Mạnh tay với dạy thêm, học thêm

Lam Nhi 07/10/2017 09:15

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo, đôn đốc phòng giáo dục các quận huyện, trường THPT thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Trong đó nhấn mạnh, nhà trường không dạy thêm trước chương trình, không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm.


Ảnh minh họa.

Nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “trên bảo, dưới có nghe” khi những tờ đơn xin học thêm vẫn được nhà trường, thầy cô phát đến tận tay phụ huynh và chỉ việc “điền vào chỗ trống” để hợp thức hóa việc dạy thêm. Đến nay đã có trường hợp nào bị xử phạt vì học sinh và gia đình thiếu tự nguyện chưa?

Cụ thể, trong văn bản Sở GD&ĐT Hà Nội gửi các đơn vị có đề cập tới việc không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Học sinh chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý. Các trường THPT không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn; số giờ học thêm không vượt số giờ học chính khóa trong ngày; mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn học.

Nhưng việc đưa ra những quy định này, theo phân tích của một chuyên gia giáo dục, thực chất là “có cũng như không”. Bởi khi mở lớp dạy thêm tại chính nhà trường, đương nhiên việc xếp lịch học thêm trùng với giờ học chính khóa là không thể. Nếu vào giờ học tự chọn, hầu như cũng không thể thực hiện do vi phạm các quy định của Bộ GD&ĐT và chắc không có trường nào lại đề ra lịch học gây tranh cãi như vậy.

Đặc biệt với quy định mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn học, theo chuyên gia này là thừa vì trên thực tế, ít có học sinh nào lại tự nguyện học thêm tới 5 môn. Học sinh yếu môn nào hoặc muốn tập trung cho môn học nào để nâng cao kết quả thi tốt nghiệp, lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng (đối với bậc THPT) thì cũng chỉ đăng ký 3, 4 môn. Nhất là đối với việc học thêm tại trường, việc chọn giáo viên theo yêu cầu không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng.

Mặc dù văn bản cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối học kỳ của học sinh để xếp thành các nhóm báo cáo hiệu trưởng nhà trường để bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo đúng qui định hiện hành. Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay là học sinh lớp nào học theo lớp đó, thậm chí đúng thầy cô giảng dạy bộ môn đó trong giờ chính khóa sẽ dạy tiếp ở lớp học thêm, ít có việc chia lớp theo trình độ.

Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không nên và cũng không thể cấm vì nhu cầu học thêm để nâng cao trình độ, củng cố kiến thức của một bộ phận học sinh và gia đình là có thật. Nhưng để học thêm, dạy thêm không bị “biến tướng” thì không chỉ những văn bản hành chính quy định chung chung có thể phát huy tác dụng mà phải là hành động chấn chỉnh thật sự quyết liệt, mạnh tay. Đặc biệt, khi phát hiện có những vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm để các cơ sở giáo dục khác làm gương chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” như cách làm lâu nay trong ngành giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với dạy thêm, học thêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO