Tuyến đường dưới chân dự án nghìn tỷ Nhổn - ga Hà Nội: Nỗi bất an cho người tham gia giao thông

Hoàng Chiến 24/06/2022 11:00

Gồ ghề, chi chít ổ gà, ổ voi… là cách mà nhiều người dân mô tả con đường dưới chân công trình nghìn tỷ dự án Nhổn - ga Hà Nội. Hơn 2 năm sau khi được hoàn trả, con đường này vẫn là nỗi bất an hàng ngày của những người điều khiển phương tiện qua đây.

Nắp cống lún sâu trên đường Xuân Thuỷ.

Như... chơi trò mạo hiểm

Tuyến đường dưới chân đại công trường dự án nghìn tỷ Nhổn - ga Hà Nội đã được bàn giao hoàn trả cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, tuyến đường vẫn đang trong tình trạng hư hỏng nặng nề, trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi di chuyển qua đây.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, nhiều đoạn trên tuyến đường này trong tình trạng hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, các vết nứt lớn… tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Không những vậy, tình trạng nắp cống, hố ga nhô lên, tụt xuống như những “chiếc bẫy” trực chờ... khiến việc di chuyển của người dân trở nên khá khó khăn.

Các đoạn đường qua những nhà ga như Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, Phú Diễn, Minh Khai… là những “điểm đen” mà nhiều người dân mỗi khi đi qua đều cảm thấy bất an.

Phần đường dưới chân nhà ga Xuân Thủy, Lê Đức Thọ liên tiếp xuất hiện những nắp cống, hố ga nhô cao hoặc lõm sâu xuống mặt đường. Riêng đoạn đường qua nhà ga Lê Đức Thọ còn tồn tại những vết cào ngang dọc, sâu đến cả 10cm.

Đáng nói, đoạn Quốc lộ 32 này là một trong những cửa ngõ chính nối vào phía Tây của Hà Nội, có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, lại là nơi tập trung nhiều khu dân cư. Tuyến đường này trước khi dỡ bỏ rào chắn thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Tuy nhiên sau khi hoàn trả mặt đường, hiện trạng hư hỏng nặng trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông, gây bức xúc khi mà suốt 2 năm nhà quản lý không có biện pháp khắc phục.

Ai chịu trách nhiệm?

Là một tài xế công nghệ thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này, anh Trần Tuấn Anh (quê Hải Dương) cho biết: “Đoạn đường xấu nhất thường là đường dưới chân qua các nhà ga vì nắp cống rất nhiều, đường lại gồ ghề lên xuống, mỗi lần chở khách qua đoạn này tôi không dám đi nhanh và phải nhắc khách rằng, đường rất xóc”.

Nhiều đoạn đường gập ghềnh, lồi lõm gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.

Anh Tuấn Anh cho biết thêm, những lái xe thường xuyên qua khu vực này mới biết cách giảm tốc độ và “né” những ổ gà và các vết cào trên đường. Tuy nhiên cũng phải đánh lái liên tục, phải “lụa” mới đi được vì các ổ gà nằm lộn xộn, xe cộ cũng di chuyển nhốn nháo. Những người không biết mà vẫn giữ nguyên tốc độ khi di chuyển qua những đoạn đường đẹp thì thể nào cũng bị mất lái hoặc trượt bánh rất nguy hiểm.

Đã có lần ngã xe khi di chuyển qua đoạn đường dưới chân nhà ga Lê Đức Thọ, anh Nguyễn Hoàng Huy (trú huyện Phúc Thọ) được một phen “nhớ đời” vì di chuyển nhanh. “Hôm đó tôi từ quê lên phòng trọ sau kỳ nghỉ. Dù đã nhiều lần đi qua tuyến đường này và nắm kha khá vị trí các ổ gà, điểm nhấp nhô,… tuy nhiên hôm đó, do không kịp giảm tốc độ kịp thời, xe vấp phải nắp hố ga lún sâu dưới mặt đường, bị trượt bánh, cả người và xe ngã văng ra đường. May lúc đó không có phương tiện nào đi phía sau” - anh Huy kể.

Nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc khi tuyến đường này đã đi vào hoạt động hơn 2 năm sau khi được hoàn trả song vẫn không thấy đơn vị nào đến sửa chữa, thi công lại. Trả lời về vấn đề này, ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sau khi dỡ rào chắn, hoàn trả mặt đường, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bàn giao lại mặt bằng cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội. Do vậy, trách nhiệm sửa chữa và quản lý tuyến đường này thuộc về Sở GTVT.

Còn đại diện Công ty Cổ phần Công trình giao thông số 2 cho hay, đơn vị này là nhà thầu quản lý tuyến đường của Sở GTVT, hiện cũng đã nắm được sự xuống cấp và hư hỏng nặng của tuyến đường dưới chân dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Theo vị này, đơn vị quản lý vẫn đang thực hiện các công tác duy tu, vá ổ gà để đảm bảo giao thông tuy nhiên chỉ tiến hành sửa chữa nhỏ lẻ, tạm thời. “Sắp tới Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP Hà Nội sẽ đầu tư và triển khai dự án sửa chữa đường bộ toàn bộ trục tuyến. Do vậy, nếu sửa chữa lớn sẽ trùng lặp và gây lãng phí” - vị này cho biết.

Tuy nhiên, bao giờ dự án sửa chữa tổng thể đoạn quốc lộ 32 từ Nhổn tới Cầu Giấy được triển khai thì đại diện phía Công ty từ chối công bố.

Chuyên gia giao thông - TS Phan Lê Bình: Nhập nhằng trong xử lý trách nhiệm

Nói về nguyên tắc khi thi công làm đường sắt trên cao, đơn vị thi công phải mượn một phần mặt đường để làm nơi tập kết nguyên vật liệu. Sau khi thi công xong, bên nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng mặt đường. Đó là cách làm thông thường nhất. Tuy nhiên việc hoàn trả mặt đường lại hư hại nặng, bị ổ gà, ổ voi… cũng cần xác định nguyên nhân từ đâu và từ bao giờ mới có thể xác định trách nhiệm của đơn vị nào. Bởi bên phía thi công cũng đã bàn giao mặt bằng cho Sở GTVT Hà Nội. Hai bên đã ký kết bàn giao hoàn trả mặt bằng đến giờ cũng đã được hơn 2 năm. Các vấn đề hư hỏng mặt đường do hoàn trả không đúng hiện trạng hay do trong thời gian 2 năm các phương tiện quá tải, làm hư hại mặt đường… cũng rất nhập nhằng nên khó xác định trách nhiệm. Do đó, việc tìm ra ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm không đơn giản, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyến đường dưới chân dự án nghìn tỷ Nhổn - ga Hà Nội: Nỗi bất an cho người tham gia giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO