Xiếc, đổi mới liệu đã tới?

Thạch Kim Anh 19/06/2016 14:05

120 ngàn đồng một vé xem cả vở kịch xiếc dài khoảng 60 phút không phải là quá đắt bởi lượng diễn viên khá đông với nhiều kịch mục. Thế nhưng, cảm giác khi ra khỏi rạp là: vẫn quá cũ kỹ. Dường như, việc đổi mới để xiếc hấp dẫn hơn, khiến người ta kéo đến rạp đông hơn vẫn chưa… tới.

Xiếc, đổi mới liệu đã tới?

Đuối dần

Đó là cảm nhận của phần đông khán giả khi xem vở “Tráng sĩ và ác điểu” đang diễn ra tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội). Được xây dựng dựa trên câu chuyện cổ tích quen thuộc với các em nhỏ với màn biểu diễn Thạch Sanh đánh trăn tinh do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật- NSND Tạ Duy Ánh, “Tráng sĩ và ác điểu” huy động các thể loại xiếc người, xiếc thú độc đáo cùng hợp thành để thể hiện nội dung.

Vở diễn có khung cảnh làng quê thanh bình với những ngày hội làng sôi động, đậm đà bản sắc Việt Nam với những chàng trai, cô gái tài năng chăm chỉ lao động và yêu đời bên muôn loài muông thú hiền lành quây quần cùng chung sống. Thế rồi khung cảnh ấy trở nên xáo động bởi những thế lực xấu xa, những mưu mô, thủ đoạn của Lý Thông và các loài ma quỷ, trăn tinh, ác điểu mò ra từ hang cùng, núi thẳm. Tình thế buộc chàng Thạch Sanh phải lên đường diệt trừ yêu quái để cứu người và mang lại sự yên bình cho xóm làng.

Những màn màn đu dây, nhào lộn ban đầu khiến khán giả nhí không rời mắt khỏi sân khấu. Nhiều trò kết hợp trong vở kịch như ảo thuật, uốn dẻo, tung hứng… cũng rất hấp dẫn. Phần thiết kế, dàn dựng khá công phu khi kết hợp các màn diễn với các đạo cụ quen thuộc như ống tre, cây cau, chum vại… vẽ nên cảnh sắc làng quê với đặc trưng đậm hồn cốt dân tộc.

Nhưng từ phần Thạch Sanh, Lý Thông xuất hiện rồi đi cứu công chúa thì có vẻ dài dòng. Người lớn xem tất nhiên vẫn ngồi theo dõi nhưng nhiều trẻ em thì đã thấy không còn thu hút như trước. Hơn nữa, vở diễn được dàn dựng trên mạch truyện có sẵn nên phần nào không gây bất ngờ, hứng thú cho người xem. Dù tình tiết đại bàng không bị bắn chết mà được hóa phép thành một con vật có ích, đấy là màn ảo thuật biến người thành vịt có tạo nên điểm khác biệt, mang tính nhân văn sâu sắc, dạy trẻ con hướng thiện nhưng cũng không cứu vãn được việc vở kịch xiếc đuối dần về cuối.

Cần sáng tạo

Dù sao cũng ghi nhận đó là sự cố gắng của Rạp xiếc Trung ương nhằm mang đến cho khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi một vở kịch xiếc dài, là món ăn tinh thần bổ ích cho mùa hè này. Đúng như NSƯT Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng nói đại ý, giờ đây, khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật cũng như từ việc tham gia các festival xiếc quốc tế và 4 lần trực tiếp tổ chức liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam, nếu vẫn giữ cách dàn dựng, biểu diễn cũ, nếu không đổi mới thì sẽ bị tụt hậu.

Ông Ánh cũng tổng kết, trong vài năm qua, Liên đoàn đã chủ động dàn dựng các tiết mục không chỉ được nâng cao kỹ thuật cơ bản mà còn phải kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, đẩy mạnh vai trò của người đạo diễn để có được cách kể chuyện mới mẻ, lạ lẫm...

Tuy nhiên, khi bước chân vào Rạp xiếc hiện nay, nhiều khán giả cảm nhận được vẫn có sự cũ kỹ như từ hàng chục năm trước. Hệ thống ánh sáng, ghế ngồi còn khá đơn sơ. Đặc biệt âm thanh thì không thực sự tốt khiến khán giả không thể lĩnh hội được hết những lời giới thiệu, dẫn chuyện mà chỉ tập trung vào phần xem. Bên cạnh đó, xiếc biểu diễn trên sân khấu tròn, nhưng sự tương tác của diễn viên với khán giả vẫn như ở sân khấu hộp, chỉ ưu tiên cho một hướng chính mà quên mất rằng, đằng sau, bên cạnh còn rất nhiều khán giả mà toàn bộ các diễn viên trên khấu phải có sự tương tác, dù chỉ qua ánh mắt, cách di chuyển!

Không phủ nhận những nỗ lực, những thành công, nhưng mong ngành xiếc phát triển mạnh mẽ hơn, giữ lấy khán giả, một số chuyên gia cho rằng, xiếc cho thiếu nhi, xiếc thú đến thời điểm này vẫn thiếu sự đầu tư xứng đáng. Bao năm qua, vẫn với màn voi đá bóng, quay tròn trên ghế bằng một chân hay quỳ gối chào khán giả hay chó làm toán, ngựa phi qua vòng tròn, khỉ, gấu đạp xe đạp... như hàng chục năm trước vẫn xem trên truyền hình.

Xiếc Việt Nam đã có thời kỳ hoàng kim vào những năm 1970-1980. Muốn trở lại thời hoàng kim đó, các nghệ sĩ không còn cách nào khác là phải tự đổi mới mình, sáng tạo hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, để họ khỏi trầm trồ với những sản phẩm của nước ngoài và tiếc nuối cho một thời vẻ vang của xiếc Việt.

Đừng chỉ đổ lỗi cho khán giả thờ ở với xiếc Việt, nếu chính các nghệ sĩ, các đơn vị tổ chức không mạnh tay thay đổi. Bắt đầu từ những kịch mục hấp dẫn, những hình tượng nhân vật thu hút thiếu nhi, cho tới sự đầu tư sân khấu... Chỉ có như vậy, xiếc nội mới không thua trên sân nhà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xiếc, đổi mới liệu đã tới?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO