Gameshow - thực đơn đang 'nhiễm độc'

Trần Trà My 21/05/2017 08:35

Vụ lùm xùm giữa nghệ sĩ Trung Dân với ca sĩ Hương Giang Idol trong gameshow “Siêu sao đoán chữ” vừa qua đã một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về chất lượng của gameshow cũng như ứng xử giữa những người sản xuất ra các chương trình giải trí trên truyền hình.

Giọt nước tràn ly

“Nghệ sĩ xứ mình như dòng sông chảy xiết. Gameshow là những bụi lục bình trôi nổi trên dòng sông đó. Lục bình trổ hoa nhưng cũng đầy rác dưới những chùm rễ”- Nghệ sĩ Ngọc Lan.

Trong một xu hướng “được mùa” gameshow, thậm chí là bùng nổ gameshow, thì việc bên cạnh những gameshow đứng đắn xuất hiện những gameshow nhảm nhí, chọc cười một cách dễ dãi là điều dễ hiểu. Từ chỗ khán giả truyền hình phải đợi cả tuần mới được xem 1 gameshow, đến nay, mỗi ngày, bật tivi lên là dễ dàng gặp những gameshow. “Bắt sóng” được thị hiếu khán giả, các nhà sản xuất từ Bắc chí Nam đua nhau tung ra các gameshow, hướng đến đủ mọi đối tượng. Trong khi đó, giới nghệ sĩ thì có hạn, thành thử việc lặp lại khách mời, giám khảo… là điều tất yếu. Tuy vậy, trong giới nghệ sĩ, có những người thẳng thừng từ chối, nhưng có những người lại tranh thủ coi đây là cơ hội để khán giả cả nước biết đến, đồng thời là cơ hội dễ kiếm tiền.

Trở lại câu chuyện của nghệ sĩ Trung Dân. Ông không hẳn là một cái tên quen thuộc của gameshow trong thời gian qua. Nghệ sĩ Trung Dân cũng thừa nhận, ông khá băn khoăn chọn lựa gameshow để tham gia. Với “Siêu sao đoán chữ”, vì thấy gameshow vui vui, có nhiều nghệ sĩ tham gia nên Trung Dân nhận lời. Mọi chuyện có lẽ đã êm, đã “xong xuôi tất cả lại về”, nếu như trong một buổi ghi hình mới đây, khi MC Đại Nghĩa đọc câu hỏi: “Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem xem nó hoạt động như thế nào. Có một lần, ông ấy đút đầu vào… (ba chấm) và ông ấy bị thương. Người chơi phải điền vào dấu ba chấm đó, xem ông ấy đút đầu vô máy gì”. Nhiều đáp án được các nghệ sĩ lựa chọn như lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh ... Nhưng riêng Hương Giang Idol đã nói “Đút đầu vô cầu tiêu”. Phản ứng trước câu nói xúc phạm này, nghệ sĩ Trung Dân quyết định bỏ dở chương trình. Báo chí dẫn lời nghệ sĩ Cát Tường- một người tham gia gameshow: “Khi sự việc xảy ra, nhiều người ra phân trần và đại diện xin lỗi để mong anh Trung Dân tiếp tục ghi hình trong đó có tôi, nhưng Hương Giang Idol thì không ra xin lỗi. Cô ấy nói cô ấy không có gì sai, vì gameshow là vậy”.

Câu chuyện không dừng lại ở đó, khi đơn vị sản xuất chương trình là Đông Tây Promotion tiếp tục chọn Hương Giang Idol để ghi hình với lý do vì Hương Giang đã ký hợp đồng với công ty càng khiến dư luận bức xúc. Áp lực của dư luận khiến nhà sản xuất đã phải cắt bỏ hình ảnh của Hương Giang trong tập phát sóng tuần qua, đồng thời khóa các tập đã đưa lên YouTube.

Những khoảng tối của gameshow

Câu chuyện sau đó cũng đã tạm lắng với việc Hương Giang Idol đưa ra lời xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân, và được ông chấp nhận. Tuy nhiên, từ câu chuyện này cho thấy một khoảng tối của gameshow truyền hình, khi mà câu chuyện ứng xử văn hóa giữa các nghệ sĩ luôn có nguy cơ làm “nhiễm độc” sóng truyền hình. Nghệ sĩ Thanh Thủy cho rằng, “Hương Giang Idol có những lời lẽ bất kính với anh Trung Dân chỉ là giọt nước tràn ly lâu nay trong gameshow. Lỗi ở Hương Giang đã đành, nhưng lỗi của nhà sản xuất mới đáng nói, họ dung túng cho những từ ngữ đó thì quá đáng trách. Tôi nghĩ gameshow không xấu nhưng cần quyết tâm làm cho tốt hơn. Đặc biệt là ở khâu kiểm duyệt, anh thấy nhảm thì anh cắt đi, tại sao anh cứ để như vậy phát lên đài cho khán giả xem”. Còn theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, “sau vụ việc này bản thân các nghệ sĩ trẻ cũng phải tự nhìn lại mình trong cách ứng xử giao tiếp với các bậc đàn anh đàn chị, còn với nhà sản xuất thì phải biết tôn trọng nghệ sĩ hơn dù họ đang ở vị trí nào. Đặc biệt khi nghệ sĩ là người rất nhạy cảm”.

Bên cạnh đó, việc ồ ạt sản xuất gameshow bất chấp khan hiếm kịch bản tốt, ít đạo diễn đủ tâm đủ tầm, ít giám khảo phù hợp, thậm chí cho phép người chơi hát nhép… đã làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đặc biệt là tạo ra thói quen hưởng thụ nghệ thuật dễ dãi cho một bộ phận khán giả.

Việc Trấn Thành bị Đài Truyền hình Vĩnh Long “cấm sóng” cách đây ít lâu là một tín hiệu để người ta có thể chờ đợi sự quyết liệt hơn của các đài truyền hình trong cả nước, nhằm trả lại “sóng sạch”, gạt bỏ những chương trình hài nhảm, những gameshow có yếu tố “tục”, những nghệ sĩ mà lối sống hay cách diễn xuất dễ ảnh hưởng xấu đến công chúng.

Trong một cuộc gặp gỡ với giới truyền thông mới đây sau sự cố giữa nghệ sĩ Trung Dân với ca sĩ Hương Giang, nghệ sĩ Minh Nhí cho rằng, gameshow hay thì ít và hiếm, mà cái nhảm nhí xàm xí quá nhiều. Nghệ sĩ Minh Nhí chỉ ra cụ thể: “Ví dụ chương trình game show “Siêu sao đoán chữ” Ai là siêu sao? Đệ nhất danh hài chỉ có chú Bảo Quốc được phong cho tới giờ. Nói tôi là danh hài tôi còn thấy xấu hổ, vì tôi chỉ là nghệ sĩ hài thôi. Trong chương trình đó tôi thấy người ta gọi Tiết Cương học trò của tôi là siêu sao. Vậy tôi là thầy của Tiết Cương thì họ gọi tôi là 8 cái siêu sao chắc, trong khi tôi chỉ có cái siêu sắc thuốc... sắp chết ở nhà”.

Việc nghệ sĩ tham gia gameshow cần được coi là việc bình thường. Đó cũng là cách đến với khán giả ở mọi miền, nhất là ở những nơi bà con không có điều kiện tới nhà hát, tới rạp. Đồng thời, đây cũng là “cửa” kiếm tiền không quá vất vả của nghệ sĩ để đắp đổi qua lại với đời sống, với nghề chính. Nhưng, điều quan trọng là nghệ sĩ phải tự biết mình. Nhà sản xuất có thể thấy hợp, hoặc khi quá bí, họ cứ mời, nhưng bản thân nghệ sĩ phải tự kiểm soát mình. Hoặc cũng phải biết tránh để bị những hợp đồng “khóa” lại mất đường thoái lui.

Nghệ sĩ Minh Nhí dẫn chứng, có nhà sản xuất gameshow mời anh tham gia 11 số. Qua trao đổi và xem hợp đồng thấy nội dung hợp lý nhưng khi bước vào trường quay, nhìn xuống sân khấu thấy Hoài Linh làm giám khảo thì Minh Nhí mới té ngửa. “Tình anh em Hoài Linh kêu tôi bằng anh thì không dám nhận xét thất lễ nhưng nghĩ đến hình ảnh mình phải làm thí sinh cho thằng em sẽ lan tỏa khắp cả nước khiến tôi nhục nhã suốt một tháng. Ráng quay xong hết số đó, tôi cạch luôn. Sau này bà bầu Hồng Vân được mời đắp vô, nghe tôi kể cũng bỏ chạy mất dép”, Minh Nhí kể và khẳng định: “Nói vậy để biết, mình là nghệ sĩ thì không ai ép được mình. Nếu không tham gia gameshow thì khán giả ở vùng sâu vùng xa ai nhớ nên phải cố làm, nhưng phải chọn chương trình ưng ý, đàng hoàng mới tham gia”.

Câu chuyện của nghệ sĩ Minh Nhí cho thấy một khoảng tối nữa của gameshow, khi mà nhà sản xuất chỉ biết… sản xuất, bất chấp cả những ứng xử tế nhị, tinh tế cần thiết, nhất là ở môi trường văn hóa.

Để khán giả không quay lưng với gameshow và trên truyền hình không có những gameshow nhảm nhí, theo nghệ sĩ Minh Nhí, cần sự quyết tâm của nhiều phía. Đó là góc nhìn văn hóa của cơ quan quản lý, sự nghiêm túc của nhà sản xuất và đặc biệt là các nghệ sĩ dám nói “không” với hài nhảm, dám khước từ với những hợp đồng diễn hài nhảm theo yêu cầu từ những người làm chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gameshow - thực đơn đang 'nhiễm độc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO