Nỗi nhớ một thời

NGUYỄN MINH HOA 07/07/2022 08:41

Xưa kia, từ những năm 1950, so với cửa hàng bách hóa, cửa hàng lương thực của huyện thì cửa hàng hợp tác xã (HTX) mua bán lép vế hơn nhiều về quy mô cũng như hàng hóa trong quầy. Nhưng cung cách phục vụ của những người bán hàng thì lại thấy dễ chịu hơn nhiều, họ không vênh vác như mấy cô mậu dịch viên thoát ly, ăn gạo sổ kia.

Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp. Ảnh: TL.

Tham gia làm thành viên HTX mua bán có lẽ xã viên chỉ nhìn nhận đơn giản sẽ dễ mua hàng hóa hơn. Hàng về HTX mua bán sẽ về đến tay nông dân, còn hàng bên Bách hóa tổng hợp huyện thường ưu tiên phân phối cho cánh thoát ly, theo tiêu chuẩn tem phiếu, dân mua thường bị trả lời gọn lỏn: hết hàng.

Mấy người hiểu tường tận HTX mua bán ở nông thôn và HTX tiêu thụ ở thành thị có nhiệm vụ mở rộng sự trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, phối hợp với Mậu dịch quốc doanh để ổn định thị trường, thúc đẩy việc khôi phục và phát triển nông nghiệp và công thương nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân và củng cố khối công nông liên minh. Xã nhỏ có ít nhất 1 cửa hàng HTX mua bán, xã lớn có đến 2-3 cửa hàng, tùy theo quỹ đất và số dân địa phương mà đặt vị trí cửa hàng phù hợp. Cả một chặng dài những HTX này đã tạo dấu ấn trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Những năm xưa chiến tranh và bao cấp khó khăn, thiếu thốn trên vai dân cả, hàng hóa khan hiếm, đến quầy bên cửa hàng bách hóa huyện còn trống trơn chứ đừng nói quầy bên HTX mua bán. Nhiều khi dân nai lưng làm ra sản phẩm, xe nhận hàng xuất không thiếu bao giờ, đồng tiền kiếm được đúng là trầy vây, trật vẩy, mà thiếu vẫn hoàn thiếu, không tìm ra hàng hóa cần thiết để mua.

Lúc nào nhìn vào cửa hàng cũng chỉ thấy gian bên bể muối vơi tận đáy thứ muối đen, ướt nhép. Phía ngoài lỏng chỏng vài cái cầy, cái bừa làm dối đục đẽo nham nhở, cạnh đấy là cái quan tài đóng ẩu, nước sơn nhạt thếch. Làng lâu chưa có tang, chứ không cũng chẳng còn mặt hàng này ở đây.

Trong tủ kính thì chỉ có dăm đôi dép nhựa gia công màu xỉn xì xì, đôi ủng cao su, mấy cái khay sơn mài, ít xô màn và ít vải chéo hoa. Trên quầy tủ kính thì có gì đâu, mấy bánh xà phòng 72, mấy hộp kem giặt tổng hợp vỏ bằng nhựa tái sinh, cái nhãn dán in nhòe nhoẹt. Rồi thêm dăm dây bát ăn cơm, chén uống nước, bát mèo tàu... đây là hàng ký gửi từ xã có nghề gốm. Chén bát gia công chỉ bần cùng dân mới chọn mua, chứ có hàng nhà máy nhất là sứ Hải Dương chào mừnv g đại hội đảng với những dấu hoa thị hay kỷ hà màu đỏ trên nền trắng thì dẫu hàng loại 2, loại 3 méo thì dân cũng mua hết ngay.

Những thứ hàng kiểu ấy cùng với vải vóc loại tốt như lon Tiệp, lon Đức, sợi bảo, hay pôpalin Tàu mà xuất hiện ở đây dân cũng biết thừa là hàng của cánh bách hóa huyện mua được không dùng hết hay cần tiền thì gửi sang đây bán. Dẫu thế nào, có tiền mua được hàng tốt cũng là quý. Nhưng nhiều người thấy thế lại nói: “HTX mua bán cũng là cánh tay nối dài của bách hóa huyện thôi, ngoắc ngoặc với nhau cả. Hàng bên bách hóa lúc nào chẳng kêu hết, hết để sang đây bán theo giá cắt cổ”... Người nói, người nghe biết nhau cả, có rát mặt, có đau tai thì cũng phải chịu, vì có khi họ nói đúng.

Xếp hàng mua hàng Tết. Ảnh: TL.

Nói thế hay nói nữa thì HTX vẫn duy trì và phát triển phục vụ nhân dân. Vào những dịp lễ tết HTX mua bán thật rộn ràng. Hàng phục vụ tết cho dân được đưa hết về đây, giảm tải cho bách hóa huyện. Những HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sản phẩm cũng được đưa về đây bán, bà con tâm vì mua được sản phẩm tốt hơn hàng gia công trôi nổi.

Nhiều ông chủ nhiệm hợp tác xã có tài ngoại giao đưa được nhiều sản phẩm của các vùng miền khác về, như nông lâm sản, hàng kế hoạch 3, thậm chí hàng loại 2... bà con cũng thích mê. Tết nhất HTX mua bán có mộc nhĩ, nấm hương, có miến dong sợi nhỏ dai, không pha bột sắn, lại có lá dong từ miền núi đánh về cả ô tô tuy là hơi xấu, hơi bé, nhưng giá cả rẻ hơn người xã bên bãi sang chợ làng này bán thì dân nào chẳng chọn đằng lá ấy, gói khéo là bánh vẫn đẹp, vuông thành sắc cạnh. Tết ai cũng muốn sắm, từ con dao của HTX tiêu thụ ở ngoài tỉnh bán ở đây cũng hơn đứt con dao ông thợ rèn hay đánh chấu liềm rèn ở đầu chợ làng…

Bà con mua được hàng phấn khởi ra mặt. Đi chợ bán đàn gà, bán con lợn hơi được tiền có khi chạy ra cửa hàng HTX mua bán trước khi chạy sang bách hóa, vì nghĩ đến cảnh xếp hàng chen chúc hay phải nói khó với mậu dịch viên bên ấy mà ngại.

Vào ngày tết thiếu nhi hay tết trung thu, bánh dẻo bánh nướng bên bách hóa cũng bày làm vì, vì xã nào cũng được nhận đủ phần về bán theo đội sản xuất của xã rồi chia về xóm, chia đến từng nhà cho các cháu. Mỗi cháu 2 miếng là 1/8 cái bánh, trẻ con sướng mê, còn người lớn hậm hực vì miếng bánh nhỏ như cái lưỡi mèo. Trong khi trẻ con nhà bách hóa cầm cả cái bánh ra ngõ ăn, khối người nhìn thấy.

Lại nói thêm về những cô bán hàng của HTX mua bán. Bán hàng là việc giao tiếp, nên phải tìm người có hình dáng ưa nhìn, nhanh nhảu, xởi lởi… Bán hàng HTX không vất vả, ngày mùa vẫn có thể khóa quầy tranh thủ đi gặt sớm và về mở cửa hàng muộn một chút cũng không sao, nhưng ngặt nỗi là quầy luôn có hàng, đêm không bỏ đấy được mà phải ngủ lại cửa hàng. Đành là có giường, có quạt, có vại nước phía sau quầy để tiện sinh hoạt nhưng người bán hàng này như gắn bó với cửa hàng hơn nhà mình cũng không mấy hay.

Thế rồi, bách hóa giải thể, lương thực bỏ sổ gạo, HTX mua bán thua xa các đại lý mở ra đáp ứng nhu cầu thị trường, có lẽ đây là biểu hiện sinh động dễ hiểu nhất của việc xóa bỏ bao cấp. HTX mua bán mất vai trò của mình, nhưng HTX tiểu thủ công nghiệp thì còn và họ tìm thị trường theo cách khác, không còn phụ thuộc Nhà nước, không còn cầu cứu cửa hàng HTX nữa. Các cô bán hàng lại về nhà mình, làm ruộng, chạy chợ, trông cháu…

Cửa hàng HTX mua bán xưa chỉ còn trong ký ức, vì ngôi nhà 3 gian với những quầy hàng mà cánh thợ nông cụ đóng theo mẫu quầy bách hóa tổng hợp huyện cũng đã xóa sổ. Cánh thợ làm đàn xã dưới nhiều người đã được phong nghệ nhân, mua được cây đàn của họ thật quý, họ đã già, làm cầm chừng, không phải đi ký gửi để bán nửa lậu, nửa trông chở người mua cảm tình với sản phẩm của mình như trước nửa. Nông cụ huyện giải tán cũng đã lâu...

Các làng nghề phát triển, xưởng chật đã phải bung ra khu giãn dân. Các ông chủ đời đầu sau khi mở ra kinh tế thị trường vẫn là rường cột của kinh tế gia đình, nhưng không mạnh bạo vay vốn làm ăn lớn như cánh trẻ có học sau này. Làng xã thay đổi từng ngày cho thấy dân dẫu có nghề, có tài nhưng phải có cơ chế người làm nghề, làng nghề, công ty, hội nhóm mới có cơ hội sống và phát triển.

Hợp tác xã mua bán với những bức tường vôi vàng ruộm, tróc lở dần theo năm tháng, những tấm cửa pano sơn xanh thẫm, viền xanh nhạt, cửa sổ có chấn song sắt, mùi ẩm mốc, mùi xà phòng hăng hắc và cánh các bà, các chị nói cười râm ran ở cái chõng, hay cái giường sau quầy đã vĩnh viễn không còn nữa.

Lại có cái bảng sơn đen bạc thếch để ở cửa với dòng chữ “Cửa hàng có”:

- Chiếu trơn

- Cày bừa nông cụ

- Thuốc đánh răng

- Kem giặt tổng hợp

- Giấy Bãi Bằng, vở học sinh...

Vài mặt hàng viết từ bao giờ không ai hỏi đến.

Đúng là một thời…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi nhớ một thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO