Khuyến khích người lao động học nghề khi thất nghiệp

Lê Bảo 08/02/2018 09:45

Nhằm thu hút người lao động học nghề sau thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg theo hướng thay đổi mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ học nghề nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người thất nghiệp khi tham gia học nghề.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ có biện pháp để cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người lao động…

Khuyến khích người lao động học nghề khi thất nghiệp

Đa dạng hóa đào tạo nghề để thu hút người lao động học nghề.

Lao động thất nghiệp chê học nghề

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam số người tham gia BHTN liên tục tăng qua các năm: nếu như năm 2009 mới có 5,993 triệu người tham gia BHTN thì đến năm 2016 đã tăng lên 11,061 triệu người (tăng 84,5%). Tính đến hết tháng 9-2017 số người tham gia BHTN là 11,262 triệu người (bằng 85,6% so với số người tham gia BHXH). Tuy nhiên số người học nghề tỷ lệ nghịch với số thất nghiệp.

Cụ thể, số người tư vấn, giới thiệu việc làm chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng TCTN và có xu hướng tăng theo từng năm, tính đến tháng 11/2017 tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 3.944.283 người, bằng 110% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Chỉ tính riêng tháng 11/2017, số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm bằng 162% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Một số địa phương có tỷ lệ người được tư vấn, giới thiệu việc làm cao là Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng...

Về hỗ trợ nghề, theo báo cáo của các địa phương thì tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề. Số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, tính đến hết tháng 11-2017 số người được hỗ trợ học nghề là 121.560 người. Tuy nhiên, dù vậy đánh giá về việc triển khai chính sách đào tạo nghề đại diện Bộ LĐTB&XH thừa nhận chính sách BHTN vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khá chặt chẽ, do đó tương đối khó để người sử dụng lao động tiếp cận được với chế độ này.

“Hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp là chính sách ưu việt, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp khiến lao động thất nghiệp chưa mặn mà. Cụ thể, theo Quyết định 77/2014/QĐ-TTg, người lao động tham gia BHTN và có đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì được hưởng mức hỗ trợ học nghề rất thấp, chỉ là 1 triệu đồng/người/tháng”- ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐTB&XH) cho biết.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Báo cáo từ các địa phương cũng chỉ ra rằng, hiện nay, người lao động có nhu cầu học các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, tin học văn phòng, lái xe, thiết kế quảng cáo... với thời gian ngắn để có nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm nhanh chóng có thể tìm kiếm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Cá biệt, một bộ phận không nhỏ người lao động có nhu cầu học tiếng nước ngoài để đi xuất khẩu lao động theo các chương trình liên kết hoặc lao động tự túc. Chính vì vậy việc đổi mới các chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp cần được ngành chức năng xem xét. Trong đó để chính sách đi vào cuộc sống, ngành LĐTB&XH cần có những nghiên cứu, khảo sát dựa trên nhu cầu của người lao động để đưa ra những chính sách phù hợp.

Nói về những khó khăn khi thực hiện chính sách BHTN, bà Ngô Thị Hải Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHTN tại nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động; công tác phối hợp giữa các ngành trong quản lý trợ cấp thất nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến không ít người lao động cùng lúc hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn tham gia đóng BHXH, BHYT… Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh việc điện tử, may mặc ưu tiên tuyển công nhân nữ độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi; nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường cho lao động nghỉ việc trong độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi… khiến những lao động này khi thất nghiệp rất khó quay trở lại thị trường lao động. Việc hỗ trợ học nghề bị bó hẹp, cứng nhắc về danh mục ngành nghề cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm đối với lao động thất nghiệp chưa đạt như mong muốn.

Từ những hạn chế trên, Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người lao động. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến khích người lao động học nghề khi thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO