Tiếp tục đổi mới, tăng động lực phát triển

Nguyên Khánh 06/09/2019 07:00

Cần đổi mới lần hai để tạo động lực phát triển mới- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 với yêu cầu cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới. Như vậy, công cuộc cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ khó về thể chế kinh tế cần tiếp tục đẩy mạnh bằng những hành động cụ thể.

Tiếp tục đổi mới, tăng động lực phát triển

Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp phát triển.

“Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng “đổi mới 1” đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua, nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có “đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vào chiều 4/9.

Có thể nói, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 20 năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó; giai đoạn 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm.

Tuy nhiên, trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại đạt 5,9%/năm, dù đây vẫn là mức cao của khu vực và thế giới nhưng rõ ràng nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại rất cần công cuộc đẩy mạnh cải cách thế chế kinh tế bằng các hành động cắt giảm các thủ tục hành chính, gỡ khó cho DN, tạo môi trường thông thoáng, là động lực cho sự phát triển.

Trước đòi hỏi từ thực tiễn, những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, đưa ra các phương án cắt giảm các thủ tục hành chính được cho là rào cản hạn chế sự phát triển cho từng bộ ngành, địa phương. Nhờ đó bức tranh kinh tế đã tăng thêm gam mầu sáng.

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, nhiều rủi ro bất ổn chưa lường hết được, kinh tế Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2019 vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực. Các chỉ tiêu đã đạt được ở mức độ tương đối cao, điều đó chứng tỏ rằng những cải cách ở trong nước trong thời gian qua đã có tác động tích cực, huy động được nguồn lực để bù đắp cho những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Dù vậy, câu chuyện gỡ rào cản thủ tục cần được đẩy mạnh bằng những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Bởi Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách, nhưng một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho thấy, hàng năm, Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật, gồm cả sửa đổi, bổ sung; Chính phủ ban hành trung bình khoảng hơn 100 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 100 quyết định; nhưng các bộ ban hành từ 600 đến 700 thông tư, quyết định của bộ trưởng. Ngoài ra, còn có văn bản của ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn văn bản điều hành. Chỉ tính riêng các văn bản điều hành được công bố trên Trang tin điện tử Chính phủ, mỗi năm trung bình có khoảng 3.500 đến 4.000 văn bản điều hành.

Trong số 4.000 văn bản được ban hành kia chắc hẳn có không ít những điều kiện gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại hàng nghìn quy định về điều kiện không cần thiết, không phù hợp và bất hợp lý đang làm cho việc kinh doanh trong các ngành, nghề tương ứng trở nên méo mó, kém linh hoạt; gây cản trở đối với tự do kinh doanh và gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh.

Để giữ được đà tăng trưởng như mục tiêu đặt ra đòi hỏi nỗ lực cải cách cực kỳ quan trọng. TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào cải cách, đặc biệt là cải cách về môi trường kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tháo bỏ rào cản để huy động thêm vốn, giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Cải cách cần tiếp tục tập trung vào hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp và người dân Việt Nam, để DN Việt Nam an tâm đầu tư dài hạn và nhiều hơn vào công nghệ, quản lý để vươn ra toàn cầu.

“Phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách thể chế để nâng đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Chỉ khi nào kinh tế tư nhân phát triển và tham gia vào quá trình này thì lợi ích của Việt Nam sẽ nhiều hơn”- TS Cung nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia, trong lần đổi mới này, Nhà nước cần tập trung tâm trí và sức lực xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật. một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo đúng chuẩn mực quốc tế để động viên được sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục đổi mới, tăng động lực phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO