Lành mạnh môi trường thương mại điện tử

Thanh Giang 14/09/2018 21:58

Ngày 14/9, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 52 về thương mại điện tử.

Theo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, những năm qua cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng tăng dần đều trên 20%/năm. Năm 2013 doanh thu đạt 2,2 tỷ USD nhưng đến năm 2017 doanh thu đã đạt 6,2 tỷ USD. Các mặt hàng được mua sắm trực tuyến phổ biến nhất hiện nay là quần áo, giày dép, mỹ phẩm chiếm 59% còn lại là là đồ công nghệ, điện tử; đồ dùng gia đình…

Mặc dù TMĐT phát triển khá nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số, tuy nhiên TMĐT vẫn tồn tại những bất cập. Bà Lê Thị Hà- Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định, tranh chấp TMĐT có xu hướng gia tăng về cả quy mô và mức độ. Sau một cuộc khảo sát, 59% doanh ngiệp (DN) cho biết, từng có tranh chấp với đối tác về hợp đồng. Những tranh chấp này liên quan đến việc giao hàng chậm với thời điểm cam kết (chiếm tỷ lệ 60%), hàng hóa dịch vụ không đúng với hợp đồng (33,3%), khách hàng không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận (33,3%). Đặc biệt, lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, sản phẩm cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. Thực tế cho thấy, rất nhiều khách hàng mua sản phẩm qua mạng từng phàn nàn về tình trạng giao hàng không đúng với mẫu mã, màu sắc và chất lượng quảng cáo, không rõ xuất xứ. Kết quả, khách hàng phải tìm đến cơ quan quản lý cần can thiệp, thế nhưng tỷ lệ này không cao. Hầu hết khi gặp sự cố trong giao dịch TMĐT, hầu hết người tiêu dùng đều im lặng cho qua.

Thực tế cho thấy, nhiều DN và cá nhân đang thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các sàn TMĐT mà đơn vị quản lý sàn không có sự hiện diện tại Việt Nam. Khi phát sinh vấn đề trong quá trình giao dịch việc liên hệ với chỉ thể cung cấp dịch vụ gặp nhiều khó khăn vì khoảng cách địa lý và độ trễ thời gian. Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển thì đây là thách thức lớn với cơ quan quản lý.

Thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm liên quan đền hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng. Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính năm 2015 là 3,5 tỷ đồng; năm 2016 là 4,5 tỷ đồng; năm 2017 gần 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội xử lý 71 trường hợp với tổng mức phạt vi phạm hành chính là gần 1,4 tỷ đồng. Với TPHCM, thanh tra Sở Công thương xử lý trên 20 trường hợp với tổng mức phạt trên 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo nhận định chung thì đó vẫn là những con số “rất khiêm tốn”.

Mong muốn TMĐT phát triển lành mạnh, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch công nghệ số tăng lên, một số ý kiến cho rằng nên mở ra một kênh giải quyết khiếu nại dành cho TMĐT. Đại diện sàn giao dịch TMĐT Fado kiến nghị, Bộ Công thương nên là trọng tài để giải quyết những khiếu nại, tranh chấp thương mại số.

Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, thời gian qua TMĐT phát triển nhanh song còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Cục TMĐT và Kinh tế số đang đề xuất lành mạnh hóa TMĐT bằng cách sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định khung mang tinh cơ bản về TMĐT vào luật như: khái niệm hoạt động TMĐT, nguyên tắc hoạt động, các hành vi cấm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể,… Xây dựng nghị định mới thay Nghị định số 52 để khắc phục các vướng mắc, bất cập. Hoàn thiện các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

* Số liệu thống kê từ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho thấy, đến năm 2017, số lượng website TMĐT bán hàng được xác nhận thông báo là 18.783 website, tăng 29 lần so với năm 2013; trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký năm 2017 là 914 website, tăng 5,8 lần so với năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lành mạnh môi trường thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO