Toan tính trong mùa dịch

Thế Tuấn 08/06/2021 06:38

Ngày 7/6, thông tin từ Jakarta cho biết, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách “bong bóng du lịch” với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này. “Bong bóng du lịch” hay còn gọi là hành lang du lịch, hoặc hành lang Corona, là thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc địa phương khi đã có được những thành công ngăn chặn Covid-19.

Philippines đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Trong ảnh: Một điểm tiêm chủng tại thành phố San Juan.

Indonesia dự kiến thiết lập “hành lang du lịch” với 5 quốc gia

Ông Sonny Harmadi, quan chức thuộc Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 của Indonesia cho rằng “bong bóng du lịch” sẽ giúp người dân và du khách tự do đi lại và được miễn yêu cầu tự cách ly khi nhập cảnh. Theo ông, có 3 khu vực được ưu tiên nối lại hoạt động du lịch bao gồm Bintan, Batam ở tỉnh quần đảo Riau và Bali.

Hiện Chính phủ Indonesia cũng đang cân nhắc một số yếu tố tại các khu vực nằm trong chương trình “bong bóng du lịch” như tỷ lệ lây nhiễm thấp, số ca dương tính và năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế trong giới hạn an toàn, trước khi nới lỏng các hạn chế cộng đồng.

Theo đó, Bộ Du lịch và kinh tế sẽ mở cửa theo từng giai đoạn đối với khách du lịch nước ngoài tại Bali và Quần đảo Riau. Chính quyền địa phương sẽ thiết lập các “vùng xanh” tại hai tỉnh này trước khi áp dụng “bong bóng du lịch” đối với các du khách nước ngoài.

“Tại thiên đường du lịch Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở Quần đảo Riau, Chính phủ sẽ thiết lập vùng xanh ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam”, ông Sonny Harmadi cho biết, đồng thời thêm rằng trong quá trình thực hiện “bong bóng du lịch”, Chính phủ sẽ áp đặt các điều kiện nhất định đối với du khách nước ngoài, trong đó bắt buộc phải xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước và sau khi nhập cảnh vào Indonesia.

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định liên quan đến du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước mắt, Jakarta đang hoàn tất kế hoạch hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với 5 quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.

Tới nay, Indonesia đã mua được từ nhiều nguồn 92,2 triệu liều vaccine Covid-19. Đã có 17,3 triệu người Indonesia được tiêm mũi đầu và 11,1 triệu người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Ngoài ra, trên 49.000 lao động cũng đã được tiêm chủng trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau).

“Nhiệt Covid-19” ở Ấn Độ và Pakistan giảm

Ngày 6/6, Ấn Độ ghi nhận 114.460 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ. Đây là mức nhiễm theo ngày thấp nhất tại nước này trong 2 tháng qua, nâng tổng số người nhiễm lên 28,8 triệu người. Tỷ lệ có xét nghiệm dương tính tiếp tục giảm xuống còn 5,62%, tức là dưới mức 10% trong 13 ngày liên tiếp.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, cũng trong ngày 6/6, nước này ghi nhận 2.677 ca tử vong mới do Covid-19, mức thấp nhất trong 42 ngày. Tổng số người phải nhập viện đã giảm xuống dưới ngưỡng 1,5 triệu. Vào lúc cao điểm trong nửa đầu tháng 5, con số này trung bình ở mức khoảng 3,5 triệu ca, gây sức ép lớn cho hệ thống y tế.

Như vậy tỷ lệ phục hồi đạt 93,67%. Tính đến ngày 6/6, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 213,32 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, tăng thêm 3,35 triệu liều so với một ngày trước đó. Còn tại Pakistan, theo Trung tâm Chỉ đạo quốc gia về Covid-19, ngày 6/6, nước này ghi nhận 1.629 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính là 3,11%. Hiện Pakistan có gần 1 triệu ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong là 21.265 người. Tỉnh Punjab (miền Đông) có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất (lần lượt là 342.192 và 10.290 ca). Sau đó là tỉnh Sindh với 323.072 ca nhiễm và 5.116 ca tử vong.

Theo trợ lý của Thủ tướng Pakistan về y tế, ông Faisal Sultan, nước này đã tiêm hơn 8,5 triệu liều vaccine trên cả nước và đến nay đã có trên 2,2 triệu người được tiêm đủ hai mũi.

Philippines tăng tốc tiêm chủng

Trong khi đó, tại Philippines, tình hình dịch Covid-19 vẫn rất căng thẳng. Chỉ trong vòng 24 giờ, Philippines ghi nhận thêm 7.228 ca mắc mới, nâng tổng số của cả nước lên 1.269.478 trường hợp. Đây là số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất khu vực Đông Nam Á ở thời điểm này.

Vì thế, Chính phủ Philippines đã quyết định chuyển đổi chiến lược, tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19. Kể từ ngày 7/6, Philippines đã mở rộng đối tượng được tiêm chủng, tập trung tăng tốc tiêm chủng ở các điểm nóng của dịch tại Manila và các vùng phụ cận.

Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trước cuối năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng. Song, các vấn đề về nguồn cung và sự do dự mua sắm đã cản trở dòng vaccine.

Cùng đó, theo dữ liệu của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ, có tới 50% người nhận vaccine không quay lại để tiêm liều thứ hai. Đó là những lý do khiến chính phủ Philippines chuyển mục tiêu tiêm chủng từ đạt “miễn dịch cộng đồng” sang “bảo vệ dân số” trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do Covid-19 vẫn gia tăng.

Việc điều chỉnh chiến lược này cũng nhằm giải quyết tình trạng do dự về vaccine ở người dân Philippines. Ngày 6/6, trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Philippines đã kêu gọi toàn dân tham gia tiêm chủng vaccine Covid-19. Tổng thống cho biết, khi nguồn cung cấp vaccine của đất nước ổn định vào tháng 7, Chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp ba tốc độ tiêm chủng. Hiện Philippines đã nhận được 6,5 triệu liều vaccine.

* Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang chạy đua phát triển vaccine ngừa Covid-19 nội địa do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung có nguy cơ ngăn chặn nỗ lực ứng phó cũng như kéo dài đại dịch. Mặc dù các loại vaccine được phát triển nội địa khó có thể ra mắt kịp thời để cứu vãn tình trạng sản xuất vaccine chậm chạp, nhưng giới chức và các chuyên gia khoa học coi phương thức tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn. Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế ở Seoul (Hàn Quốc), cho biết, làn sóng vaccine đầu tiên có thể trở nên kém hiệu quả hơn do các biến chứng như đột biến virus, lo ngại về an toàn, các thách thức về chi phí và hậu cần. Chính vì thế phát triển vaccine trong nước phải được coi là chiến lược trong dài hạn, vì rằng rất có thể phải “sống chung” với Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Toan tính trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO