Trách nhiệm của người Mặt trận

Lê Ái 15/05/2016 05:00

Không ai, không cách gì ngăn được biến đổi khí hậu thì thích ứng với nó là cách làm tối ưu nhất trong thời điểm này. Để thích ứng, người Mặt trận đang chọn cho mình một lối đi riêng, gian nan nhưng đầy tinh thần trách nhiệm ở những nơi gian khó. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Q.Khánh - Q.Trung.

Biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Đó là những gì chúng ta đang nhìn thấy được khi tình trạng nước biển dâng xâm nhập mặn sâu nội đồng cả một vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán làm khô khốc nhiều nơi thuộc khu vực Tây Nguyên. Không chỉ thế mà đó còn là tình trạng cá chết bất thường hàng loạt xảy ra ở 6 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa), gây thiệt hại lớn tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống và tư tưởng của nhân dân.

Mặn xâm nhập và hạn hán được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. 100 năm qua, thiên nhiên đã phải chịu nhiều tác động mà con người mang lại như chặt phá rừng, xả thải bừa bãi, khai thác quá mức các nguồn tài nguyên và đến lúc con người phải chấp nhận “cái giá” đó là biến đổi khí hậu.

Thiên nhiên không phụ thuộc vào con người mà chỉ có con người phụ thuộc vào thiên nhiên. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn kêu gọi “bảo vệ môi trường như bảo vệ mạng sống của chính bạn” cùng rất nhiều nỗ lực để thực hiện mục đích sống còn đó. Nhưng biến đổi khí hậu vẫn diễn ra theo đúng quy luật như tự nhiên vốn có thậm chí còn đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Chỉ là chúng ta đã và đang chuẩn bị tâm thế thích ứng như thế nào cho sự biến đổi này.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và thiếu nước đang là hiện thực. Hiện nay, có những huyện ở Tây Nguyên không còn dòng chảy, không còn hồ nước, chỉ còn một số giếng có nước. Vấn đề lớn đang đặt ra với Đồng bằng sông Cửu Long đó là xâm nhập mặn sâu hơn, dòng chảy sông Mê Kong thấp hơn. Tất cả đang đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng cấp bách tìm giải pháp.

Trước tình trạng này, UBTƯ MTTQ Việt Nam do GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu đã từng có nhiều cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức thành viên về những vấn đề này. Hai câu hỏi mà người đứng đầu Mặt trận luôn quan tâm đặt ra tại những cuộc họp này là ai chịu trách nhiệm về bảo đảm nguồn nước? Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ cung cấp, hỗ trợ gì trong việc cung cấp nước cho người dân?

Với trách nhiệm của người đứng đầu, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ có đề án phối hợp giám sát việc thực hiện các hỗ trợ của Chính phủ, địa phương, cộng đồng với người dân bị thiệt hại (trong vòng 1 tháng). Trên cơ sở đó, Mặt trận sẽ rà soát để kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngư dân, trong đó việc bảo đảm trẻ không bị bỏ học, Mặt trận sẽ chịu trách nhiệm một phần.

Mặt trận với các tổ chức thành viên cũng sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ người dân vùng hạn hán, bảo đảm hỗ trợ ít nhất cho 10% hồ dân có nước sinh hoạt, trong đó có hỗ trợ công cụ chứa nước. “Tuy nhiên, về sinh kế lâu dài cho dân, Nhà nước cần tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ hiệu quả”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên thường xuyên theo dõi diễn biến xảy ra và tâm tư nguyện vọng của người dân các vùng ven biển, cửa sông. Trong đó, cần đặc biệt có những hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm, không hoang mang làm ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống.

Cũng trong thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ các địa phương, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 9 địa phương bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập 7,5 tỷ đồng (các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; các tỉnh Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi tỉnh 500 triệu đồng). Đồng thời, hỗ trợ cho ngư dân đang gặp khó khăn do cá chết bất thường ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.

Một số tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã kịp thời hỗ trợ người dân, trong đó Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã huy động đạt 25 tỷ 132 triệu đồng (trong nước 11 tỷ 279 triệu đồng, vận động quốc tế 13 tỷ 853 triệu đồng). Ủy ban MTTQ TP Hà Nội hỗ trợ 19 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ TP HCM hỗ trợ 20 tỷ đồng cho các tỉnh thành bị hạn hán, xâm nhập mặn; tỉnh Điện Biên chuyển về tài khoản của Mặt trận Trung ương 100 triệu đồng ủng hộ các tỉnh ĐBSCL; Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Kon Tum 200 triệu đồng. Tổng cộng khoảng hơn 70 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

“Nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới rất quan trọng nhưng công tác thích ứng với BĐKH cũng quan trọng và cấp bách không kém. Sắp tới, sau khi khảo sát, Mặt trận sẽ có báo cáo tổng thể về tình hình BĐKH hiện nay, làm rõ tác động đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của người Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO