Cho đi là còn mãi

Đức Trân 28/11/2019 09:22

Có những người trước khi ra đi mãi mãi vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách hiến một bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của họ, dù nỗi nhớ thương da diết, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào nhất với họ là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng những bộ phận được cấy ghép.

Cho đi là còn mãi

Người lính hiến tạng cứu 6 người

Thiếu tá Lê Hải Ninh là cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1, người trai Yên Mô, Ninh Bình đang ở tuổi 45 bỗng nhiên bị đột quỵ. Anh được tuyến trước chuyển tới bệnh viện ngày 23/2 trong tình trạng não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não, sau hội chẩn đã được hội đồng chuyên môn kết luận bị chết não.

Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, chị Tạ Thị Kiều và gia đình đã bàn bạc và thống nhất tình nguyện hiến tạng của anh để những người bệnh khác có cơ hội được nhìn thấy, được thở và để trái tim anh vẫn còn tiếp tục được đập trên cuộc đời này. Chị Kiều chia sẻ: “Cho đi là còn mãi và nếu thật sự mà ghép được cho ai đó thì đâu đó anh vẫn còn trên thế giới này để được thấy sự trưởng thành của các con”.

Tim, phổi, hai thận, hai giác mạc của người con Yên Mô đã được gia đình hiến để ghép cho 6 người trong ca ghép tạng xuyên Việt vào cuối tháng 2/1018. Giờ đây, quả thận của thiếu tá Lê Hải Ninh, vẫn đang hiện hữu trên cơ thể đồng đội của mình: Trung tá N.M.T. được ghép tạng vào 2/2018 do bị suy thận mãn. Hiện tại sức khoẻ anh T. ổn định, đảm nhiệm công việc hàng ngày tốt, tuy vẫn phải duy trì nghiêm túc việc điều trị thuốc và chế độ ăn uống luyện tập nghỉ ngơi theo chỉ lệnh của chuyên môn để duy trì cho tạng ghép hoà nhập và hoạt động tốt.

“Tôi thấy chết mang thiêu thì phí lắm, nên thân thể còn gì thì tặng hết”

Cũng trong năm 2018, người dân ở khắp nơi trong cả nước đều không khỏi xúc động và cảm phục về câu chuyện của bé Nguyễn Hải An (8 tuổi) ở TP Hà Nội đã hiến tặng giác mạc của mình do không thể qua khỏi căn bệnh ung thư để giúp người khác có cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Bé Hải An phát hiện mắc ung thư thần kinh hồi tháng 9/2017, gia đình và bệnh viện nỗ lực điều trị cho bé nhưng đến ngày 22/2/2018 đã qua đời. Trước khi bé qua đời, cả gia đình và bé đều có nguyện vọng hiến tặng mô tạng. Chiều tối cùng ngày, cán bộ Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã đến tận nhà bé để nhận giác mạc và chứng kiến những lời yêu thương của mẹ bé dành cho con gái: "Con hãy tặng ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé". Kết thúc quá trình nhận giác mạc, người mẹ ngắm con gái một lần nữa và âu yếm nói: "Mẹ tự hào về con!".

Trong lễ tang bé Hải An, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bày tỏ sự xúc động khi biết bé đã trò chuyện về việc hiến mô tạng cùng mẹ khi con đang vật lộn với đau đớn trên giường bệnh, đồng thời nói lời tri ân tới bé và gia đình: "Con đã làm được một điều khó tin nhưng là sự thật... Món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời! Đôi giác mạc của con nay mai sẽ giúp được 2 người mù lòa có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy, tuy thân thể con rời xa chúng ta nhưng con vẫn tiếp tục được sống thêm một lần nữa, con sẽ vẫn được ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp này". Đã có nhiều người chia sẻ mong muốn cũng được hiến tạng giống Hải An để có thể trao cơ hội được sống, được nhìn thấy ánh sáng cho những người không may gặp phải căn bệnh hiểm nghèo.

Ngày 11/4/2019, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có buổi làm việc với Hội chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Trong chuyến công tác này, Trung tâm đã mang theo những chiếc thẻ đăng ký hiến tặng mô/ tạng của các cá nhân tại khu vực Tam Điệp. Khi biết thông tin này, chị Phạm Thị Huê đã tranh thủ buổi chợ để đến nhận chiếc thẻ mà chị đang chờ đợi. Chị Huê (làm nghề bán gà tại chợ Đồng Giao, thành phố Tam Điệp) tâm sự: “Đời tôi toàn nhận được giúp đỡ mà tôi cũng chưa giúp được gì mấy cho ai. Tôi chỉ nghĩ, nếu mình chẳng may mà chết thì giúp được ai cái gì thì giúp. Tôi vẫn tâm niệm lời các cụ nhà ta dạy là cứu một người phúc đẳng hà sa.

Tôi thấy nếu chết mang thiêu thì phí lắm, chẳng còn cái gì cả, nên thân thể còn gì thì tặng hết".
Sau khi nhận xong tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não, chị Huê lại vội vã ra về vì còn đang dở buổi chợ, hàng còn chưa bán hết. Điều đặc biệt là những người bạn hàng của chị đều vui vẻ ủng hộ và cho biết mình cũng sẽ đăng ký hiến tặng mô/ tạng trong thời gian tới.

Làm những cuộc đời khác được hồi sinh

Tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến, tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Một số người thân của họcòn lo lắng về tâm linh khi ra đi không trọn vẹn thân thể, một số mặc cảm và sợ mang tiếng. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống. Để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này.

Trong thời gian qua, tuy số người tự nguyện hiến tạng đã tăng nhưng vẫn ít so với nhu cầu thực tế. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 nghìn người suy tạng (gan, thận) cần ghép; khoảng 300 nghìn người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Trong khi đó, cả nước đã có 18 trung tâm ghép tạng và trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới. Các bác sĩ tại một số Bệnh viện như: Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy,… đã thực hiện thành công việc ghép gan, tim, phổi, thận, tụy. Ðiều khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu nguồn tạng để ghép, rất nhiều người bệnh đang phải đấu tranh duy trì sự sống từng ngày, chờ đợi từng phút để được ghép.

Tại một số bệnh viện lớn, trung bình một ngày có 2 đến 4 người bệnh bị chết não, thậm chí có ngày nhiều hơn vì chấn thương sọ não và đột quỵ, nhưng rất ít trường hợp tự nguyện được hiến mô/ tạng. Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác, bởi 1 người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não. Vì khi một người chết não mà hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác, do vậy, việc vận động hiến tạng từ người cho chết não là một công việc vô cùng quan trọng.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép mô Bộ phận cơ thể người đã có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng nguồn hiến mô/ tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, mỗi người nhận thức được rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô/ tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Khi một người mất đi với ý định hiến tặng mô/ tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương của mọi người. Câu chuyện hiến tạng của bé Nguyễn Hải An hay thiếu tá Lê Hải Ninh sẽ là tấm gương để nhiều người học tập.

Một mùa xuân mới nữa lại sắp về, cây lá đâm chồi nảy lộc. Những người hiến tạng đã ra đi, nhưng trái tim của họ vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động, hai giác mạc của họ ngày ngày vẫn ngắm nhìn cuộc sống. Sự sống của họ đang hiện hữu trong những con người khác. Họ hiến tạng là làm cho những cuộc đời khác được “hồi sinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho đi là còn mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO