Tự chủ đại học: Nhìn từ một trường tư

Thu Hương (ghi) 03/10/2016 09:30

Theo GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (ĐH Thăng Long), đối với các trường ngoài công lập, tuyển sinh là khâu quan trọng bậc nhất của nhà trường. Không có sinh viên thì phá sản ngay lập tức vì trường không có nguồn tài chính nào khác là thu học phí. Bài toán tuyển đủ chỉ tiêu cho mỗi năm học luôn làm đau đầu cho mỗi trường dân lập- cái giá phải trả cho tự chủ tài chính.

Ảnh minh họa.

Cái khó của trường tư

Bàn về câu chuyện tự chủ ĐH, GS Sính cho rằng đối với tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức - nhân sự, các trường ngoài công lập ít bị ràng buộc hơn so với các trường công lập vì không nhận được tài trợ từ Nhà nước.

Cái khó ở đây là trường tư thục trong quan niệm của nhiều người là nỗi xấu hổ cho gia đình: “Điều này bộc lộ rất rõ lúc tuyển sinh. Phụ huynh đến trường và bảo thẳng chúng tôi, trường gì mà bao năm vẫn manh mún, hãy nhìn trường công họ hoành tráng rộng rãi, học trường dân lập thì không biết trả lời ra sao với hàng xóm khi họ hỏi thăm”.

Lấy ví dụ tại trường ĐH Thăng Long, mỗi năm tuyển sinh đủ chỉ tiêu khoảng 2.000 sinh viên. Nếu muốn con số này nhích lên, không dễ. Hạn chế lớn nhất, theo GS Sính, do là một trường tư. Hạn chế thứ hai là thi tốt nghiệp chặt chẽ.

Với hạn chế thứ hai, nhà trường phải tung giáo viên kèm cặp sinh viên kém trước mỗi kỳ thi để giảm bớt số sinh viên hỏng thi. Với hạn chế thứ nhất, dù thử nhiều cách nhưng vẫn không thấy có mấy tác dụng.

“Chúng tôi tạo ra những lớp tài năng có nhiều học bổng và có ngay công ăn việc làm ở những nơi mà nhiều sinh viên tốt nghiệp mơ ước. Nhưng cũng không mấy hấp dẫn, khi thì với sinh viên - vì phải học khó hơn lớp bình thường, khi thì với bố mẹ - vì là trường dân lập, không “oai” như học trường công!”- GS Sính giải thích.

Qua kinh nghiệm, muốn tuyển sinh được trước hết phải có một cơ sở khang trang, tiếp đó là một đội ngũ giảng viên càng ngày càng giỏi. Vì vậy, để làm chủ tài chính, GS Sính và những cộng sự tại trường ĐH Thăng Long đã vạch ra một kế hoạch lâu dài trong 100 năm: 20 năm để xây dựng cơ sở vật chất, 40 năm cho việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và 40 năm cho nghiên cứu khoa học.

Thời điểm này, ĐH Thăng Long đang chuyển trọng tâm sang xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghĩa là tập trung tiền vào để tuyển người giỏi và đào tạo đội ngũ trẻ.

Đối với bậc đào tạo sau ĐH, kinh nghiệm của trường ĐH Thăng Long sau một số năm làm liên kết với ĐH nước ngoài đó là: áp lực của đối tác liên kết và của người học quá lớn. Đối tác luôn đòi tăng phí đào tạo, người học thì không chịu học phí cao, nhà trường phải chấp nhận bù lỗ.

Nhà trường cũng không thấy có danh tiếng gì thêm cho trường khi liên kết với ĐH nước ngoài. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, theo GS Sính không nên mở rộng liên kết với ĐH nước ngoài mà phải tập trung vào nâng cao đào tạo sau ĐH trong nước.

Chẳng hạn, có thể mời thầy nước ngoài dạy cho một số môn, khuyến khích giảng viên của trường dịch bài giảng bằng tiếng Anh sang tiếng Việt, phát bài giảng bằng cả hai thứ tiếng cho học viên trước khi lên lớp. Lúc giảng viên nước ngoài dạy thì giảng viên của trường ở bên cạnh để dịch và cũng để giải thích khi có thắc mắc.

Một lớp dạy như vậy tuy tốn tiền nhưng giúp giảng viên trẻ nâng cao trình độ và có nhiều cơ hội tiếp xúc với ĐH nước ngoài. Việc phát bài giảng cho học viên bằng hai thứ tiếng giúp họ trong công việc họ đang làm khi gặp tình huống phải sử dụng tiếng Anh. Học viên hiểu đó là lớp học được tổ chức vì người học.

Để tự chủ, nghe trong nước và đọc ngoài nước

“Chúng tôi hiểu tự chủ ĐH với hai văn bản Luật Giáo dục ĐH và Điều lệ trường ĐH là phải làm theo luật, nhưng luật phải sát với thực tiễn trong nước và ngoài nước, không duy ý chí “cho ít mà bắt làm nhiều”, không phản khoa học, phải có sự hợp tác giữa các nhà làm luật, các cấp quản lý và các trường ĐH”- GS Sính cho biết.

Điều này thể hiện rõ ở Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH Thăng Long, đó là chứa mọi quy định cho một trường ĐH tư thục có trong hai văn bản đó, sau đó đưa thêm những quy định mà pháp luật không cấm và cần thiết cho sự phát triển của trường. Chẳng hạn như thêm quy định “các cổ đông không nhận cổ tức” vì theo kinh nghiệm, “giáo dục luôn là thiếu hụt, lạm chi”.

Kinh nghiệm cho thấy, nhà trường được tự chủ với ít ràng buộc trong chi tiêu và tổ chức – nhân sự. Về học thuật thì chỉ được phần nào như việc tổ chức dạy cao học trong nước như kể trên. Còn ngành nghề và khung chương trình hoàn toàn nằm trong khung đã định sẵn.

Vì vậy, theo GS Sính, tự chủ ĐH không dễ, đòi hỏi nhà trường, các cấp lãnh đạo và xã hội phải có năng lực. Trước hết, đội ngũ nhà trường từ lãnh đạo đến nhân viên và nhất là giảng viên phải được đào tạo bài bản. Một giáo sư, ngoài giỏi chuyên môn phải có quan hệ quốc tế để đưa nghiên cứu sinh của mình đến với những đề tài hay. Lãnh đạo nhà trường phải có khả năng quản lý, thông thạo nhiều vấn đề, có cái nhìn trước mắt và lâu dài, có quan hệ trong nước và quốc tế.

Xã hội cũng cần phải có năng lực để hiểu thế nào là một trường ĐH. Câu chuyện tuyển sinh vỡ trận năm 2015 cho thấy một cách hiểu chưa đúng về trường ĐH.

GS Sính kiến nghị, cần nghiên cứu kỹ các trường ĐH nước ngoài và các chính sách họ được hưởng từ nhà nước để so sánh với điều kiện trong nước.

“Chúng tôi mong rằng các nhà làm luật về giáo dục của VN không nên cứng nhắc, luôn theo sát các hoạt động của các trường ĐH để ngày càng có những bộ luật sát với thực tiễn Việt Nam hơn nhưng không tách khỏi trào lưu thế giới. Nghe trong nước và đọc ngoài nước, đó là mong mỏi của chúng tôi” - GS Sính nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học: Nhìn từ một trường tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO