Nỗi buồn người nuôi tôm

Việt Sử 28/05/2016 09:07

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hạn hán, nắng nóng kéo dài như hiện nay, tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm ở vùng Nam Bạc Liêu đang oằn vai gánh cái nghèo cứ đeo bám.

Nỗi buồn người nuôi tôm

Nuôi tôm ở Bạc Liêu.

Bạc Liêu – vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của con tôm. Chính vì sức hấp dẫn của tôm mà thời gian qua, có hàng chục nghìn hộ đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm hoặc thực hiện các mô hình kết hợp sản xuất lúa với nuôi tôm. Thế nhưng không ít hộ nuôi tôm đang điêu đứng.

Giấc mộng vàng từ con tôm

Quen biết đã lâu, ông Út D., ở khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát thấy tôi đi ngang liền mời vào chòi canh tôm, uống một ly nước mát được lấy lên từ cây nước ngầm xứ biển. Út D. quê ở Hồng Dân, làm nghề lái máy cày, gia đình có vài ha đất ruộng, mỗi năm sản xuất hàng ngàn giạ lúa, nhưng cách nay hơn 15 năm giấc mộng vàng từ con tôm đã làm cho gia đình ông từ cuộc sống ổn định, giờ trở nên thiếu trước hụt sau.

Nhớ lại ngày đầu khi về vùng đất mới này, ông phải thuê mướn vài ha đất của đơn vị trại giam công an tỉnh để nuôi tôm. Tất cả mọi thứ từ căn chòi, bóng đèn, dây điện, cánh quạt, máy bơm nước… đều phải đầu tư từ đồng tiền tích cóp của gia đình dành dụm trong suốt thời gian hơn nửa cuộc đời làm lụng của ông.

Những tưởng sau một vụ tôm, ông sẽ lấy lại những gì đã đầu tư, nhưng rồi mọi thứ đã trở thành con số không. Bây giờ thì không còn vốn để mua con giống, không vốn để tái tạo sản xuất. Mấy ha đất ruộng ở quê cứ lần lượt không cánh mà bay. Vợ con khuyên can hết lời nhưng giấc mộng vàng từ con tôm khiến Thành cứ lao tới. Thất bại nhiều năm rồi, ông quá thấm thía cuộc đời.

Trong căn chòi lụp sụp, nhìn ra cánh đồng tôm Út D. than thở: Tôi không hiểu sao về quy trình kỹ thuật từ cải tạo đầm tôm cho đến thức ăn, con giống làm rất bài bản nhưng cứ mãi thất bại. Hết vụ tôm này đến vụ tôm khác, kéo dài suốt mấy năm trời, đã vậy cái mạng sống cũng suýt lìa đời khi bước vào năm thứ tư nuôi tôm vì bất cẩn tôi bị cánh quạt của đầm tôm cuốn chiếc áo đang mặc trên người làm chơi vơi trên mặt nước đầm tôm. May sao, khi hơi sắp tàn, sức vừa kiệt cũng là lúc thằng con trai tôi phát hiện và ứng cứu kịp thời đi nằm bệnh viện mấy tháng trời.

Mang trên người thương tích gãy 4 be sườn trái. May sao, năm đó lại trúng tôm gần 800 triệu đồng. Có được số tiền trên vợ, con tôi khuyên nên về quê chuộc đất làm ruộng sinh sống nhưng tôi thì quyết chí mua 2 ha đất nuôi tôm ở khóm Kinh tế tiếp tục làm tôm. Gần một chục năm qua khi làm chủ mảnh đất này nhưng chưa hề trúng thêm vụ tôm nào.

Cùng cảnh ngộ xa xứ nuôi tôm, anh Nguyễn Thanh Phong, hơn 5 năm qua cùng vợ, con rời quê Cái Nước, tỉnh Cà Mau đến vùng ven biển Bạc Liêu nuôi tôm những mong sớm được đổi đời. Nhưng rồi đầm tôm đã trói chân anh giống như con cá bị mắc cạn ở giữa cánh đồng khô hạn.

Vào năm 2000, được một người bạn tốt bán chịu cho 2 ha đất nuôi tôm với giá 800 triệu đồng, khi nào trúng tôm thì trả tiền đất. Thế là bao nhiêu vốn liếng có được ở quê, anh tập trung cho các đầm tôm. Hai năm đầu nuôi tôm gần như bị trắng tay. Mãi đến năm 2013 thì mới trúng được một vụ tôm và trả cho chủ đất được 400 triệu đồng.

Tưởng rằng cơ hội sẽ đến với anh thêm vài lần trúng tôm nữa nhưng nào ngờ trong suốt ba năm qua, năm nào thả nuôi cũng đều thất bại dẫn đến kinh tế gia đình cạn kiệt. Mọi sinh hoạt ăn uống phải bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau.

Có người hỏi: Vì sao anh không về quê sinh sống? Anh bảo, còn gì nữa đâu mà về. Ruộng vườn đều bán sạch để đầu tư cho đầm tôm nên cố bám đất để nuôi tôm và cầu mong tương lai sáng sủa hơn. Nhưng càng nuôi hy vọng bao nhiêu thì lại càng bị bế tắc bấy nhiêu.

Vỡ mộng vàng

Anh Nguyễn Quốc Cường là cư dân phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu người có bề dày hơn 20 năm “chinh chiến” tại các đầm tôm trên khắp vùng Nam quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu tâm sự: Nếu tính bình quân một hộ nuôi tôm công nghiệp, mức vốn đầu tư cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước, con giống 10 triệu đồng/ 1 đợt thả nuôi mà thất bại ba lần trong năm thì mất đi nguồn vốn là 30 triệu đồng. Nếu hộ dân nào rơi vào hoàn cảnh thất bại 3-5 năm liên tiếp thì chỉ có con đường mất đất.

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải bộc bạch với chúng tôi: Huyện Đông Hải hiện tại có 10 xã, 1 thị trấn nằm ở vùng Nam tỉnh Bạc Liêu. Toàn huyện có đến 38.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, trong số này diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp là 3.200 ha. Hiện tại do nắng hạn gay gắt, độ mặn tăng cao nên hầu hết các hộ nuôi tôm công nghiệp đều bị thất bại, không còn khả năng trả nợ.

Tuy ở vùng Nam có diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản hơn 90.000 ha, được thiên nhiên ưu đãi có rừng, có biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nơi nào cũng có tôm cá và các loài nhuyễn thể sinh sống nhưng muốn làm giàu thì không phải dễ dàng vì sản phẩm làm ra của nông dân còn lệ thuộc quá nhiều yếu tố: vốn, giá cả, thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản, kỹ thuật canh tác, dịch bệnh, thủy lợi… Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ đè nặng trên đôi vai gầy yếu của nông dân.

Có hộ rất giàu có vốn tích lũy hàng tỷ đồng nhưng khi đầu tư nuôi tôm chỉ qua thời gian ngắn, tôm chết kéo dài thì họ trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đen tăng nhanh nên phải bán đất, trở thành người làm thuê. Qua khảo sát tại các xã như: Long Điền, Long Điền Đông, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông…cứ 100 hộ nuôi tôm thì có khoảng 50 hộ nuôi bị thất bại. Đây là con số khiêm tốn chứ thực tế diện tích tôm chết còn cao hơn gấp nhiều lần.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hạn hán, nắng nóng kéo dài như hiện nay, tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm ở vùng Nam Bạc Liêu đang oằn vai gánh cái nghèo cứ đeo bám.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn người nuôi tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO