Có phải người Công Giáo Việt Nam 'bỏ rơi' Chúa Thánh thần?

GS Đỗ Quang Hưng (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam) 28/01/2020 10:31

Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam trên quê hương đất nước của chúng con đã được Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Thánh Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện tại Tòa Thánh Vatican đến chủ sự Thánh lễ hôn phối cho một đôi bạn trẻ”, như lời bạch của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, cha của cô dâu.

Có phải người Công Giáo Việt Nam 'bỏ rơi' Chúa Thánh thần?

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và Hồng y Bộ trưởng Peter Turkson tại Giáo xứ Phúc Nhạc. (Ảnh: Dạ Yến).

Ngày 27 tháng 12 năm 2019, chúng tôi đang có chuyến công tác của Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đăk Lăk, bỗng nhận được tin “đại hỷ” của gia đình Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, liền tức tốc có chuyến bay Liên Khương – Tân Sơn Nhất và cũng rất vội vã từ Nhà khách Quốc hội đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bắt chuyến xe đi ngay chập tối tới Giáo xứ Phúc Nhạc, Đồng Nai. Có lẽ tôi cũng như hơn 1000 khách dự Thánh lễ hôn phối của hai bạn trẻ, những tín đồ Công giáo của Giáo xứ và nhiều Giáo phận trong nước đổ về hoặc những vị khách ngoài Công giáo, trong Cung Thánh của nhà thờ Giáo xứ Phúc Nhạc đêm ấy được cảm nhận sự kiện “Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam trên quê hương đất nước của chúng con đã được Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Thánh Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện tại Tòa Thánh Vatican đến chủ sự Thánh lễ hôn phối cho một đôi bạn trẻ”, như lời bạch của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, cha của cô dâu.

Nhưng tôi cũng sẽ không nhắc đến khung cảnh hoành tráng, trang trọng, vui tươi của bữa tiệc cưới ngay sau Thánh lễ, đậm chất Đạo- Đời mà tôi chỉ có thể mượn từ của Y.Congar để mô tả, một bầu khí của một thứ Thần học thế tục (Theologie du laicat).

Sự kiện này dù nó đóng khung trong hạnh phúc của một gia đình Công giáo (dù có phần đặc biệt) hoặc cao hơn của Giáo xứ Phúc Nhạc lại khiến tôi nghĩ đến những điều sâu xa hơn… Từ lâu, tôi nhớ có một nhận định của một đấng bậc trong Giáo hội rằng hình như người Công giáo Việt Nam “bỏ rơi” Chúa Thánh thần?

Tất nhiên tôi đã từng trăn trở khi hoàn tất cuốn sách Người Công giáo trong mắt tôi (NXb Tôn giáo, 2012). Nhận định trên có vẻ đúng khi cho rằng, người Công giáo Việt Nam và Giáo hội của mình dường như trong lịch sử và hiện tại thường nghiêng về Đức Chúa Cha và ngôi hai, Chúa Con, Đức Giêsu Kito. Về mặt Thần học và nhận thức tôn giáo thì quả là vậy. Bởi lẽ, với đời sống tôn giáo (kể cả sống Tin Mừng với những phạm trù siêu việt của Đấng tạo dựng) và đời sống trần thế, với họ, luôn hướng tới sự tin theo và sống trong Màu nhiệm nhập thể và Màu nhiệm phục sinh, thường liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu Kito, Đấng được “sai đến trong thế gian” để cứu rỗi nhân loại…

Còn Chúa Thánh thần, ngôi ba, vì sao có vẻ như giáo dân dễ “bỏ rơi”? Người Kito hữu còn gọi ngôi này bằng những tên gọi khác nhau như Thần khí, Chúa Thánh Linh vì nó không “cụ thể”. Chúa Thánh thần trong đời sống người Công giáo Việt Nam nhiều lúc như xa lạ vì rằng họ chỉ tìm thấy trong các sách giáo lý về Chúa Thánh thần trong những lúc chịu phép Thêm Sức! Rồi từ đó, Chúa Thánh thần trong tâm thức người Công giáo Việt Nam chỉ như “vị khách quý ghé thăm một lần xa xưa mà không để lại địa chỉ” (Nguyễn Ngọc Lan, Chủ nhật hồng giữa mùa tím, 1977).

Có phải người Công Giáo Việt Nam 'bỏ rơi' Chúa Thánh thần? - 1

Hồng y Bộ trưởng Peter Turkson trao Phép lành Tòa Thánh cho đôi bạn trẻ trong Thánh lễ hôn phối.

Vấn đề là ở chỗ, từ đấy người ta nghĩ rằng, nếu như người Công giáo Việt Nam thuần thành, có lòng đạo đức bình dân dồi dào, nhưng tâm thức tôn giáo lại hạn chế, nhất là đối với Chúa Thánh thần, Đấng thường trực, dù Ngôi này chỉ đem đến cho Hội thánh thứ quyền năng duy nhất là sức lay động và chuyển thông tâm thức người Công giáo. Nhưng chính nhờ quyền năng này mà Chúa Thánh thần có thể khiến từng em bé có thể bẻ chiếc bánh yêu thích cho bạn mình ở sân trường, từng người hàng xóm vượt qua được khoảng đường hẹp, có khi chỉ rộng 1-2m hiểm nguy hơn núi, sự nghi kị sâu hơn sông, để chào đón người hàng xóm ở căn nhà đối diện mình…

Người Giáo dân Lê Đức Thịnh đã giúp tôi hiểu điều này khi anh bộc bạch trong Thánh lễ hôn phối đêm ấy: “Sự hiện diện của Đức Hồng Y đã nói lên việc Tòa thánh luôn quan tâm đến tất cả mọi thành phần trong Giáo hội và các dân tộc khác nhau trên thế giới. Chúng con rất hạnh phúc khi Đức Hồng Y đang ở tại Giáo xứ Phúc Nhạc của chúng con. Giáo xứ được thành lập 220 năm từ Giáo phận Phát Diệm miền Bắc và đã chuyển vào miền Nam từ năm 1954. Từ Giáo phận đây đã xuất phát rất nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và đây cũng là nôi của các thánh tử đạo của Giáo phận, có Thánh nữ đầu tiên Anê Lê Thị Thành. Cùng hiện diện trong Lễ hôn phối hôm nay còn có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, anh em thân hiếu, chức sắc và tín hiếu các tôn giáo bạn, và nhiều anh chị em đang làm việc cho các cơ quan công quyền của Chính phủ ở Trung ương và các tỉnh thành. Chúng con có thể khác nhau về tôn giáo, khác nhau về ý thức hệ, khác nhau về nhiệm vụ đời thường, nhưng chúng con có chung một Tổ quốc, một dân tộc, một truyền thống văn hóa mến khách yêu người, và như Người Công giáo, chúng con yêu mến Giáo hội chúng ta, chúng con yêu mến Đức Thánh Cha.”

“Trọng kính Đức Hồng Y, Đức Hồng Y cũng đã biết đất nước chúng con đã trải qua bao thế kỷ chiến tranh đau thương tàn khốc. Những cuộc bách hải, dân chúng sống trong cảnh lầm than, gia đình ly tán, lòng người phân rẽ, đạo đời kiêng kị, quan ngại lẫn nhau. Đến hôm nay, đất nước chúng con được an bình, không còn chiến tranh, đã có sự cảm thông, hiểu biết hơn giữa đạo và đời, và có những sự cộng tác nhiều hơn để góp ích cho dân chúng, ngõ hầu chúng con càng ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, với các quốc gia khác trên thế giới; đặc biệt, với Giáo hội Rôma, Giáo hội mẹ của Giáo hội Việt Nam chúng con. Nhưng để hoàn thiện hơn, mỗi người chúng con còn phải cố gắng hơn nữa trong tinh thần đối thoại, trong tình yêu thương cùng sự cảm thông hoàn cảnh lịch sử để lại. Chúng con hy vọng Đức Hồng Y luôn nhớ đến đất nước, dân tộc Việt Nam và luôn nâng đỡ cho Giáo hội Việt Nam của chúng con.”

Như vậy là người Giáo dân Lê Đức Thịnh đã trả lời giúp tôi rằng, người Công giáo Việt Nam không hề “bỏ rơi” Chúa Thánh thần, mà họ, ngược lại, đã thấu hiểu sứ mệnh đặc biệt của Chúa Thánh thần trong Hồng Ân Thiên Chúa nói chung. Đó không chỉ là Sức lay động, Sức chuyển thông đến tâm thức tôn giáo của họ mà còn ban cho họ “quyền năng Thánh thần đến trên” họ, khi họ có thể gắn bó sau rất nhiều thử thách lịch sử, dân tộc, Tổ quốc mình với chính Chúa Thánh thần.

Hà Nội, ngày 8 tháng 1 năm 2020

Giáo dân Lê Đức Thịnh và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Yến được Giáo hoàng Benedict 16 ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá và Hiệp sĩ Đại thánh giá Phu nhân vào ngày 12 tháng 6 năm 2007. Kể từ năm 1831 cho đến nay, trên thế giới có 13 Hiệp sĩ Đại thánh giá, trong đó ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm này. Danh hiệu hoặc tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Trong đó Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có phải người Công Giáo Việt Nam 'bỏ rơi' Chúa Thánh thần?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO