Xuất khẩu lao động huyện nghèo: Tạo điều kiện vào thị trường thu nhập cao

Lan Hương 15/04/2017 10:15

Để khuyến khích người dân nghèo đi XKLĐ ông Trịnh Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Tới đây khi triển khai chương trình tuyển lao động đi Hàn Quốc làm nghề nông, Bộ sẽ có những ưu tiên dành cho người dân ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.

Chương trình này sẽ kéo dài thời gian thi chứng chỉ tiếng Hàn Quốc muộn hơn, vào khoảng tháng 8-9. Đặc biệt, Nhà nước sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ học phí học tiếng Hàn và có hỗ trợ cho người lao động ở các huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.

Xuất khẩu lao động huyện nghèo được xem là hướng thoát nghèo bền vững.

Nhiều trở ngại

Với nhiều chế độ ưu đãi, Ðề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLÐ) góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 theo Quyết định 71/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, sau 7 năm, việc thực hiện chính sách này vẫn hết sức gian nan.

Theo Quyết định 71 người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các huyện nghèo khi có nguyện vọng XKLĐ sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu học tập nâng cao trình độ văn hóa; hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết; được vay vốn ưu đãi. Đối tượng khác đang cư trú dài hạn tại huyện nghèo cũng được hỗ trợ 50% phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Nhận thấy XKLĐ đem lại hiệu quả rất lớn không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhiều năm nay Hòa Bình cũng đã dành nguồn lực hỗ trợ cũng như tăng cường tuyên truyền để người dân đi XKLĐ. Tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Thủy việc đẩy mạnh XKLĐ ở những huyện nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng mỗi năm Hòa Bình dành 500 triệu đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác XKLĐ tại những huyện nghèo song người dân tỏ ra khá thờ ơ.

“Người dân quen chịu khổ nhưng không chịu khó, nên vận động người dân đi xuất khẩu lao động gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi vận động người dân đi học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập nhưng nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thẳng thắn: Học nghề, học tiếng đều được nhưng không thể xa nhà”– PGĐ Nguyễn Thanh Thủy cho biết.

Một trở ngại khác được ông Nguyễn Thanh Thủy nhắc đến là trình độ dân trí của người dân còn thấp, chưa quen với môi trường sản xuất tập trung, hiện đại. Vì thế rất ít người có thể đi làm ở những thị trường lớn như Hàn Quốc, hay Nhật Bản. Ví như cuối năm 2016 tỉnh Hòa Bình phối hợp với trung tâm đào tạo tiếng Hàn Quốc dạy tiếng cho 100 người lao động nhưng khi kết thúc kỳ thi chỉ có 5 người thi đỗ chứng chỉ để xuất cảnh. Trong khi đó, với một số thị trường dễ tính hơn như Malaysia, Ả rập Xê út, người lao động lại chê lương thấp, không muốn đi.

Thực tế công tác XKLĐ tại các huyện nghèo cho thấy, phần lớn NLĐ là người DTTS ở các xã vùng cao, vùng sâu của huyện nghèo mới học xong THCS, chưa được đào tạo nghề, không quen với môi trường sản xuất tập trung, chuyên nghiệp, hiện đại nên chưa thể đáp ứng yêu cầu phía sử dụng lao động ở nước ngoài, nhất là các thị trường yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó ở các thị trường khác như Malaysia, Đài Loan phù hợp với trình độ thì người dân lại chê thu nhập thấp

Dành nhiều ưu đãi cho người nghèo

Đánh giá về công tác XKLĐ tại các huyện nghèo ông Trịnh Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) thừa nhận, chương trình đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ theo Đề án 71 từ năm 2009 đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua một thời gian dài thực hiện, chương trình đã không đạt mục tiêu bởi cả doanh nghiệp và người lao động đều không hào hứng.

Có thể thấy triển khai đề án hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, muốn đưa người dân ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động thì trước hết phải là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng chủ trương của Nhà nước. Yếu tố quyết định thành công của việc đưa người dân huyện nghèo đi xuất khẩu lao động là người dân phải thật sự muốn và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thật sự chứ không thể ép. “Chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên giải quyết đời sống cho lao động nghèo, xã nghèo, huyện nghèo.

Thế nhưng, thực chất tôi biết có nhiều lao động nghèo đi XKLĐ về còn nghèo hơn vì về trước hạn, phải gánh thêm khoản nợ ngân hàng. Để hoạt động XKLĐ giúp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân, trước hết địa phương cần có chính sách tư vấn, định hướng cho lao động. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp uy tín vào tư vấn chính sách XKLĐ cho người dân” - Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn nói

Trước những hạn chế trên Bộ LĐTB & XH cho biết, tới đây sẽ có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc XKLĐ tại những huyện nghèo. Theo đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được chính sách đồng thời sẽ dành nhiều ưu tiên về nguồn lực để hỗ trợ cho những đối tượng này. Bên cạnh đó sẽ tiến hành đàm phán, mở rộng thị trường để người nghèo tại vùng khó khăn được đi làm việc tại những thị trường có thu nhập cao.

Cụ thể tới đây trong kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS năm 2017, Bộ LĐTB & XH đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc dành 800 chỉ tiêu ngành nông nghiệp cho người lao động cư trú dài hạn tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đáng chú ý những lao động này còn được hỗ trợ 4,5 triệu đồng trong thi tiếng Hàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động huyện nghèo: Tạo điều kiện vào thị trường thu nhập cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO