Thách thức đối với đô thị đặc biệt

Thành Luân 18/02/2019 08:00

Để giải quyết nạn kẹt xe “kinh niên”, TP HCM bổ sung nguồn kinh phí thực hiện các dự án giao thông lên đến hơn 96.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm (2018 – 2020). Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định quá trình này phải thực hiện đồng bộ với phương án mở rộng ranh giới thành phố ít nhất thêm 600 km2 nữa…

Thách thức đối với đô thị đặc biệt

Ùn tắc giao thông tại TP HCM vẫn rất nghiêm trọng.

Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông của TP HCM bước vào năm thứ hai thực hiện, với quyết tâm tạo được bộ mặt xứng tầm của một đô thị đặc biệt. Trong nhiều năm qua, TP HCM luôn phải đối mặt với nhiều thách thức về hạ tầng, trong đó đáng chú ý là các áp lực về giao thông và ngập úng đô thị. Giải quyết hai vấn đề này không phải chuyện một sớm một chiều khi không gian đô thị TP HCM đang “cạn” dần quỹ đất, nhất là những vấn đề bất hợp lý về quy hoạch hạ tầng. Vấn đề là phải tìm được sự gắn kết giữa thành phố với các tỉnh, thành lân cận, gắn với chiến lược kinh tế vùng. Chính vì vậy, chính quyền TP HCM có xu hướng phát triển hai hướng trọng tâm là hướng Đông và hướng Nam.

Có nhà nghiên cứu đã đưa ra phương án mở rộng ranh giới thành phố ra thêm 600 km2, với hai hướng trọng tâm nêu trên. Đây không phải là giải pháp mới mẻ, mà đã được đặt ra từ nhiều năm khi các hội thảo khoa học chuyên đề đều khuyên TP HCM mở về hướng Nam, trong đó đặt ra khả năng sát nhập các huyện Cần Giuộc và Cần Đước của tỉnh Long An. Phương án này được kỳ vọng nhiều, bởi TP HCM có thể tận dụng được nguồn tài nguyên trù phú từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lâu nay vốn đều coi đô thị TP HCM như thị trường tiêu thụ chính.

Ông Bùi Xuân Cường, nguyên Giám đốc Sở GTVT TP HCM từng lo ngại, việc diện tích hạ tầng dành cho phương tiện công cộng ở thành phố mới chỉ bao phủ được hơn 67%, nhưng dân số lại không ngừng gia tăng gây ra các thách thức về giao thông. Đó là việc nhu cầu đi lại sẽ gia tăng, cùng với khoảng cách di chuyển cũng ngày càng tăng hơn trước. Do đó, ông Cường ủng hộ việc phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông đi trước, cùng với việc làm tốt quy hoạch đô thị, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch gắn với các không gian đô thị.

Một trong những bất cập của TP HCM hiện nay là xu hướng phát triển tập trung quá lớn vào vùng lõi, gồm các Q.1, Q.3, Q.5, Q.10. Điều này hút theo lực lượng lao động, xen kẽ dân cư chen chúc, chính là tác nhân lớn gây ra nạn kẹt xe kinh niên tại khu vực này. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM từng cảnh báo, xu hướng xây dựng đô thị “nén” như vậy rất dễ dẫn đến những bế tắc khó sửa chữa, nếu không muốn nói là sai lầm nghiêm trọng về quy hoạch.

Ông Trực góp ý, TP HCM cần phát triển không gian đô thị đa trung tâm, vừa đảm bảo cho dân cư tại chỗ, lực lượng lao động từ các tỉnh về làm việc, học tập, sinh sống, hưởng thụ tại chỗ, mà không cần phải di chuyển quá đông về khu vực vùng lõi trung tâm của thành phố như hiện nay.

Thực ra, giải pháp đa trung tâm đã được các lãnh đạo TP HCM nhiệm kỳ trước đặt ra như bài toán cần thiết để giảm ngập nước, kẹt xe. Tuy nhiên, kể cả việc đã đề xướng xây dựng các đô thị vệ tinh Đông, Tây, Nam, Bắc đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải nào khả dĩ. Việc vận dụng kinh nghiệm phát triển của các đô thị trên thế giới dường như đang phản chiếu sự tương phản về kết quả trên thực tế. Trong khi, tỷ lệ nhà riêng lẻ vẫn cao và tỷ lệ nhà chung cư vẫn còn thấp thì nhiều quận có xu hướng phát triển “lệch pha” khi các dự án cao tầng phát triển rất “nóng”. Chẳng hạn tại Q.Bình Thạnh và Q.2, số lượng các chung cư, cao ốc cao tầng mọc lên trong 5 năm gần đây đã tăng gấp 10 – 15 lần so với giai đoạn trước đó.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong quy hoạch tổng thể TP HCM từng có đặt ra quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh. Thành phố cũng xem xét quy hoạch gắn với liên kết vùng. Và, từ năm 1998 đến nay thành phố đã phát triển thêm ra các hướng Nam, Đông Nam; Tây Bắc và hướng Tây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng thận trọng khi nhìn nhận đây là thách thức khó khăn với thành phố do vùng phía Nam là đất thấp, cho nên việc xây dựng ở hướng này phải đảm bảo mật độ vừa phải, trong đó giữ cho được vùng đất trũng, như vùng sinh quyển Cần Giờ. Ở hướng Đông, TP HCM đang tập trung tạo dựng khu đô thị sáng tạo vì nhìn nhận cơ sở hạ tầng về công nghiệp công nghệ cao đang có sẵn, và là nơi tập trung cao nhất về trí tuệ sáng tạo.

Song song với phương án phát triển giao thông đi trước, các lãnh đạo đương nhiệm cũng đặt ra nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện so với trước để phù hợp với trình độ vận hành đô thị ngày càng lớn hơn. Bên cạnh đó, quy hoạch không gian đô thị TP HCM gắn kết chặt chẽ với không gian vùng kinh tế phía Nam; gắn kết giữa không gian quy hoạch kiến trúc với không gian kiến trúc của vùng là những yêu cầu tất yếu hiện nay.

Hơn bao giờ hết, TP HCM nhận thức được khuynh hướng phát triển không thể đứng một mình mà phải đặt trong mối liên kết vùng. Phải có các vùng đô thị vệ tinh để thu hút lao động đến đó, kéo giảm sự gia tăng dân số tại vùng trung tâm. Do đó, năm 2019 được kỳ vọng sẽ là năm đầu TP HCM tập trung sự khai thác lợi thế nguồn lực nội tại, với sự vận dụng sáng tạo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với vai trò đầu tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức đối với đô thị đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO