Quyền lợi khách hàng

Lê Anh Đức 08/04/2017 10:00

Khi Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đưa ra dự thảo khung giá vé máy bay để lấy ý kiến, thì lập tức 2 “ông lớn” là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) và Jetstar Pacific lớn tiếng đòi hỏi phải áp dụng mức giá sàn để các đối thủ khác không thể bán vé quá rẻ cho người dân. Dư luận cho rằng, nếu điều đó xảy ra sẽ triệt tiêu cạnh tranh của các hãng hàng không khác, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của hành khách.

Thời gian qua, tính cạnh tranh cao, hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Trong ảnh: Làm thủ tục lên máy bay.

Người ta nghi ngờ điều gì đều có lý do của nó. Khi ủng hộ đề xuất của Jetstar Pacific về việc áp giá sàn vé máy bay, Vietnam Airline cũng đã không úp mở mà nói thẳng ra rằng nếu áp giá sàn vé máy bay theo đề xuất của đơn vị này (1,54 triệu đồng) thì mỗi năm sẽ thu thêm khoảng 2.500 tỷ đồng.

Đương nhiên ai cũng hiểu 2.500 tỷ đồng này ở đâu ra, đó chính là tiền mà hành khách phải chi thêm nếu Bộ GTVT quyết theo yêu sách của Vietnam Airline.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Vietnam Airlines có ý kiến “tương đồng” với Jetstar Pacific về việc áp giá sàn cho các chuyến bay nội địa. Theo Vietnam Airline, cơ sở để tính giá sàn và giá trần dựa trên chi phí một chuyến bay bằng máy bay Airbus A 321 với đường bay có cự ly trên 1.280 km.

Cụ thể, giá trần là 4,2 triệu đồng/vé, giá sàn là 1,54 triệu đồng/vé. Và doanh nghiệp này đã “đếm cua trong lỗ” rằng, nếu tăng giá vé máy bay 5% so với hiện tại và áp dụng mức giá sàn 1,54 triệu đồng thì doanh thu sẽ tăng khoảng 2.500 tỷ đồng.

Người ta không lấy làm lạ khi mà “tư tưởng lớn” của 2 hãng hàng không Jetstar Pacific và Vietnam Airline gặp nhau tại một điểm là nghĩ cách thu của hành khách được càng nhiều càng tốt. Cũng dễ hiểu thôi khi mà Vietnam Airline hiện đang nắm giữ tới 70% vốn cổ phần tại Jetstar Pacific.

Như vậy đồng nghĩa với việc nếu Jetstar Pacific thua lỗ tức là đã phạm vào “thịt” của Vietnam Airline, làm sao có thể không đau cơ chứ. Đó là lý do mà 2 đơn vị này kẻ tung, người hứng, tiền hô, hậu ủng trong việc đề xuất tăng giá, áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa.

Để biện hộ cho việc đề xuất quy định giá sàn vé máy bay, Jetstar Pacific cho rằng làm như vậy nhằm tránh tình trạng do cạnh tranh nên các hãng hàng không liên tục giảm giá vé, có khi phải bán thấp hơn giá thành dẫn đến thua lỗ.

Chẳng cần nhắc lại thì ai cũng biết, dù quy định như thế nào thì từ ngày khai trương tới nay, Jetstar Pacific vẫn có truyền thống thua lỗ triền miên, để rồi liên tục phải nhập, tách, rồi lại nhập với Vietnam Airline. Hơn nữa, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng là một đơn vị kinh doanh, lẽ nào họ không biết tự bảo vệ mình để phải thua lỗ dài dài như Jetstar Pacific?

Trong những năm qua, Vietjet Air liên tục tung ra những đợt khuyến mãi với mức giá vé máy bay có khi chỉ còn 0 đồng, tạo cơ hội cho nhiều người dân nghèo được 1 lần bước chân lên máy bay.

Nếu thực sự bị thua lỗ vì thi thoảng bán vé máy bay giá rẻ cho người dân thì năm 2013, tại Paris Airshow, Vietjet Air đã không thể tiếp tục phát triển với động thái ký thoả thuận nguyên tắc với Hãng sản xuất máy bay Airbus đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê với thời gian nhận hàng đến 2022, tổng giá trị giao dịch theo biểu giá của nhà sản xuất khoảng 9,1 tỷ USD.

Đương nhiên ai cũng hiểu với mức giá 0 đồng, hay chỉ vài trăm nghìn đồng cho 1 vé máy bay là thấp hơn mức giá bình quân mà hãng hàng không phải chi ra đầu tư. Song, câu chuyện ở đây là đã kinh doanh thì phải có khuyến mãi để thu hút khách hàng. Có như thế thì khách hàng mới ngày một đông và doanh thu theo đó mới ngày một tăng lên.

Lẽ tất nhiên là tất cả mọi thứ khuyến mãi này nọ đều đã được tính toán và được bù đắp bằng những hình thức khác. Tỷ dụ với một vé máy bay 2 triệu đồng, thay vì được lãi 700.000 đồng, hãng hàng không sẽ trích ra khoảng 200.000 đồng để bù vào sự thiếu hụt ở những vé giá rẻ. Như vậy chẳng phải 7 vé là đã có thể “gỡ” lại rồi hay sao?

Các cụ ngày xưa chưa có lý thuyết kinh tế hiện đại, vậy mà vẫn luôn căn dặn con cháu rằng ăn ít thì no lâu. Còn trong kinh doanh, nếu ai biết lấy số lượng bán ra để bù cho lãi suất cao thì người đó sẽ thành công. Đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài, tham bát bỏ mâm để rồi cuối cùng bị cả cộng đồng quay lưng lại thì chỉ có nước sập tiệm.

Theo cái lý đó, thay vì tạo áp lực với cơ quan quản lý nhà nước theo kiểu “nếu anh không nghe thì tôi sẽ thua lỗ vốn của Nhà nước”, hãy tạo cho mình thói quen biết chấp nhận với sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển, bởi thương trường chính là chiến trường!

Lâu nay không ít doanh nghiệp trong nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước có thói quen ỷ lại sự ưu tiên, ưu đãi nên sức cạnh tranh rất yếu. Chẳng thế mà trong những năm qua, có khá nhiều doanh nghiệp khi bị “cắt bầu sữa mẹ” đã không thể tự bơi trong nền kinh tế thị trường dẫn đến thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Đó là còn chưa kể khi đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí chỉ là liên doanh thôi cũng đã không thể đứng vững, chứ chưa nói đến cạnh tranh về giá thành, về chất lượng sản phẩm dẫn đến nguy cơ phá sản.

Chủ trương đổi mới, tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chính là một động thái giúp các doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân của mình, tránh sự dựa dẫm, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Mong rằng các doanh nghiệp không những có thể tự đứng vững, mà còn tự tin trước các đối thủ mạnh trên trường quốc tế.

Muốn vậy không có gì khác hơn là phải tự đi bằng đôi chân của mình, quan trọng là phải biết thị trường người tiêu dùng cần gì, muốn gì để dáp ứng, chứ đừng mượn cơ quan quản lý nhà nước để “đè” doanh nghiệp khác và xâm hại quyền lợi chính đáng của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền lợi khách hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO