Nội đã bắt giữ Lò Văn Đức (sinh năm 1991, trú tại thôn Xuân Hòa, xã Xuân Khang, huyện Như Thành, tỉnh Thanh Hóa) do vận chuyển năm con hổ con đông lạnh.

Trước đó, vào năm 2010 tại Hội nghị Bảo tồn hổ quốc tế St.Petersburg (LB Nga), Việt Nam đã cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên vào năm 2022 và đến ngày 16/4/2014, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định 539/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 với mục tiêu “Bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 theo mục tiêu đã được xác định tại Chương trình bảo tồn hổ toàn cầu mà Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện.”

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm răn đe tội phạm bằng những mức án nghiêm khắc. Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết rất mong các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm khắc loại hình tội phạm đặc biệt này trong bối cảnh tình trạng vi phạm về động vật hoang dã đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực triệt phá các đường dây buôn bán hổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO