Phim hoạt hình: Vẫn đợi chờ bứt phá

Thạch Kim Anh 26/06/2016 10:42

Thông tin sau 3 ngày đầu tiên chính thức khởi chiếu, “Finding Dory” khiến Disney bỏ túi 136,1 triệu USD (tương đương gần 3.000 tỷ VNĐ) và trở thành phim hoạt hình mở màn ăn khách nhất mọi thời đại khiến nhiều người ngẩn ngơ. Phim hay như vậy doanh thu khủng là đúng rồi. Còn giới chuyên môn và cả những người mong chờ hoạt hình Việt Nam khởi sắc thì chỉ biết cảm thán: “Bao giờ cho đến tháng 10”?

“Đi tìm Dory” lập kỉ lục phim hoạt hình đạt doanh thu mở màn cao nhất.

Có đến rạp chiếu phim những ngày này mới thấy tâm trạng háo hức của khán giả khi chờ đón siêu phẩm về cô cá xanh bị mất trí nhớ ngắn hạn Dory. Các suất chiếu, nhất là ngày cuối tuần đều kín chỗ. Thậm chí có những người đến trước nửa tiếng mà còn không mua nổi vé. Không có thống kê chính thức về doanh thu của “Đi tìm Dory” tại các rạp ở Việt Nam song cứ nhìn vào việc các gia đình bồng bế nhau đi xem thì thấy chắc chắn đó sẽ là con số đáng mơ ước.

Hoạt hình đâu cứ phải trẻ con

Bản thân các ông bố bà mẹ là người “ngóng” tin tức về phim sẽ ra rạp trước, thậm chí còn háo hức hơn cả trẻ nhỏ bởi họ sẵn các phương tiện cập nhật là máy tính, điện thoại. Từng bị chinh phục bởi phần 1 “Đi tìm Nemo” nên khi phần 2 “Đi tìm Dory” được chờ đón trên toàn thế giới. Nhiều ông bố bà mẹ còn tỏ ra “cáu kỉnh” khi các con không chịu ngồi yên trong rạp để cùng xem phim. Chứng tỏ, phim hoạt hình của nước ngoài dành cho tất cả mọi lứa tuổi, không riêng gì trẻ nhỏ.

Bởi thế mà các phim như “Vua sư tử”, “Kỉ băng hà”, “Kungfu Panda”, “Đi tìm Dory” hay “Thế giới ô tô”, “Thế giới máy bay”, “Madagascar”, “Sherk”… dù được nối tiếp nhau ra đời đến 3, 4 phần nhưng vẫn hấp dẫn, đạt doanh thu khủng. Lí do để phim thu hút người xem không chỉ bởi được làm với công nghệ mới nhất, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, có nhiều siêu sao đảm nhận việc lồng tiếng cho các nhân vật mà còn bởi ở nội dung hay, nhiều tầng lớp ý nghĩa, khiến khán giả ở độ tuổi nào cũng thấy được sự cuốn hút.

Trẻ nhỏ thì đương nhiên thích vì đó là thế giới của cổ tích, của phép thuật, của những công chúa nàng tiên, những con vật, vua chúa và những câu nói ngộ nghĩnh, dễ thương hay những chuyến phiêu lưu tới vùng đất chúng chưa thấy bao giờ. Còn người lớn thì như tìm lại được thế giới tuổi thơ của mình, lại được chiêm nghiệm về những bài học bổ ích, qua những câu chuyện mà con cái mình cùng xem có thể dạy con về lòng yêu thương, sự gắn bó gia đình, quý trọng loài vật, yêu thương con người…

Hướng tới cái đẹp

Cũng như tất cả các tác phẩm điện ảnh khác, phim hoạt hình của nước ngoài (đặc biệt là những phim bom tấn) luôn chiêu đãi người xem bằng những bữa tiệc mãn nhãn. Không biết họ có đặt nặng vấn đề giáo dục hay không, nhưng một bộ phim muốn trở thành “siêu phẩm” trước hết phải có tính giải trí cao, phải khiến người xem thấy hấp dẫn bằng câu chuyện hay ho, tình huống hài hước, hình vẽ đẹp, công nghệ hiện đại đã. Như vậy họ mới đổ tới rạp, mới bỏ tiền ra xem, háo hức được xem và có thể xem đi xem lại nhiều lần. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bộ phim muốn nói gì thì nói.

Điện ảnh cũng như tất cả các ngành nghệ thuật khác, điều cuối cùng đều phải vì con người, hướng tới cái đẹp trong mỗi con người, điều đó mới khiến tác phẩm có sức nặng. Chỉ có điều, họ xử lí những thông điệp, tính nhân văn, những bài học giáo dục ra sao?

Trong “Vua sư tử”, chú sư tử con Simba vì mải chơi, không nghe lời cha mẹ rồi ngây thơ mà bị kẻ xấu lừa gạt dẫn đến cái chết của chính bố mình- vua Mufasa. Dằn vặt, ân hận, Simba bỏ đi biệt xứ nhưng rồi trước thảm cảnh của chính những người thân và thần dân của mình dưới sự trị vì của người chú Scar gian ác và lũ linh cẩu, Simba phải trở về để đối mặt với vết thương lòng của chính mình, chiến đấu để trả thù cho cha và giành lại ngôi báu.

Trong “Kungfu Panda”, chú gấu trúc vụng về hậu đậu “vô tình” trở thành Thần Long Đại hiệp nhưng bản thân chú phải nỗ lực hết mình để bảo vệ dân làng, rèn luyện cả tâm tính để may mắn không từ trên trời rơi xuống, qua đó có biết bao bài học về tình cha con, về sự vượt qua giới hạn của chính bản thân, về tình anh em, bằng hữu…

Còn phim hoạt hình Việt Nam thì sao? Không chỉ ngắn về thời lượng (tầm 10 phút), phim phải “gánh” trên mình sứ mệnh là “để giáo dục trẻ em” như một vị đứng đầu của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trả lời báo chí. Tất nhiên, ở Việt Nam, với điều kiện, hoàn cảnh và cả quan niệm là hoạt hình chỉ dành cho trẻ con nên đặt nặng vấn đề giáo dục là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu giáo dục trẻ con thì đã thiếu gì các lĩnh vực khác như nhà trường, như các lớp học, tại sao hoạt hình lại đi “bon chen” vào đó? Chả trách nhiều năm qua hoạt hình của ta không thực sự hấp dẫn dược trẻ con của chính nước mình. Thời lượng đã ngắn, phim nào cũng “nhăm nhăm” đi trực diện vào những bài học rao giảng đạo đức bằng những lời thoại cứng nhắc đưa vào miệng nhân vật mà không tìm cách ẩn giấu sau những hành động, những tình tiết câu chuyện để khán giả tự ngẫm tự thấm thì có khác nào về đọc sách đạo đức cho nhanh.

Đừng hỏi vì sao

Bản thân những người làm phim hoạt hình của Việt Nam cũng đã hết sức cố gắng. Mỗi năm Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho ra đời khoảng 10 phim. Nhiều năm qua, số phim chưa nhiều nhưng cũng không phải là ít. Nhiều hãng phim hoạt hình tư nhân cũng đã được mở ra. Xem trên Youtube, các phim của chúng ta được đưa lên rất nhiều với những phim lên đến cả triệu lượt xem chứng tỏ khán giả vẫn dõi theo và mong chờ.

Điều đó càng khiến những người làm phim trong nước quyết tâm hơn nữa mới phải. Để cho khán giả khỏi năm nào cũng sầm sập đổ ra rạp chi tiền cho người làm hoạt hình ở mãi đẩu đâu, trong khi người làm hoạt hình ở Việt Nam thì “công việc chỉ là đam mê chứ không hẳn chỉ là lấy lương” (!)

Chưa có điều kiện làm dài và chưa được PR đúng mức, đó là những lí do mà “người trong cuộc” đưa ra với khán giả để lí giải việc phim không đến được với khán giả. Ngoài ra, kinh phí và kịch bản cũng là những khó khăn mà họ gặp phải. Tuy nhiên, Bộ VHTT&DL đã có cả một đề án kinh phí 150 tỉ đồng cho sản xuất phim hoạt hình để “Giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng qua phim hoạt hình”. Bản thân một tác giả kịch bản cũng tâm sự rằng để được đưa vào sản xuất, kịch bản có khi phải sửa đến 10 lần, sao cho chính tác giả không nhận ra đó là tác phẩm của mình nữa… mới xong!

Như vậy, bao giờ hoạt hình Việt Nam mới “đến tháng 10”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim hoạt hình: Vẫn đợi chờ bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO