BHXH tự nguyện 'lưới đỡ' an sinh xã hội

Ngọc Ánh (Còn nữa) 14/09/2016 09:10

Được ví như là “cầu thang có tay vịn” cho nông dân, lao động phi chính thức khi về già, thế nhưng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vẫn là cụm từ khá mới mẻ với người dân. Đối tượng đã mở rộng hơn, phương thức đóng cũng đã được linh hoạt đặc biệt người nghèo, hộ cận nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ...Hàng loạt chính sách hỗ trợ ra đời, song xem ra cánh cửa BHXH tự nguyện vẫn còn khá chông chênh.

Theo thống kê của ngành lao động, hiện cả nước mới có 12,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 193.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, tỷ lệ giảm nghèo vẫn chưa bền vững, có nơi tỷ lệ nghèo vẫn lên tới trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60-70 %. Đứng trước thách thức này, việc mở rộng chính sách BHXH để thu hút người lao động tham gia là rất cần thiết.

BHXH tự nguyện là chỗ dựa cho tuổi già, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Giảm nghèo chưa bền vững

Đảng và Nhà nước luôn coi công tác xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia trong mọi thời kỳ. Công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam được thực hiện bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, tăng cường đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ toàn diện về sản xuất và đời sống của người nghèo, nhất là với người nghèo ở những vùng nghèo nhất, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành hơn 70 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo, trong đó có 02 Nghị quyết lớn của Chính phủ là Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/1/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Bên cạnh đó, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo sự liên kết trong các chính sách nhằm tăng cường năng lực cho người nghèo, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Kết quả là, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong giảm nghèo và bảo đảm An sinh xã hội. Xóa hoàn toàn tình trạng đói từ năm 2000 và chuyển trọng tâm sang thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trung bình 1,8 - 2%/năm...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở nước ta hiện nay cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, từ trên 50% năm 2011 xuống còn khoảng 28% cuối năm 2015 ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi hiện tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có huyện còn trên 60-70 %. Các lưới an sinh cho người nghèo còn bị động, chưa thực sự vững chắc.

Trong khi đó, đáng lo ngại hiện cả nước mới có 12,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 193.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Việc này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu người dân khi về già không có lương hưu và như thế gánh nặng cho ngân sách nhà nước rất lớn trong việc đảm bảo lưới an sinh xã hội bền vững.

BHXH tự nguyện “lưới đỡ” an sinh xã hội

Trong các chính sách An sinh xã hội đối với người nghèo, tham gia BHXH tự nguyện có thể được coi là chính sách an sinh chủ động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động được Quỹ BHXH chi trả lương hưu, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống. BHXH tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được Nhà nước bảo trợ, đồng thời chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Hiện thực những quan điểm đó, Điều 87 của Luật BHXH (năm 2014) quy định: Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện cũng khẳng định: Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể: a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Với mức hỗ trợ 25-30% mức đóng BHXH theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là cơ hội lớn để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó đến năm 2018 (năm bắt đầu thực hiện hỗ trợ) thu hút khoảng hơn 11.000 người nghèo, cận nghèo tham gia và đến năm 2025 có khoảng hơn 80.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    BHXH tự nguyện 'lưới đỡ' an sinh xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO