Sản xuất hành lá VietGAP ở Thừa Thiên - Huế: Thu nhập cao hơn so với trồng lúa

T.Vy - Đ.Ngọc 01/09/2017 14:10

Sau hơn 7 năm sản xuất hành hàng hóa, đến nay, mô hình trồng hành ở phường Hương An, thị xã Hương Trà đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét, giúp nhiều hộ nông dân ở tỉnh thoát nghèo và làm giàu.


Sản xuất hành lá cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nông dân trồng hành Hương An đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu hành lá của vùng. Phường Hương An, thị xã Hương Trà đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất hành lá, với hơn 500 hộ dân tham gia trồng 60 ha. Đến đầu tháng 8-2017, địa phương này đã xây dựng được mô hình sản xuất hành lá theo VietGAP trên 16,5 ha với gần 100 hộ tham gia.

Theo các hộ dân, sản xuất hành lá theo VietGAP cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 4 – 5 lần. Mỗi ngày, toàn phường Hương An xuất 12 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… sang cả nước bạn Lào. Đến thời điểm thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ.

“Gia đình tôi hiện có 3 sào hành. Trồng hành không vất vả như trồng lúa mà hiệu quả kinh tế cao gấp 6 lần. Nhiều hộ trong phường cũng đang chuyển sang trồng hành nhằm tăng thu nhập”, bà Trần Thị Vui, một hộ dân trồng hành cho biết. Bà Trần Thị Vui cho biết, trồng hành lá không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng lại ngắn, chỉ sau trồng 40-45 ngày là cho thu hoạch, nên mỗi năm gia đình bà sản xuất được đến 4 vụ.

Mỗi sào đạt sản lượng bình quân khoảng 4 tấn/năm. Hành lá bán tại ruộng có giá bình quân 10.000 đồng/kg. Với 3 sào hành, mỗi năm sản lượng đạt khoảng 12 tấn, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 80 triệu đồng, so với trồng lúa lãi gấp 5 lần.

Hành lá được xác định là một trong những cây trồng chủ lực ở Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, tỉnh có khoảng 400 ha hành lá. Hành lá sản xuất theo VietGAP được các siêu thị ký hợp đồng thu mua. Bên cạnh đó, hành lá còn được xuất bán ra các tỉnh, thành khác như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sang cả nước bạn Lào.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế, sản xuất hành lá thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, do có thể trồng quanh năm, thích hợp trên nhiều loại đất, giá bán và đầu ra ổn định. Đây là một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven đô thị, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do phát triển đô thị và công nghiệp, dịch vụ.

Để nghề trồng hành lá phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đã và đang xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hành lá theo VietGAP, tập trung ở các phường: Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân… thuộc thị xã Hương Trà; vùng ven thành phố Huế; vùng trồng rau màu ở các huyện: Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông. Các hộ thực hiện các quy trình trồng hành lá theo VietGAP, được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ tập huấn về sử nguồn nước tưới, bảo quản hành sau thu hoạch.

Quy trình trồng mới này được Sở Khoa học Công nghệ, Chi cục Bảo vệ an toàn thực phẩm giám sát ngay từ khâu làm đất, nguồn nước, đến việc sử dụng phân bón nhằm đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. “Nâng cao chất lượng cây hành là bước quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng thương hiệu cho hành lá Hương An. Nếu sản xuất không đạt chuẩn VietGap, thì chúng tôi sẽ kiên quyết tiêu hủy. Khi xây dựng thành công thương hiệu cho hành lá Hương An, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”, ông Phan Lộc, Giám đốc HTX nông nghiệp Hương An cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất hành lá VietGAP ở Thừa Thiên - Huế: Thu nhập cao hơn so với trồng lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO