Tảo hôn và những câu chuyện buồn

Tùng Lâm 02/10/2015 14:50

Huyện Krông Bông (Đắk Lắk) có nhiều đồng bào Mông di cư, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm. Mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động song tình trạng tảo hôn lứa tuổi vị thành niên vẫn diễn ra. 

Tảo hôn và những câu chuyện buồn

Dương Thị Đơ ở Ea Rớt (xã Cư Pui) rất trẻ đã có hai con

Sùng Mỹ Hòa ở thôn Cư Dhắt (xã Cư Drăm) lấy vợ khi 13 tuổi. Ngoài 20 tuổi Hòa đã có 6 đứa con. Ra ở riêng được 8 năm nhưng do sức khỏe yếu nên bố mẹ vẫn phải thường xuyên chu cấp lương thực cho cả gia đình. Những đứa con của vợ chồng Hòa đứa nào trông cũng còi cọc, suốt ngày tha thẩn tự chơi với nhau.

Tảo hôn và những câu chuyện buồn - 1

Sinh hoạt tạm bợ ở những hộ đông con

Hoàn cảnh của Sùng Thị Ché ở thôn Ea Luêh (xã Cư Drăm) cũng vô cùng éo le. Ché lấy chồng lúc 16 tuổi, 3 đứa con lần lượt ra đời. Do vào định cư sau, lại không có tiền mua đất sản xuất nên chồng phải đi làm thuê để có bữa cơm, bữa cháo. Căn nhà tranh dột nát không có tiền để sửa. Mỗi khi mưa xuống phải lấy bạt giăng ra để mẹ con trú ngụ. Ché tâm sự: “Chồng đi làm thuê. Khi ở nhà thì thường rượu chè say sưa. Mình phải giữ con nên không có thời gian đi làm. Cứ như này không biết đến bao giờ mới có được ngôi nhà chắc chắn để ở. Con gái lớn đã đến tuổi ra lớp nhưng không có điều kiện đưa cháu đi học”.
Cư Pui là xã có nhiều người tảo hôn. Nhiều nhất là các thôn Ea Uôl, Cư Tê, Ea Rớt. Giàng Thị Dợ (thôn Cư Tê) mới 23 tuổi nhưng đã có 5 đứa con. 3 đứa bị suy dinh dưỡng trong đó có 1 đứa bị suy dinh dưỡng độ 3. Căn nhà tranh dựng tạm trên mảnh đất mượn đã dột nát nhưng không có tiền sửa lại. Thức ăn hàng ngày chủ yếu là rau. Dợ hầu như không có thời gian đi làm vì đứa này chưa đầy năm thì đứa khác lại sắp ra đời. Một mình người chồng lăn lộn vất vả nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn bấp bênh, bữa đói bữa no.

Không khỏi xót xa khi bước chân vào gia đình vợ chồng Dương Văn Dế và Sính Thị Giàng, ở thôn Ea Uôl (xã Cư Pui). Bé Dương Thị Cao Sua sinh năm 2008, là con thứ 3 của vợ chồng Dế bị buộc sợi dây vào chân và cột vào xà nhà vì em bị thiểu năng trí tuệ. Lấy chồng từ lúc 14 tuổi, đến nay Sính Thị Giàng chưa đầy 30 tuổi nhưng đã có 6 đứa con và đang mang thai đứa thứ 7 được hơn 8 tháng. Căn nhà 167 của anh trai nhượng lại đã xuống cấp nhưng không có tiền để sửa nên mọi sinh hoạt lại chuyển xuống căn nhà tranh tạm bợ.

Câu chuyện của Dế nghe mà cứ ngỡ như cách đây nhiều năm trước khi anh bảo: “Mình biết đẻ nhiều sẽ vất vả vì bố mẹ mình cũng có 10 anh chị em. Hoàn cảnh ai cũng khổ. Nhưng mình kế hoạch mãi mà không được. Mỗi đứa con ra đời hoàn cảnh gia đình mình lại thêm khó khăn, ốm đau cũng không có tiền chữa trị. Cũng vì không có điều kiện để chạy chữa và chăm sóc nên mặc dù rất đau xót nhưng gia đình vẫn phải cột cháu Xua lại vì thả ra sợ cháu đi lang thang”…

Thực tế những câu chuyện tảo hôn đã và đang làm đau đầu chính quyền địa phương. Về vấn đề này, ngoài nguyên nhân hạn chế về nhận thức, tập tục lạc hậu của một bộ phận người dân thì một phần cũng do công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ dân số cơ sở còn yếu. Chị Sùng Thị Kiều, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cư Dhăt (xã Cư Drăm) cho biết: “Việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Những gia đình này ít tham gia sinh hoạt ở thôn. Cán bộ dân số lại ít vào nhà để tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn”.

Đa số những trường hợp tảo hôn, đông con đều là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định; trẻ em sinh ra thường bị suy dinh dưỡng, có nguy cơ thất học... Thiết nghĩ, các địa phương cần có những giải pháp phù hợp để sớm ngăn chặn vấn nạn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tảo hôn và những câu chuyện buồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO