Hỗ trợ nhà cho người có công: Đúng người, đúng đối tượng

Duy Phương 27/05/2017 08:35

Tính đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 300 ngàn hộ gia đình người có công cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Nguyên nhân của sự chậm trễ trong thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công là do khó khăn về nguồn vốn, kinh phí, và cũng không ngoại trừ tình trạng bị trục lợi chính sách. Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết thực hiện chính sách hỗ trợ người có công về nhà do Bộ Xây dựng tổ chức, sáng 26/5 tại Hà Nội.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư thứ nhất
Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng tại
lễ Thắp nến tri ân do Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức (7/2016). (Ảnh: Ngọc Thắng).

Số lượng nhà cần hỗ trợ vượt xa kế hoạch

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/5/2017, cả nước đã có 116.967 hộ hoàn thành việc xây mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở (trong đó có 61.080 hộ xây mới và 55.887 hộ sửa chữa, cải tạo), đang triển khai thực hiện cho 6.787 hộ (gồm 2.334 hộ xây mới và 4.453 hộ sửa chữa, cải tạo). Như vậy, tổng số hộ đã và đang thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở tính đến nay là 123.754 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ.

Nguyên nhân tăng số hộ nêu trên chủ yếu là do một số địa phương đã tạm ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở (khoảng 34.000 hộ); có một số địa phương đã thay đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo (khoảng 9.000 hộ). “Như vậy, nếu tính cả số hộ mà 13 địa phương đề nghị bổ sung thêm thì đến ngày 15/5/2017, cả nước còn 256.166 hộ chưa thực hiện theo QĐ 22”- báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

Theo đánh giá của các địa phương, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo QĐ 22 vẫn còn vướng phải không ít khó khăn. Nhiều địa phương cho biết, số lượng người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở liên tục có biến động theo hướng tăng. Sau thời điểm các địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định, tổng hợp theo quy định thì nhiều địa phương vẫn tiếp tục rà soát và bổ sung số liệu các hộ gia đình cần hỗ trợ về nhà ở nên việc tổng hợp, báo cáo của các Bộ, ngành gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, kinh phí xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện Quyết định 22. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khá nhiều địa phương vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa chủ động trong huy động nguồn lực xã hội hóa nên dẫn đến sự chậm trễ trong việc thực hiện mục tiêu theo tinh thần Quyết định 22.

Mặc dù thừa nhận trong thời gian đầu, khó khăn về nguồn kinh phí dẫn đến việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công có phần hạn chế, song, ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ nhà ở cho người có công và kết quả giai đoạn 1, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được kết quả đáng khích lệ, xây dựng được 11.000 nhà ở cho gia đình người có công.

Chia sẻ thêm, ông Huỳnh Khánh Toàn- Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là một tỉnh có số lượng đối tượng chính sách rất lớn, lên đến 15% dân số, trong đó đối tượng người có công, khó khăn về nhà ở chiếm tỷ lệ rất lớn. ”Trong thời gian đầu, chúng tôi chỉ thực hiện được số lượng rất hãn hữu do nguồn kinh phí của Trung ương không đảm bảo, phải dừng lại.

Năm 2016, Quảng Nam đã có đề xuất với Chính phủ xem xét và thống nhất cho tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai, trên tinh thần sử dụng nguồn ngân sách địa phương, sau đó địa phương sẽ tự cân đối”- ông Toàn cho hay. Theo ông Toàn, đến nay tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện được đến 88%, nếu loại trừ ra 297 ngôi nhà đối tượng đã làm, và 890 đối tượng đã xin không đầu tư xây dựng trong năm 2017 địa phương này đã đạt được 92% xây dựng và sửa chữa mới với mức hỗ trợ xây mới lên tới 40 triệu đồng, và sửa chữa là 20 triệu đồng.

Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình
làng Lưới, xã Sơ Pai, huyện Kbang, Gia Lai. (Ảnh: Đ.T.).

Nghiêm khắc với việc trục lợi chính sách

Phát biểu tại Hội nghị, mặc dù ghi nhận những thành quả mà các địa phương đã thực hiện được trong thời gian qua, song Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, còn có nơi này nơi khác xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, khiến cho có nơi người có công thì không có nhà, người không có công lại có nhà, thiệt thòi rất lớn cho những gia đình có công với cách mạng. Ông Dung nêu quan điểm, cả nước hiện vẫn còn hơn 300.000 căn hộ cần sửa chữa và hỗ trợ xây mới, chúng ta cần thực hiện làm sao đảm bảo nhà ở được hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

”Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về xử lý những đối tượng trục lợi chính sách, tránh tình trạng người không công lại được hưởng lợi. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải rất sát sao và nghiêm khắc trong vấn đề này, để tiền của ngân sách không bị ”đi nhầm” và nhà cán bộ, nhà người không có công” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. Ông Dung cũng đưa ra đề xuất, cần tập trung hoàn thành nốt giai đoạn 2 đối với hơn 300 ngàn hộ người có công trong hai năm 2017-2018, không nên để kéo dài mãi, sẽ gây ra nhiều bất cập và chắc chắn chính sách hỗ trợ sẽ lại tiếp tục phát sinh dẫn đến khó có thể hoàn thành kế hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chất lượng cuộc sống của toàn dân, đặc biệt là những người có công với cách mạng. Nhiều chính sách về nhà ở hỗ trợ cho người có công đã được ban hành với mục tiêu làm sao để tất cả những ai đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đều có được chỗ an cư. Sau năm năm thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đến nay cả nước cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1, hỗ trợ được gần 130.000 hộ người có công có nhà ở. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Đơn cử, việc hỗ trợ nhà ở chưa đạt được chỉ tiêu và chậm so với kế hoạch. Nhiều địa phương chưa hỗ trợ được kịp thời, đúng người, đúng đối tượng... dẫn đến việc thực hiện chính sách bị kéo dài, chậm kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng đánh giá, mặc dù chúng ta cũng huy động được nguồn lực xã hội hóa nhưng thời gian qua, việc xây nhà ở cho người có công vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, nhiều địa phương còn làm vượt ngân sách. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khuyến cáo, các chương trình xây dựng nhà ở cho người có công nói riêng, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nói chung cần tiếp tục được các địa phương chú trọng đẩy mạnh để làm sao tất cả những người nghèo, người có công đều có cơ hội có nhà ở. “Chúng ta đầu tư nhà ở có nghĩa là chúng ta đang đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, vì khi lĩnh vực nhà ở phát triển thì tất cả các lĩnh vực kinh tế khác cũng phát triển theo. Và khi người dân an cư mới lạc nghiệp, đất nước mới có thể phát triển ổn định và bền vững”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ nhà cho người có công: Đúng người, đúng đối tượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO