Sự cam kết mạnh mẽ

Lục Bình 21/05/2017 08:35

Tuần qua, cộng đồng doanh nghiệp đã ấm lòng trước sự quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “biến lời nói thành hành động”, ngay sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 17/5, chiều cùng ngày Thủ tướng đã đặt bút ký Chỉ thị số20/CT-TTg chấn chỉnh nạn thanh kiểm tra chồng chéo gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ
với doanh nghiệp năm 2017. (Ảnh: Quang Hiếu).

“Đây là Chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ, điều chưa từng có trước đây. Bây giờ là 1 giờ 19 phút chiều, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng”- Thủ tướng công bố trước cộng đồng doanh nghiệp. Nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã đặt bút ký Chỉ thị 20 với tuyên bố mạnh mẽ, gỡ khó, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nói rõ về Chỉ thị 20, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm chỉ được thanh, kiểm tra hoặc kiểm toán 1 lần. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra theo kế hoạch. Như vậy, cơ quan Công an có thẩm quyền liên quan đến kiểm tra phòng chống cháy nổ; Sở TN&MT liên quan đến thanh tra về môi trường; Cục Thuế liên quan đến thanh tra thuế; Sở Xây dựng liên quan đến thanh tra về xây dựng... Như vậy, Thanh tra tỉnh, thành phố là đầu mối chủ trì tiếp nhận toàn bộ đề xuất về thanh tra của các Sở, ngành, qua đó xây dựng kế hoạch để trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thanh tra. Chỉ khi có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, mới được thanh tra, chứ không phải cứ vào thanh tra nhưng cuối cùng không phát hiện dấu hiệu”.

Để chặn vấn nạn cố tình “hành” doanh nghiệp thông qua các cuộc kiểm tra, Chỉ thị nêu rõ: Khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, yêu cầu báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố giải quyết, nếu để doanh nghiệp kiến nghị lên cấp cao hơn, người đứng đầu các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, đây là Chỉ thị được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận bởi suốt nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp vẫn bị “vấn nạn” thanh, kiểm tra “hành hạ”. Tổng hợp về những bức xúc của doanh nghiệp liên quan đến thực trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, VCCI cho biết, tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo đã trở thành “vấn nạn”, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Bởi có doanh nghiệp một năm phải chịu 6-7 cuộc kiểm tra trùng lắp, thậm chí có doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra tới 11-12 lần/năm. Việc bị thanh, kiểm tra nhiều không chỉ gây tốn kém tiền của cho các doanh nghiệp mà còn tạo những tác động xấu về thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp cho dù chưa biết kết quả thanh tra ra sao.

Luật đã ghi rõ, quá trình thanh kiểm tra nhằm kiểm tra, giám sát, nhắc nhở doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp hoạt động đúng luật nhưng thực tế cho thấy, có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra nhưng chủ yếu để nhằm bắt lỗi doanh nghiệp chứ không phải để hướng dẫn, thậm chí khi không bắt được lỗi thì quay ra… xin tài trợ. Doanh nghiệp nhỏ nhỏ, vừa vừa thì một quý 3, 4 lần kiểm tra, nay thuế, mai hải quan, ngày kia là phòng cháy, chữa cháy. Suốt ngày phục vụ công tác kiểm tra thì lấy đâu thời gian để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nói về những nỗi trần ai mà doanh nghiệp chịu đựng liên quan đến các cuộc thanh tra, bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhấn mạnh, phải chấm dứt tình trạng người ta làm tốt, thanh tra thuế mấy ngày liền không phát hiện ra sai phạm, nhưng cán bộ lại “buồn” vì không truy thu được đồng nào. “Tôi nói thực là doanh nghiệp không biết làm như thế nào. Họ phải cố tình để dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan thuế vào kiểm tra có tiền mà thu. Chứ không cơ quan thuế vào kiểm tra mà làm tốt cả, đội kiểm tra không có tiền đưa về có khi lại bị đánh giá là làm không tốt. Chả nhẽ đi mấy ngày mà bây giờ đi về không có số thu nào báo cáo với lãnh đạo?”- bà Cúc thẳng thắn chia sẻ về thực trạng mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Bà Cúc đưa ra thông tin, tình trạng thanh tra, kiểm tra quá nhiều còn có thể là nguồn cơn gây ra những cuộc khủng hoảng làm doanh nghiệp khốn đốn. Cách đây hơn 1 năm, việc Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm xúc xích mang nhãn hiệu Viet Foods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ pháp luật đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến cơ sở sản xuất này. Vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng những thiệt hại về sản xuất, kinh doanh, thương hiệu của Viet foods là khó có thể đong đếm được!

Đón nhận Chỉ thị 20 của Thủ tướng ngay sau khi được công bố, bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Đà Lạt cho rằng: Chỉ thị 20 cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng là sự đồng hành và trách nhiệm của Chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Huệ, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại vấn nạn kiểm tra hành doanh nghiệp sẽ khó dứt nếu chế tài xử lý chưa nghiêm.

Doanh nghiệp lo lắng, vấn nạn thanh kiểm tra chưa dứt là có cơ sở. Bởi lẽ, cách đây 19 năm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, với quy định: “Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường)”. Thế nhưng, bất chấp các quy định pháp luật, thực tế cho thấy, ngày ngày doanh nghiệp vẫn bị “hành” họ đành “ngửa mặt kêu trời” vì vẫn bị thanh, kiểm tra với tần suất quá nhiều.

Vì thế, Chỉ thị 20 ra đời là một chỉ dấu tốt cho doanh nghiệp. Các quy định của Chỉ thị sẽ khắc phục tình trạng nhiều cấp, ngành, đơn vị tùy tiện cho mình quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thấy được tôn trọng hơn, để yên tâm sản xuất kinh doanh thay vì luôn canh cánh nỗi lo đối phó với “cơn bão” thanh, kiểm tra bất cứ lúc nào. Tất nhiên, khi giảm được gánh nặng chi phí do các đoàn thanh, kiểm tra “thăm viếng”, doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm giá thành, đầu tư trang thiết bị, máy móc, tập trung thời gian cho sản xuất kinh doanh, thêm sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó chăm lo cải thiện đời sống người lao động. Trong nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản với kinh tế tư nhân, mở cửa cho các doanh nghiệp phát triển, việc hạn chế thanh, kiểm tra sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, ngăn chặn lợi ích nhóm và cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh.

Có thể nói, với những quan điểm rất rõ ràng, Chỉ thị 20 không chỉ gỡ khó và tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp chân chính, mà còn “buộc” được trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Những quy định cụ thể của Chỉ thị 20 đòi hỏi các quan chức địa phương và các bộ ngành không thể đứng ngoài cuộc, mà phải tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, chấn chỉnh các cơ quan chức năng liên quan thuộc quyền quản lý thực hiện đúng quy định của pháp luật và đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp.

Sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những động thái tích cực để giảm sự nhũng nhiễu, phiền hà đang đè nặng doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tự tin, dấn thân vào thương trường trong công cuộc vươn ra biển lớn.

Đón nhận Chỉ thị 20 của Thủ tướng ngay sau khi được công bố, bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Đà Lạt cho rằng: Chỉ thị 20 cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng là sự đồng hành và trách nhiệm của Chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Bởi, khi có nhiều đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian tiếp đón rồi còn mất nhiều thời gian để cung cấp hồ sơ, báo cáo, giải trình... Do đó, mất đi sự tập trung cho sản xuất kinh doanh của đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Huệ, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại vấn nạn kiểm tra hành doanh nghiệp sẽ khó dứt nếu chế tài xử lý chưa nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự cam kết mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO